Lễ hội phồn thực: Không ai có quyền cấm “yêu”

Các nhà quản lý văn hóa cho rằng, lễ hội phồn thực đương nhiên liên quan đến chuyện tình dục, sinh sản... không ai có quyền xóa bỏ “phần phồn thực” trong lễ hội.

Lễ hội “Linh tinh tình phộc” hay còn gọi là “Lễ hội Trò Trám” được tổ chức thường niên vào các ngày 11 và 12 tháng Giêng hằng năm. Tại lễ hội này, điểm hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của du khách thập phương nhất đó là Trò Trám và Lễ mật tại miếu Trò (còn gọi là miếu Đụ Đị) - xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ.

Đây là lễ hội tôn vinh tín ngưỡng phồn thực của cư dân nông nghiệp, hiện đang được người dân ở đây trân trọng gìn giữ. Các nhà văn hóa cũng đánh giá đây là “lễ hội đáng quý”, mang đậm tính dân tộc, may mắn được khôi phục lại từ năm 1993.

Tuy nhiên, nếu là “người ngoài làng” hoặc chưa hiểu rõ về tín ngưỡng dân gian phồn thực... sẽ thấy lễ hội có phần “dung tục”.

Kỳ 5: Lễ hội phồn thực: Không ai có quyền cấm “yêu”

Lễ hội không thiêng cho tất cả mọi người

Ông Nguyễn Ngọc Ân, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và du lịch tỉnh Phú Thọ cho rằng, lễ hội Trò Trám (xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ) thể hiện tín ngưỡng phồn thực hiếm có trên đất nước ta.

Theo ông, nếu ai hiểu rõ về tín ngưỡng phồn thực sẽ thấy đây là lễ hội “rất đặc sắc”. Đương nhiên, “phồn thực” liên quan đến chuyện sinh sản, “âm dương giao hòa” được thể hiện trong lễ hội một cách hài hước, nhẹ nhàng và nhân văn.

Ông cũng giới thiệu, nổi bật và mang tính phồn thực đậm đặc nhất là Trò Trám và Lễ mật. Trong đó, trò Trám với hoạt cảnh vui nhộn gắn liền với bốn nghề chính: sĩ, nông, công, thương.

Ngôi miếu Đụ Đị tối 11 tháng Giêng hàng năm trở thành sân khấu của hoạt cảnh đặc sắc này. Mỗi câu hát, trò chơi đều chứa đầy ẩn ý làm người xem phải tưởng tượng đến bộ phận sinh sản nam nữ và “chuyện yêu”... Trò Trám luôn hấp dẫn, người xem bao giờ cũng có trận cười nghiêng ngả.

Theo ông Ân, trò Trám tái hiện lại cuộc sống người dân và thể hiện tinh thần đoàn kết, thống nhất, đề cao con người...

Lễ hội phồn thực: Không ai có quyền cấm “yêu” - 1

Phần quan trọng nhất lễ hội: Màn mô phỏng chuyện giao hợp cầu cho mùa màng tươi tốt, làm ăn phát đạt

Lễ mật – tái hiện cảnh “âm dương giao hòa” diễn ra lúc 0h đêm chính là tái hiện quy luật sinh tồn của con người. Đây là nét văn hóa đặc sắc, hiếm có của đất nước ta được giữ lại tới ngày nay.

Vị Giám đốc Sở cũng cho hay, một thời gian dài trước đây, lễ hội này bị gián đoạn (từ 1945). Nguyên nhân, do điều kiện chiến tranh và “nhận thức” về nghi lễ. Đến năm 1993 lễ hội bắt đầu được khôi phục trở lại. Hiện nay, lễ hội thu hút khá đông người đến tham dự.

Ông Vương Duy Bảo, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa Cơ sở (Bộ VH, TT&DL) cho rằng, bản chất lễ hội, nghi lễ phồn thực là của riêng cư dân trong một vùng. Họ quan niệm vật nuôi, vật trồng giống con người phải có “quan hệ âm dương” mới sinh sôi nảy nở, tốt tươi. Đó là quan niệm giản đơn của người xưa, cư dân nông nghiệp.

