Lễ hội Minh Thề: Hội thề không tham nhũng 'độc nhất vô nhị' ở Hải Phòng
Lễ hội Minh Thề - lễ hội có tuổi đời gần 500 năm là một lễ hội độc đáo tại Hải Phòng, nơi mà các thành phần từ hương chức đến dân thôn cùng thề không tham nhũng.
Video: Lễ hội Minh Thề: Hội thề không tham nhũng 'độc nhất vô nhị' ở Hải Phòng
Sáng 23-2 (14 tháng Giêng), tại khu Di tích lịch sử cấp Quốc gia Đền – Chùa Hoà Liễu, chính quyền xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thuỵ, Hải Phòng long trọng tổ chức Lễ hội Minh Thề - Di sản văn hoá Phi vật thể Quốc gia.
Lễ hội truyền thống "Hội Minh Thề" được tổ chức hằng năm vào ngày 14,15,16 tháng Giêng. Điểm nhấn của Lễ hội là "Hội Minh Thề" được tổ chức ngay trong sáng ngày 14. Lễ hội hằng năm luôn thu hút đông đảo sự quan tâm, chú ý của nhân dân. Ảnh: Ngọc Sơn
Hội thề gần 500 năm tuổi
Tương truyền, làng Hòa Liễu xưa kia là vùng đất hoang đầy lau sậy, chỉ có chim trời trú ngụ. Khi người dân đến khai hoang lập ấp, đặt tên là “Lan Điều” (cách đọc khác là Lan Niều).
Từ cuối thế kỷ 13, chùa Hòa Liễu được xây dựng với tên Thiên Phúc Tự, là một trong những chùa tháp tráng lệ của Phủ Dương Kinh xưa. Đến triều Mạc giữa thế kỷ 16, Thái Hoàng Thái Hậu Vũ Thị Ngọc Toàn (trong văn tế cũng là Vũ Thị Ngọc Toàn) - vợ của Thái Thượng Hoàng Mạc Đăng Dung) đến ấp Lan Niều (làng Hòa Liễu ngày nay), thấy đồng đất chua mặn, nghèo khó nhất vùng, Thái Hoàng Thái Hậu đã bỏ tiền của, làm chủ Hưng công và vận động 35 vị Hoàng Thân Quốc Thích, quan lại cấp cao triều đình nhà Mạc góp tiền, góp của để tu tạo lại ngôi chùa cổ.
Lãnh đạo xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thuỵ đánh trống khai hội. Ảnh: Ngọc Sơn
Ngoài việc trùng tu chùa, làm mới tượng Phật, Thái Hoàng Thái Hậu xuất tiền mua 25 mẫu tám sào hai thước ruộng cúng Tam Bảo.
Sau này, nhiều người noi gương cũng tậu ruộng cúng Chùa lên tới 47 mẫu ba sào tám thước, người dân quen gọi là ruộng nhà Thánh điền.... Một phần diện tích để nhà chùa cấy, một phần để chia cho dân đinh cày cấy hưởng lộc và cấp cho những gia đình binh lính giải quyết khó khăn, số dư ra cho cấy đấu thầu thu hoa lợi làm của công làng, lập quỹ nghĩa thương...
Điều đặc biệt trong hệ tư tưởng phong kiến thần quyền lúc đó, vào năm 1561, Thái Hoàng Thái Hậu và dân làng đã lập ra Hịch văn Hội Minh Thề, với những giá trị lớn lao về đạo đức, lối sống, phép tắc ứng xử trong cộng đồng.
Hịch văn Hội Minh thề rất ngắn gọn, súc tích, quy định trực tiếp những điều được làm, phải làm và những điều không được làm cho tất cả các thành phần từ Hương chức đến Dân thôn.
Các vị "kì lão, chức sắc" được rước ra đài thề. Ảnh: Ngọc Sơn
"Có lòng tham, lấy của công về làm của tư, nguyện cầu thần linh đả tử"
Cũng chính bởi vậy, Hội Minh Thề được tổ chức ngay trong khuôn viên đền - chùa Hoà Liễu, nơi thờ Thái Hoàng Thái Hậu Vũ Thị Ngọc Toàn.
Hịch văn định rõ: "Nếu lấy của công làm việc công được thần linh ủng hộ. Nhược bằng, có lòng tham, lấy của công về làm của tư, nguyện cầu thần linh đả tử."
Trên từ cụ già, dưới đến 18 tuổi ở dân thôn, trong làng vườn tược buồng cau, trái chuối, ngoài đồng lúa mạ, hoa màu, mọi người đều chính trực, không tham lam vơ vét. Người nào tà tâm trộm cắp của nhau, nguyện cầu thần linh đả tử.
