Lễ tang 13 cán bộ hy sinh ở Rào Trăng 3: Vĩnh biệt những người con dũng cảm
Mệnh lệnh từ trái tim, từ phẩm chất cao cả của Bộ đội Cụ Hồ, đoàn công tác vượt núi băng rừng đi cứu hộ và hy sinh là tổn thất vô cùng to lớn...
13h30: Đoàn xe tang nối đuôi nhau đi ra Bắc. Người dân đứng hai bên đường tiễn biệt 13 cán bộ hi sinh khi làm nhiệm vụ. Trên xe chở linh cữu ngoài người nhà còn có các chiến sĩ quân đội làm nhiệm vụ.
13h: Hai linh cữu cuối cùng đã được di quan về nhà để tiếp tục thực hiện lễ tang theo phong tục địa phương.
11h20: Lễ di quan được tổ chức trang trọng, xúc động.
Từng tốp tiêu binh đưa quan tài lên xe tải quân đội chờ sẵn để đưa thi hài liệt sĩ về quê nhà. Liệt sĩ đầu tiên được di quan là thiếu tướng Nguyễn Văn Man.
Khi cỗ áo quan càng đến gần chiếc xe tải, tiếng la khóc càng lớn dần. Người thân các liệt sĩ không ngừng khóc thương sau cỗ áo quan. Tiếp theo đó, lần lượt 12 liệt sĩ còn lại cũng được di quan về quê nhà.
10h40: Ban lễ tang tiến hành Lễ truy điệu cho 13 liệt sĩ.
10h: Thân nhân gia đình liệt sỹ vào viếng, thắp hương trước khi làm lễ truy điệu.
9h10 sáng 18/10, dòng người đến viếng tang 13 liệt sĩ càng lúc càng đông. Bên trong, nghi lễ tiếp tục diễn ra trang trọng.
Ngoài sảnh, vợ Thiếu tướng Nguyễn Hữu Hùng, Phó cục trưởng Cục Cứu hộ - cứu nạn Quốc gia khóc ngất vì tiếc thương người chồng quả cảm. Gia đình thiếu tướng đã vào Thừa Thiên - Huế túc trực từ nhiều ngày nay.
Đồng đội cùng cơ quan với Thiếu tướng Hùng chia sẻ, ông là người cương trực, làm việc quả quyết và rất nghiêm khắc. Nhưng ngoài công việc thì rất dễ gần, anh em cơ quan ai cũng quý mến. "Anh em hẹn nhau sau đợt công tác mưa lũ này sẽ ngồi với nhau một bữa. Không ngờ anh không về nữa", đồng đội của Thiếu tướng Hùng bùi ngùi.
Những cựu quân nhân đến viếng con cháu, cũng là những người đồng đội vừa hi sinh
Sáng nay, Đại tá Phạm Văn Tăng, nguyên Hiệu trưởng Trường Quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế mặc lại bộ quân phục, cùng các các đồng đội cũ đến viếng 13 liệt sĩ hi sinh.
Đại tá Tăng năm nay đã 80 tuổi, ông và đồng đội đã bước ra từ chiến tranh, khói lửa. Hôm nay, họ đến viếng con, em cũng là đồng đội của họ hi sinh. Giữa thời bình, sự hi sinh này là mất mát quá lớn. Ông Tăng bảo: "Người lính phải luôn mạnh mẽ, nhưng trong giây phút này lòng nặng trĩu. Giữa thời bình, đây là đau thương, mất mát quá lớn".
Mẹ liệt sỹ Nguyễn Văn Bình khóc nghẹn ở lễ viếng con trai.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã có mặt tại lễ tang từ sáng sớm để thắp hương cho các liệt sĩ và chia buồn với gia đình. Nhiều người thân không kìm được nước mắt trước nỗi đau quá lớn.
"Sự hy sinh của các đồng chí là biểu tượng cao đẹp của truyền thống dân tộc, biểu tượng của tinh thần dũng cảm, trách nhiệm của cán bộ chiến sỹ vì nước vì dân.