Ông cũng lưu ý, mỗi lễ hội chỉ linh thiêng với cộng đồng dân cư một vùng nhất định, không thiêng với tất cả mọi người. Ví dụ, quan niệm “xem Lễ mật để gặp may” chỉ có giá trị với người dân Tứ Xã (Lâm Thao), không thiêng liêng với tất cả mọi người.

Chính vì vậy, lễ hội là của riêng một làng, phục vụ cư dân làng, không mời người nơi khác đến xem.

Chỉ có cộng đồng đó mới có quyền bỏ “phần phồn thực”

Các nhà văn hóa đánh giá đây là lễ hội mang đậm tính dân tộc, tuy nhiên, nếu là “người ngoài làng” hoặc chưa hiểu rõ về tín ngưỡng dân gian phồn thực... sẽ thấy lễ hội có phần “dung tục”. Chính vì vậy, có ý kiến cho rằng, nên bỏ “phần phồn thực” - tái hiện “chuyện trai gái” trong lễ hội để phù hợp hơn với xã hội văn minh.

Ông Nguyễn Ngọc Ân nhớ lại, khi lễ hội Tró Trám khôi phục, đã có cuộc tranh cãi về việc có nên bỏ “phần phồn thực” trong lễ hội hay không?. Sau đó, lễ hội các nhà quản lý quyết định giữ nguyên, bởi nếu bỏ đi sẽ mất cái đẹp, bản sắc lễ hội.

Ông nói: “Ai chưa biết, nên tìm hiểu thêm tín ngưỡng phồn thực để có nhận thức đúng về lễ hội, tránh hiểu sai lệch văn hóa dân tộc”.

“Lễ hội thể hiện tính nhân văn, đề cao con người của ông bà ngày xưa, ngày nay cần tiếp tục gìn giữ”.

Lễ hội phồn thực: Không ai có quyền cấm “yêu” - 2

Gần nửa đêm, sân miếu Đụ Đị chật kín người, người xem Trò Trám hò reo rộn rã

Ông Vương Duy Bảo cũng cho rằng, không ai có quyền can thiệp vào lễ hội, chỉ có quyền “tham gia ý kiến”. Cụ thể, nếu lễ hội “có vấn đề”, các nhà quản lý văn hóa mới tham gia ý kiến “nên hay không làm việc gì đó”. Ví dụ, nếu lễ hội có nghi thức dã  man sai pháp luật như lấy người làm vật tế thần, lễ hội gây bẩn thỉu, nhếch nhác, mất vệ sinh, ảnh hưởng môi trường....

Còn lại, phải tôn trọng văn hóa, không ai có quyền can thiệp vào lễ hội của cộng đồng dân cư. Cũng như vậy, theo ông, người dân nơi khác không nên lấy cái nhìn chủ quan của mình để bình xét về “văn hóa người khác”.

 Hiện nay, trên thế giới, một số quốc gia rất phát triển vẫn còn giữ được những lễ hội văn hóa mang đậm chất phồn thực. Ví dụ như Nhật Bản duy trì rất tốt lễ hội khoả thân nam Hadaka Matsuri (ở đó người tham dự chỉ được phép đóng khố) được tổ chức tại 12 ngôi đền linh thiêng vào mùa hè hoặc mùa đông.

Hay lễ hội phồn thực Hounen mà những người đàn ông tham dự khênh trên vai một pho tượng gỗ to cao hình cái dương vật cương cứng, các cô gái trẻ ôm những pho tượng gỗ hình dương vật nhỏ hơn đi hai bên đường, đoàn rước đi từ đền Shinmei Sha tới đền Tagata jinja. Hàng năm, các lễ hội này thu hút rất đông khách du lịch trong và ngoài Nhật Bản.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Dương Tùng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN