Lễ phục Việt Nam: Ai mặc?
Nguyên thủ quốc gia, người có tính chất đại diện cho nhân dân... sẽ mặc lễ phục trong dịp tiếp xúc ngoại giao, hội họp có tính chất quốc gia, lễ lớn của dân tộc.
Hiện nay Bộ VHTT – DL đang phát động cuộc thi thiết kế mẫu lễ phục Việt Nam. Mục đích, tìm ra bộ lễ phục để sử dụng trong các hoạt động quốc gia và quốc tế, nhằm tôn vinh, thể hiện ý thức tự hào của dân tộc và giữ gìn bản sắc văn hóa Việt Nam...
Nhân dịp này, PV có cuộc trao đổi với PSG, TS, họa sỹ, NSƯT Đoàn Thị Tình (Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc)
Là một nhà nghiên cứu về trang phục Việt Nam, bà có suy nghĩ gì về lễ phục?
Lễ phục là sắc phục của mỗi dân tộc, hình thành do nhiều yếu tố: Môi trường, địa lý, hoàn cảnh tâm lý xã hội, truyền thống đất nước, nguồn nguyên liệu, giao lưu văn hóa...
Lễ phục là thể diện và niềm tự hào về văn hóa mặc dân tộc, chứ không phải là sáng tác thiết kế thời trang theo xu hướng mốt.
PSG, TS, họa sỹ, NSƯT Đoàn Thị Tình
Ai sẽ mặc lễ phục, thưa bà?
Nguyên thủ quốc gia, người có tính chất đại diện cho nhân dân... sẽ mặc lễ phục trong dịp tiếp xúc ngoại giao, hội họp có tính chất quốc gia, lễ lớn của dân tộc...
Có câu “Y phục xứng kỳ đức”, nghĩa là trang phục thế nào, con người thế ấy. Có lễ phục để có vị thế giao tiếp với nước ngoài.
Lãnh đạo nước ta hiện nay khi tiếp xúc ngoại giao hoặc ngày lễ lớn thường là bộ âu phục comple với nam, còn nữ là áo dài. Bà nhận xét gì về trang phục kiểu này?
Mặc bộ âu phục như hiện nay, tôi thấy, như vậy cũng được nhưng không nên. Hiện nay các nhà lãnh đạo của ta thường mặc bộ comple đen trong các buổi ngoại giao, nhưng hãy để ý đến màu sắc. Cần nghiên cứu để có màu sắc phù hợp hơn.
Tại sao bà để ý đến màu sắc?
Màu sắc là ký hiệu thông tin gây ấn tượng cảm xúc hơn nhiều ký hiệu khác. Theo tôi, quan trọng nhất vẫn là màu sắc, đó cũng là tín hiệu để người ta nhận biết được văn hóa Việt Nam.
Tôi lấy ví dụ ở nước Nga, khi vị tổng thống lên nhậm chức, bao giờ mặc bộ comple, nhưng là bộ comple có màu xanh, màu cờ của nước Nga.
Lễ phục Nhật Bản, có chiếc áo màu đen gần giống với “áo đuôi tôm” của châu Âu, còn quần màu ghi. Lễ phục đó tạo ấn tượng người Nhật rất hiện đại nhưng có nét dân tộc, tôi cảm nhận rằng rất “Nhật Bản”.
Ví dụ cá nhân bà thích màu sắc nào ở lễ phục Việt Nam?
Cá nhân tôi thấy, lễ phục mang tính trang trọng, cần sự hòa điệu về màu sắc. Tôi đã từng có tham luận tại một hội thảo về chiếc áo dài nữ.
Với áo dài của nữ, nên sử dụng hai màu đen và đỏ nhưng là màu đỏ tía ấm (hoặc màu hỏa hoàng) tượng trưng cho phương nam nhiệt đới.
Hòa sắc tông tối và sáng giữa hai màu đen và đỏ tía, tăng độ cảm giác rực rỡ trong sáng của màu. Điều này cũn phù hợp với môi trường nhiệt đới gió mùa nóng ẩm, quanh năm tồn tại trong tông xanh lục của lá cây và màu nâu của đất.