Cái độc đáo của Hịch văn Minh thể là gắn liền những quy phạm cuộc sống đời thường với yếu tố tâm linh. Những ý tưởng nhân văn của Hịch Văn Minh Thề vì thế mà thấm sâu vào tâm thức, máu thịt của mỗi người dân, không chỉ xưa kia mà cho đến ngày nay vẫn còn toả sáng.
Chủ tế năm nay là ông Trương Công Lậm (trưởng thôn Hòa Liễu), thực hiện nghi thức "chỉ trời vạch đất" rồi vẽ một vòng tròn lớn giữa sân miếu và cắm con dao ở vị trí giữa vòng tròn. Ảnh: Ngọc Sơn
Cảm nhận sâu sắc giá trị của Hịch văn Hội Minh Thề, đời Vua Tự Đức triều nhà Nguyễn năm thứ 6 (1853), đời Vua Duy Tân năm Thứ nhất (1901) đều đã có sắc chỉ Phong làng Hòa Liễu là Hoàng Làng.
Đáng chú ý, gần một thế kỷ thực dân Pháp đô hộ Việt Nam nhưng không phủ nhận Hịch văn Hội Minh thề, mà còn cảm nhận giá trị sâu sắc của “Văn minh Hịch hội”. Từ đó cho dịch nội dung Hịch văn Hội Minh Thề ra tiếng Pháp để lưu truyền.
Sau nghi thức "chỉ trời vạch đất", đại diện tư văn đọc lớn hịch văn Minh thề để các bô lão, chức sắc tham gia nghi lễ cùng giơ cao tay hô "xin thề". Ảnh: Ngọc Sơn
Trải qua biến cố, thăng trầm lịch sử, Hội Minh Thề dần bị mai một. Sau khi cụm Di tích Đền - Chùa Hoà Liễu được Nhà nước trao tặng phần thưởng cao quý: Huân chương kháng chiến chống Pháp hạng Ba và công nhận Di tích Lịch sử Văn hoá cấp Quốc gia (năm 1993), lễ hội mới được bắt tay vào phục dựng.
Trao đổi với PLO, ông Phạm Đăng Khoa, 90 tuổi, nguyên Phó Ban quản lý Khu di tích Đền - Chùa Hòa Liễu, một trong những người đầu tiên có công phục dựng lại lễ hội cho biết phải mất gần 10 năm nghiên cứu lịch sử, sách vở các tiền nhân để lại, đến năm 2002 Hội Minh Thề mới chính thức được khôi phục trên nền cốt của Hội Minh Thề xưa.
“Với những giá trị của Hội Minh Thề, người dân trong xã đều rất ủng hộ. Hằng năm, người dân đều góp kinh phí đều tổ chức lễ hội với mong muốn duy trì, phát huy nét độc đáo của lễ hội này”.
Sau các nghi thức này, chủ lễ nhặt con dao bầu lấy huyết linh kê hòa vào bình rượu rồi cùng mọi người tham dự uống cạn bát rượu để thể hiện sự đoàn kết, thống nhất cao. Ảnh: Ngọc Sơn
Cũng với giá trị đó, năm 2017, Hội Minh Thề của làng Hoà Liễu là Di sản Văn hoá Phi vật thể Quốc gia.
Đánh giá cao những giá trị của Hội Minh thề, ông Đặng Bá Cường, Trưởng Ban Nội chính Thành uỷ Hải Phòng, Phó Ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực TP Hải Phòng cho biết, hiện nay Đảng và nhà nước ta đang có chủ trương giáo dục liêm chính, giáo dục văn hoá không tham nhũng tiêu cực cho cán bộ, đảng viên và nhân dân.
“Trong một bối cảnh như vậy, Hội Minh Thề của làng Hòa Liễu, xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thuỵ là một di sản văn hoá phi vật thể có ý nghĩa rất quan trọng để chúng ta góp phần xây dựng một nét văn hoá liêm chính, văn hoá không tham nhũng trong cán bộ, đảng viên, nhân dân. Những di sản văn hoá như này rất cần được phát huy trong thời gian tới” – ông Cường nói.
Ông Phạm Đăng Khoa, nguyên Phó Ban quản lý Khu di tích Đền - Chùa Hòa Liễu đọc văn khấn cúng đầu năm. Ảnh: Ngọc Sơn
Các bậc cao niên trong làng dâng hương. Ảnh: Ngọc Sơn
Nguồn: [Link nguồn]
Mặc dù trời mưa, nhưng đã có hàng nghìn người dân, du khách thập phương về Đền Trần (Nam Định) dâng hương, cầu tài lộc.