Lễ hội sẽ hết bạo lực?
Trong mùa lễ hội 2016, ngành văn hóa sẽ giảm tần suất, quy mô tổ chức lễ hội, ngày hội.
Để hạn chế tối đa những biểu hiện tiêu cực, biến tướng của lễ hội, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) vừa ban hành Thông tư 15/2015 quy định về việc tổ chức lễ hội.
Biến tướng lễ hội để trục lợi
Trong năm 2015, lần đầu tiên, Bộ VH-TT-DL tổ chức chấm điểm, xếp loại về công tác quản lý, tổ chức lễ hội các địa phương. Tuy nhiên, có đến 29/63 tỉnh, thành không gửi kết quả chấm điểm và không được xếp loại.
Trong khi đó, Bộ VH-TT-DL thừa nhận vẫn còn hiện tượng đốt nhiều vàng mã không đúng nơi quy định ở một số di tích, lễ hội gây tốn kém, lãng phí, gây nguy cơ cháy nổ cao. Số lễ hội khác có biểu hiện bạo lực, tranh cướp, chen lấn, xô đẩy, tranh giành khách làm mất trật tự an ninh, ùn tắc giao thông…
Lễ hội chém lợn làng Ném Thượng ở Bắc Ninh có nhiều cảnh bạo lực, phản cảm Ảnh: ĐOÀN QUÝ
Để hạn chế tối đa những biểu hiện tiêu cực, biến tướng trên, Bộ VH-TT-DL đã ban hành Thông tư 15/2015 quy định về tổ chức lễ hội, có hiệu lực từ 5-2-2016. Theo đó, Bộ VH-TT-DL yêu cầu các địa phương không tổ chức những lễ hội có nội dung kích động bạo lực, truyền bá các hành vi tội ác, bao gồm những hoạt động thể hiện trái với truyền thống yêu hòa bình và nhân ái của dân tộc. Cụ thể là không được mô tả cảnh đâm chém, đấm đá, đánh đập tàn bạo; cảnh rùng rợn, kinh dị; cảnh thỏa mãn, khoái trá của kẻ gây tội ác; mô tả các hành động tội ác khác; các hiện tượng mê tín dị đoan làm mê hoặc người khác, trái với tự nhiên, gây tác động xấu về nhận thức.
Tại hội nghị tổng kết ngành văn hóa thể thao, du lịch mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị phải tổ chức đúng tinh thần lễ hội là lễ và hội của xã hội, của nhân dân. “Đây là việc đổi mới tưởng chừng dễ nhưng rất khó. Tôi đi dự nhiều lễ hội, từ thành phần, cách bố trí chưa thấy vai trò chủ yếu của người dân” - Phó Thủ tướng nhận định. Ông cũng đề nghị xem xét lại những lễ hội dân gian không phù hợp với xã hội văn minh để xác định đó là gốc tích quy định như vậy hay là qua thời gian bị biến tướng, không còn đúng bản chất văn hóa truyền thống.
Quy hoạch lại lễ hội
Trong mùa lễ hội 2016, nhiệm vụ trọng tâm của ngành văn hóa là tăng cường quản lý và tổ chức lễ hội; giảm tần suất, quy mô tổ chức lễ hội, ngày hội. Thực hiện kiểm tra trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt là những hành vi lợi dụng di tích, lễ hội để trục lợi, kích động bạo lực, truyên truyền mê tín dị đoan. Bộ VH-TT-DL cũng giao Sở VH-TT-DL các địa phương tiếp tục rà soát, thống kê, nghiên cứu quy hoạch lễ hội, đặc biệt là các lễ hội có những tập tục không còn phù hợp với bối cảnh hội nhập và phát triển của đất nước.
Lãnh đạo nhiều địa phương đồng tình với quyết tâm của Bộ VH-TT-DL. Ông Nguyễn Hữu Hoa, Trưởng Phòng Xây dựng nếp sống văn hóa gia đình, Sở VH-TT-DL tỉnh Bắc Ninh - nơi diễn ra lễ hội chém lợn làng Ném Thượng, cho hay năm 2015, dù Ném Thượng đủ tiêu chí nhưng vẫn bị cắt danh hiệu làng văn hóa. Năm nay, tỉnh sẽ điều chỉnh chuyển lễ hội chém lợn vào vị trí phù hợp, không để ngay sân đình nữa.
Trước băn khoăn liệu đối chiếu với Thông tư 15 thì những lễ hội được coi là phản cảm như lễ hội chém lợn ở làng Ném Thượng có bị xử lý, ông Hoàng Minh Thái, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ VH-TT-DL, cho rằng phải bàn xem cái này là khoa học hay không khoa học. “Tất cả hành vi chặt chém lợn, người ta xử lý trong chỗ kín, chỗ linh thiêng không phải ai cũng biết, đây lại lôi ra giữa sân đình, hàng trăm hàng ngàn người biết như vậy là phi lý, không tôn trọng phần lễ. Ngày trước, phải nam thanh nữ tú chưa lấy chồng, chưa lấy vợ lần nào mới được khiêng vật linh thiêng ấy, cho vào góc ấy, chỉ những cụ râu dài mới được chứng kiến, nay bê ra sân đình chắc chắc là sai so với truyền thống” - ông Thái nói.
Phản cảm thì dẹp!
Ông Vũ Xuân Thành, Chánh Thanh tra Bộ VH-TT-DL, khẳng định một số lễ hội phản cảm nên dừng lại. Các lễ hội như cướp lộc, cướp phết cũng cần được nghiên cứu lại để bảo đảm không xảy ra bạo lực.
YẾN ANH