Nó cũng là một yếu tố thể hiện về nhân sinh quan, thế giới quan của cư dân văn hóa lúa nước.
Tôi cũng xin lưu ý, nếu chiếc áo dài của phụ nữ trở thành lễ phục, ai cũng mặc được, nhưng người đại diện cho đất nước trong các buổi làm việc có tính chất ngoại giao thì màu sắc cần khác đi.
Các lãnh đạo APEC trong trang phục áo dài lụa tại kỳ hội nghị ở Việt Nam năm 2006. Ảnh: AFP
Có ý kiến băn khoăn, trong một buổi lễ, người mặc lễ phục sẽ khác biệt và dễ tạo cảm giác đẳng cấp, phân biệt giàu nghèo với những người còn lại. Ví dụ như thời phong kiến trước đây, màu áo vàng thêu rồng chỉ dành cho vua?
Nhà nước đã có quy định về trang phục công sở, trang phục đến nơi công cộng, đền chùa... Như vậy, với người biết tự trọng, khi đến những nơi như vậy, họ đã cần phải chuẩn bị trang phục cho phù hợp.
Nếu thời phong kiến, trang phục của vua với rồng phượng thể hiện quyền uy. Nhưng ngày nay, người lãnh đạo với nhân dân cùng một chí hướng. Song người lãnh đạo ấy là đại diện cho nhân dân, bộ trang phục cần nói lên văn hóa dân tộc.
Ví dụ, một nguyên thủ quốc gia đến dự hội nghị, ông ta mặc comple, những người còn lại trong đoàn cũng mặc comple. Riêng vị nguyên thủ sẽ mặc bộ comple có màu sắc và một vài chi tiết riêng biệt, chỉ dành cho nguyên thủ. Sự khác nhau về màu sắc không tạo sự cách biệt về đẳng cấp, chỉ là sự phân biệt giữa người nguyên thủ và những người khác.
Thậm chí, chưa chắc bộ comple của ngyên thủ đã đắt tiền bằng bộ comple của người dân. Vì người dân có thể mua bộ comple đắt tiền tùy thích, nhưng bộ của nguyên thủ đã theo quy định.
Cũng như vậy, nữ nguyên thủ mặc lễ phục áo dài theo quy định, nhưng những phụ nữ khác cũng mặc áo dài và có thể thêm nhiều đồ trang sức khác. Như vậy, bộ áo dài của phụ nữ mặc tại một ngày lễ nào đó còn có thể đắt tiền hơn lễ phục của nguyên thủ.
Hiện nay có hai luồng ý kiến, lễ phục nên theo hướng hiện đại, cải cách từ âu phục comple. Có ý kiến ngược lại, nên theo hướng truyền thống lấy tinh thần từ chiếc áo dài truyền thống dành cho nam (khăn đóng, áo the). Bà nghiêng về phong cách nào?
Tôi không nghiêng về phong cách nào, nhưng theo tôi thì lễ phục của Việt Nam, cần mang cả yếu tố hiện đại và yếu tố dân tộc và thuận tiện, phù hợp người Việt Nam. Tôi ví dụ, nước Nhật, Nga mặc comple nhưng họ không mất bản sắc dân tộc.
Ngoài ra, tùy từng trường hợp thích nghi với môi trường tiếp xúc mà mặc lễ phục. Có ý kiến cho rằng, nên có hai mẫu lễ phục, nhưng không phải chọn hai bộ lễ phục để mặc đồng thời.
Lễ phục cần có quy định dành cho đối nội riêng, đối ngoại riêng. Khi đối nội, mặc theo phong cách dân tộc, hợp với ngày lễ lớn. Khi đi đối ngoại, mặc cho hòa hợp với với cộng đồng quốc tế, không “xa lạ” với bạn bè quốc tế.
Xin trân trọng cảm ơn bà!