Xin vĩnh biệt những người con dũng cảm của Tổ quốc Việt Nam. Xin chia sẻ mất mát đau thương với gia đình và người thân của các đồng chí, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng viết trong sổ tang.
7h30: Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã có mặt tại lễ tang từ sáng sớm để thắp hương cho các liệt sĩ và chia buồn với gia đình. Nhiều người thân không kìm được nước mắt trước nỗi đau quá lớn.
"Sự hy sinh của các đồng chí là biểu tượng cao đẹp của truyền thống dân tộc, biểu tượng của tinh thần dũng cảm, trách nhiệm của cán bộ chiến sỹ vì nước vì dân.
Xin vĩnh biệt những người con dũng cảm của Tổ quốc Việt Nam. Xin chia sẻ mất mát đau thương với gia đình và người thân của các đồng chí, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng viết trong sổ tang.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đến viếng, ghi sổ tang
Đồng thời chia sẻ nỗi đau mất mát với thân nhân các liệt sĩ
Các Bộ, ngành TW, địa phương cùng các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng viếng lễ tang 13 liệt sĩ
7h: Lễ viếng 13 cán bộ hy sinh khi cứu hộ thủy điện Rào Trăng 3 bắt đầu.
Chương trình tang lễ của từng liệt sĩ tại các địa phương do địa phương chủ động thực hiện.
Về phía Bộ Chính trị và Chính phủ, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gửi vòng hoa kính viếng.
Tại buổi họp báo sáng nay (18/10), Thượng tướng Phan Văn Giang, Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam cho biết: Sau khi xảy ra sự cố sạt lở khiến nhiều người mất tích, chúng tôi đã phối hợp với các Bộ, ngành T.Ư và tỉnh Thừa Thiên-Huế điều phương tiện, nhân lực, chó nghiệp vụ nhưng chỉ tìm được các đồng chí hi sinh chứ không có cách nào tốt hơn.
Hôm nay, tại Hướng Hóa (Quảng Trị) lại tiếp tục xảy ra sạt lở đất, những người đang đào bới tìm kiếm đồng đội phải lui ra để đảm bảo an toàn và tìm biện pháp tốt hơn.
Lực lượng QK4 cùng lúc vừa tổ chức lễ viếng, truy điệu cho 13 liệt sĩ hi sinh đồng thời tiếp tục phối hợp với tỉnh Thừa Thiên - Huế khắc phục sự cố ở thủy Điện Rào Trăng 3, đồng thời phải tiếp tục khắc phục hậu quả tại xã Hướng Phùng (huyện Hướng Hóa).
Đêm qua, tất cả các đơn vị đứng chân trên địa bàn QK4, QK5 tiếp tục kiểm tra nhưng khi chưa kiểm tra xong thì lại xảy ra chuyện, vô cùng đau buồn.
Quân ủy T.Ư Bộ Quốc phòng đã phối hợp giải quyết các chế độ chính sách cho các đồng chí.
Quân đội đã quyết định thăng hàm từ Đại tá lên Thiếu tướng cho một đồng chí hi sinh là đồng chí Nguyễn Hữu Hùng- Phó cục trưởng Cục Cứu hộ- cứu nạn quốc gia, lần đầu tiên quân đội làm việc này. Còn rất nhiều đồng chí hi sinh chỉ thăng, truy thăng đến quân hàm đại tá.
Chỉ trong 1 ngày, Quân ủy T.Ư báo cáo lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã ký truy thăng quân hàm này cho đồng chí Nguyễn Hữu Hùng. Mong muốn gia đình các liệt sĩ phần nào nguôi ngoai đi những đau thương, mất mát không gì bù đắp được.
Sau khi Lễ truy điệu hoàn tất, các đoàn sẽ đưa linh cữu các liệt sĩ về các nghĩa trang theo nguyện vọng gia đình. Trường hợp nào gặp khó khăn do điều kiện thời tiết chúng tôi cũng sẵn sàng hỗ trợ.
Hiện có vợ của 3 đồng chí hi sinh có nguyện vọng trở thành quân nhân chuyên nghiệp của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đề nghị QK4 làm các thủ tục báo cáo ra Bộ Quốc phòng.
Còn lại gia đình các gia đình liệt sĩ khác không có nguyện vọng gì thì giao QK4 dưới sự chỉ đạo của Tổng cục Chính trị về phía cán bộ, và đối với các trường hợp là quân nhân chuyên nghiệp thì Bộ Tổng tham mưu giải quyết cho thấu tình đạt lý, làm sao giúp mọi người phần nào vơi đi nỗi đau mất mát to lớn này.
Hình ảnh đoàn cán bộ, chiến sĩ vượt mưa lũ vào cứu trợ Rào Trăng 3 Báo Quân khu 4 ghi lại trước khi đoàn gặp sự cố
Lễ viếng 13 cán bộ hy sinh khi cứu hộ thủy điện Rào Trăng 3 bắt đầu từ 7-11h ngày 18/10, lễ truy điệu bắt đầu từ 11-12h, lễ di quan về địa phương bắt đầu từ 12h cùng ngày. Chương trình tang lễ của từng liệt sĩ tại các địa phương do địa phương chủ động thực hiện.
Ngày 17/10, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ký Quyết định truy thăng quân hàm từ Đại tá lên Thiếu tướng đối với đồng chí Nguyễn Hữu Hùng, Phó Cục trưởng Cục Cứu hộ - cứu nạn, Bộ Tổng Tham mưu.
Đồng thời, Chủ tịch nước ký quyết Quyết định truy tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc cho 11 cán bộ, chiến sĩ vì đã có thành tích xuất sắc đột xuất trong thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn đợt mưa lũ và bão vừa qua tại Thủy điện Rào Trăng 3, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Trong đó, Thiếu tướng Nguyễn Văn Man, Phó Tư lệnh Quân khu 4, Bộ Quốc phòng và Thiếu tướng Nguyễn Hữu Hùng, Phó Cục trưởng Cục Cứu hộ - Cứu nạn, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam được truy tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất.
Trước đó, ngày 16/10, Chủ tịch nước cũng đã có quyết định truy tặng Huân chương Dũng cảm cho ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền và ông Phạm Văn Hướng, Trưởng phòng Thông tin - Tuyên truyền (Cổng thông tin điện tử tỉnh Thừa Thiên Huế).
Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định cấp Bằng “Tổ quốc ghi công” cho 13 Liệt sĩ thuộc Bộ Quốc phòng và tỉnh Thừa Thiên - Huế đã hy sinh ngày 13/10/2020 khi đang thực hiện công tác tìm kiếm, cứu nạn tại công trình thủy điện Rào Trăng 3, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Cùng ngày, Ban chấp hành Trung ương Đoàn có quyết định truy tặng huy hiệu Tuổi trẻ dũng cảm cho Thiếu tá Tôn Thất Bảo Phúc, Trưởng ban Công binh (Phòng Tham mưu, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế) và Thiếu tá Nguyễn Cảnh Cường, Đại đội trưởng Đại đội 6 (Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn 80, Quân khu 4). Hai liệt sĩ này cũng đã được thăng cấp hàm từ Đại úy lên Thiếu tá.
Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ cũng ký quyết định về việc truy tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho 13 cá nhân đã có hành động dũng cảm trong công tác cứu hộ cứu nạn tại Thủy điện Rào Trăng 3 (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền).
Hiện trường sạt lở kinh hoàng tại thủy điện Rào Trăng 3
Như Báo Giao thông đã đưa tin, trưa 12/10, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế nhận tin báo có vụ sạt lở đất, vùi lấp khu nhà có hơn 10 công nhân đang thi công ở thủy điện Rào Trăng 3, huộc địa bàn xã Phong Xuân, huyện Phong Điền.
Qua xác minh có 17 công nhân tại đây mất tích, Lãnh đạo Quân khu 4 và Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế đã thành lập Đoàn công tác gồm 21 người để tiếp cận hiện trường ngay trong ngày.
