Lễ hội phồn thực: Xem “chuyện ấy” để gặp may

Người dân nơi đây quan niệm, nếu được nhìn thấy tận mắt bộ gỗ sơn son mô tả bộ phận sinh sản nam nữ và cảnh quan hệ trong lễ mật sẽ được may mắn cả năm.

Lễ hội “Linh tinh tình phộc” hay còn gọi là “Lễ hội Trò Trám” được tổ chức thường niên vào các ngày 11 và 12 tháng Giêng hằng năm. Tại lễ hội này, điểm hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của du khách thập phương nhất đó là Trò Trám và Lễ mật tại miếu Trò (còn gọi là miếu Đụ Đị) - xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ.

Đây là lễ hội tôn vinh tín ngưỡng phồn thực của cư dân nông nghiệp, hiện đang được người dân ở đây trân trọng gìn giữ. Các nhà văn hóa cũng đánh giá đây là “lễ hội đáng quý”, mang đậm tính dân tộc, may mắn được khôi phục lại từ năm 1993.

Tuy nhiên, nếu là “người ngoài làng” hoặc chưa hiểu rõ về tín ngưỡng dân gian phồn thực... sẽ thấy lễ hội có phần “dung tục”.

Kỳ 4: Xem “chuyện ấy” để gặp may

Gần nửa đêm 11 tháng Giêng, hàng nghìn người nhảy múa hát, vỗ tay, reo hò “như lên đồng” đứng vây xung quanh sân miếu Đụ Đị. Dưới sân, bà cụ 70 tuổi đánh trống lắc như theo tiếng rộn rã nhịp nhàng, ông lão râu tóc trắng hai bên quang gánh, ngất nghểu vừa đi vừa hát: “Ai ơi chớ bảo tôi già/ Tôi còn gánh nổi cả ba cái lờ” (lờ là dụng cụ đánh cá- PV).

Sau mỗi câu hát “tục” tiếng cười càng sảng khoái...

Cứ thế, gần hai tiếng đồng hồ, trò Trám với hoạt cảnh gắn liền với bốn nghề chính: sĩ, nông, công, thương làm hàng nghìn người tại miếu Đụ Đị mệt lả vì những trận cười. Mỗi câu hát, trò chơi đều quy vào bộ phận sinh sản nam nữ và chuyện giao hợp trai gái... Hiếm có lễ hội nào ở Việt Nam lại táo bạo đến thế!

Có lẽ chả có lễ hội nào lại chỉ “đặc sắc” về đêm như này, sau hoạt cảnh trò Trám diễn ra lúc 22h đêm, hàng nghìn người lại chờ đợi thời khắc 0h làm Lễ mật. “Giờ thiêng” đến, miếu Đụ Đị như muốn sập bởi hàng nghìn người xô đẩy, chen nhau tìm chỗ thuận tiện để chứng kiến nghi lễ. Bởi họ quan niệm, nếu được nhìn thấy tận mắt bộ gỗ sơn son mô tả sinh thực khí nam, sinh thực khi nữ (bộ phận sinh sản nam và nữ) và cảnh quan hệ trong Lễ mật sẽ được may mắn cả năm... Đây cũng là nơi duy nhất ở nước ta còn có lễ hội tái hiện lại cảnh giao hợp của hai bộ phận sinh sản đàn ông, đàn bà.

Lễ hội phồn thực: Xem “chuyện ấy” để gặp may - 1

Cụ Chử Bá Thơ - người trông coi miếu đồng thời là chủ lễ mật đang làm lễ chuẩn bị cho thời khắc thiêng liêng "âm dương giao hợp"

Cùng chứng kiến đêm Đụ Đị, cô cán bộ xã này đứng cạnh nói như giải thích: “Để ý, các anh sẽ nhận ra, khán giả trong làng “như lên đồng”, say mê soảng khoái... Nếu ai còn chút gượng gạo bởi câu từ “táo bạo” chắc chắn  không phải người làng này”.

“Được chọn diễn cảnh giao hợp tại Lễ mật là vinh dự”

Ông chủ tịch xã Tứ Xã (Lâm Thao, Phú Thọ) – Nguyễn Hồng Toàn tự hào nói rằng, lễ hội quê ông rất đặc biệt, có “một không hai” ở nước ta. Đáng chú ý nhất chính là diễn trò Trám và Lễ mật như chúng tôi vừa chứng kiến.

Phần lễ hội phồn thực, tưởng như có chút “dung tục” này được ông chủ tịch xã cho là “rất hay”, ngày càng có nhiều người đến xem. Ông cũng cho biết, phần phồn thực chính là nét đặc sắc nhất trong lễ hội.