Khi đi đến khu vực có gầm tràn sâu trên đường 71, xe ô tô không qua được, Đoàn để lại xe và đi bộ vào Thủy điện Rào Trăng 3 còn cách đó khoảng 13km. Đến khoảng 21h ngày cùng ngày, do mưa quá lớn, nước chảy xiết, đường đi trơn trượt, nguy hiểm, Đoàn phải dừng chân, nghỉ tại khu nhà của Trạm Kiểm lâm sông Bồ. Khoảng 24h cùng ngày, bất ngờ đất đá đổ xuống đè lên khu nhà Đoàn đang nghỉ, chỉ có 8 người thoát khỏi khu vực sạt lở.
Đến 18h26 ngày 15/10, sau 3 ngày tìm kiếm, lực lượng tìm kiếm cứu nạn sở chỉ huy tiền phương Quân khu 4 đã tìm thấy thi thể 13 cán bộ, chiến sĩ gặp nạn vào sáng 13-10 tại Trạm quản lý và bảo vệ rừng 67 (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, Thừa Thiên-Huế).
Về điểm sạt lở thủy điện Rào Trăng 3, lực lượng cứu hộ cứu nạn đã và đang tích cực tìm kiếm các công nhân mất tích. Đến tối 18/10, các lực lượng mới tìm thấy thi thể 2 nạn nhân, hiện còn 15 công nhân đang mất tích.
Gần 2 ngày nay, tại tỉnh Thừa Thiên Huế có mưa lớn nên công tác mở đường vào Rào Trăng 3 phải tạm hoãn để đảm bảo an toàn. Các lực lượng cứu hộ vẫn túc trực 24/24, sẵn sàng tiếp tục công tác mở đường cứu hộ sau khi mưa ngớt. Ngoài ra, một mũi tiếp cận khác bằng đường thủy cũng được huy động để sớm tiến vào hiện trường sạt lở.
Danh sách 13 cán bộ, chiến sĩ hy sinh khi đi cứu hộ, cứu nạn tại thủy điện Rào Trăng 3 (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế):
1. Thiếu tướng Nguyễn Văn Man, Phó Tư lệnh Quân khu 4.
2. Đại tá Nguyễn Hữu Hùng, Phó cục trưởng Cục Cứu hộ, Cứu nạn, Bộ Quốc phòng.
3. Trung tá Bùi Phi Công, Phó chủ nhiệm Hậu cần Quân khu 4.
4. Trung tá Nguyễn Tiến Dũng, Phó trưởng Phòng Tác chiến Quân khu 4.
5. Thượng tá Hoàng Mai Vui, Phó trưởng Phòng xe máy - Cục Kỹ thuật Quân khu 4.
6. Trung tá Lê Tất Thắng, Phó lữ đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Lữ đoàn Thông tin 80, Quân khu 4.
7. Trung tá Trần Minh Hải, Phó tham mưu trưởng, Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên-Huế.
8. Đại úy Tôn Thất Bảo Phúc, Trưởng Ban Công binh, Phòng Tham mưu, Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên-Huế.
9. Đại úy Nguyễn Cảnh Cường, Đại đội trưởng, Đại đội 6, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn Thông tin 80, Quân khu 4.
10. Thượng úy Quân nhân chuyên nghiệp Đinh Văn Trung, Đài trưởng 15W, Đại đội 6, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn Thông tin 80, Quân khu 4.
11. Thượng úy Quân nhân chuyên nghiệp Trương Anh Quốc, nhân viên Điệp báo chiến dịch, Phòng Tham mưu, Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên-Huế.
12. Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Phong Điền (Thừa Thiên Huế).
13. Phan Văn Hướng, Trưởng phòng Thông tin – Tuyên truyền Cổng Thông tin điện tử Thừa Thiên Huế.
Tang lễ 13 liệt sĩ hy sinh khi cứu nạn thủy điện Rào Trăng 3 sẽ được tổ chức tại Bệnh viện Quân y 268 (phường Thuận...
Nguồn: [Link nguồn]