Nếu hiểu rõ văn hóa, tín ngưỡng phồn thực sẽ thấy lễ hội Trò Trám không có chút gì dung tục. Thay vào đó, sẽ thấy niềm tin, tín ngưỡng, phong tục... Người ta tin “sự giao hòa âm dương” mang lại sự tốt đẹp trong cuộc sống, sinh sôi này nở, con người khỏe mạnh.

Ngược lại, người không hiểu nhìn lễ hội theo hướng dung tục, nghĩ về chuyện bậy. Không nên lấy ý nghĩ, lăng kính của mình để áp đặt người khác.

GS Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn văn hoá tín ngưỡng

Ông Chử Bá Thơ (85 tuổi) có nhiều năm trông coi miếu Đụ Đị đồng thời là chủ Lễ mật kể lại: “Khi còn nhỏ, chúng tôi hay bị người nơi khác chế giễu, mỉa mai là cái đồ linh tinh tình phộc. Hồi đó, chúng tôi nghe mà trong lòng tức tối lắm”.

Theo ông, ngay cả đến bây giờ, không phải ai cũng hiểu rõ về lễ hội phồn thực này, nhất là những người dân nơi khác. Hẳn nhiên, lễ hội phồn thực phải động đến chuyện sinh sản, trai gái. Qua đó, lễ hội này đề cao và tôn trọng con người.

Ví dụ, câu hát tại hoạt cảnh trò Trám: “Chơi xuân cho hết xuân đi /Nay lần mai nữa còn gì là xuân”. Thực ra, câu này có nghĩa: Một đời con người là vậy, trai khôn lấy vợ, gái lớn gả chồng, nếu kén chọn hay quá lứa, lỡ thì.

Nói về sự thiêng liêng của lễ hội, ông Thơ cho hay người dân ở đây vẫn truyền nhau câu hát: “Nửa đêm 11 tháng Giêng / Mật giao một lễ thiêng liêng mở đầu”. Hay nói về giá trị, tục truyền câu ví: “Gần xa nô nức khắp vùng / Về dự chật ních sân trong đường ngoài / Phải chăng hết thảy mọi người / Văn hóa muôn đời từ đó tiến lên”.

Một số ý kiến đề nghị không có “phần phồn thực” trong lễ hội. Nhưng theo ông, bỏ phần phồn thực “lễ hội Trò Trám sẽ không còn giá trị”.

Ông cũng cho hay, bộ gỗ sơn son mô tả sinh thực khí nam, sinh thực khi nữ đang thờ tại ngôi miếu Trò (miếu Đụ Đị) được dân làng gọi là “vật linh”. Bởi họ tin rằng, đó là hai vật sinh tồn, nếu đêm “lễ mật”, hai vật đâm trúng cả 3 lần thì năm đó, âm dương hòa hợp, mùa màng tươi tốt...

Người dân Tứ Xã làm hai “linh vật” bằng gỗ mít, gói trong dải khăn son, đặt trong hòm nhỏ sơn son rồi cất trong “ngăn bí mật” phía trên bàn thờ trong miếu. “Vật linh” luôn được gìn giữ tôn nghiêm, cẩn thận, “ngăn bí mật” và chiếc hòm luôn được khóa kín, chỉ được đưa ra vào “giờ thiêng” - 0h đêm 11 rạng 12 tháng Giêng.

Hai người được chọn cầm hai vật linh diễn cảnh giao hợp trong Lễ mật phải được lựa chọn, có sức khỏe, đạo đức... Ông Thơ nói: “Người được chọn thấy đây là vinh dự”.

GS Ngô Đức Thịnh cho hay, nói lễ hội Trò Trám “dung tục” nghĩa là “không đồng cảm về văn hóa”. Từ xưa lễ hội chỉ diễn ra trong một cộng đồng nhất định. Lễ hội là để thỏa mãn quan niệm đời sống tâm linh người cộng đồng đó, không phải phục vụ người nơi khác.

Ông Thịnh cho rằng, nếu có ý kiến muốn bỏ “phần phồn thực”, hãy để tự dân họ bỏ. Ông nói: “Không ai có quyền lên án hoặc đòi xóa bỏ, nếu không phải chính cộng đồng đó”.

Theo GS Ngô Đức Thịnh, còn xót lại lễ hội phồn thực Trò Trám  là “may mắn cho văn hóa”.

____________________

Các nhà quản lý văn hóa cho rằng, lễ hội phồn thực đương nhiên liên quan đến chuyện tình dục, sinh sản... không ai có quyền xóa bỏ “phần phồn thực” trong lễ hội. Mời quý đọc giả đón đọc kỳ 5: Lễ hội phồn thực: Không ai có quyền cấm “yêu”  vào 19h30 ngày 17/2.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Dương Tùng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN