Lễ hội dã man: Đại biểu QH cũng "ngán"

Lưỡi dao bén ngọt chém lìa đôi con lợn, đâm con trâu phọt máu cho đến chết, ... những hình ảnh phản cảm trong lễ hội đang gây ý kiến trái chiều.

Đại biểu QH cũng “ngán” lễ hội bạo lực

Ở nước ta, người xem "dựng tóc ngáy" khi chứng kiến lưỡi dao bén ngọt chém lìa đôi con lợn ở (Bắc Ninh), đánh nhau đến ngất lịm (Thanh Hóa), đâm con trâu phọt máu cho đến chết... Đó là những lễ hội truyền thống có từ lâu đời, gắn với những sự tích lịch sử tại một số vùng miền.

Đại biểu QH Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp bày tỏ ý kiến: “Những hình ảnh đâm, chém trong một vài lễ hội truyền thống của người Việt là phản cảm và không phù hợp”.

Ông Đinh Xuân Thảo cho rằng, lễ hội phải hướng đến và thể hiện được sự văn hóa, văn minh, chứ mang lợn, trâu ra để đâm chém như lễ hội ở Bắc Ninh, Tây Nguyên... cần xem xét lại. Bởi đó là những hình ảnh bạo lực, dã man. “Nó” không nên diễn ra ở một hoạt động văn hóa như lễ hội truyền thống của người Việt.

“Khi tôi đi tiếp xúc cử tri tại Kiên Giang, rất nhiều người đề nghị loại bỏ lễ hội đâm trâu ở Tây Nguyên, chặt đầu trâu trong lễ hội chọi trâu Hải Phòng. Vì “con trâu là đầu cơ nghiệp”, loài vật gắn bó với người nông dân và là biểu tượng văn minh lúa nước lâu đời ở Việt Nam. Tôi cũng cho rằng, nếu lễ hội hướng đến cái đẹp, sự đoàn kết, phù hợp với phong tục tập quán dân tộc, nên phát huy. Những lễ hội man rợ, bạo lực không phù hợp với xã hội văn minh, cần loại bỏ”, ông Thảo nói.

Lễ hội dã man: Đại biểu QH cũng "ngán" - 1

Lễ hội đâm trâu tại huyện Nam Đông, Thừa Thiên Huế

Theo GS. Phạm Đức Dương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, ở các nước phương Đông, đâu đó vẫn có những lễ hội mang màu sắc bạo lực. Các nước Trung Quốc, Ấn Độ, Nepal, Myanmar... có những lễ hội khiến người ngoài xem phải sợ hãi. Ví dụ như Ấn Độ có lễ hội lễ hội tắm táp và ôm hôn rắn hổ mang độc...

Tuy nhiên, những lễ hội kiểu này không phổ biến, tồn tại ở tâm thức một bộ phận người dân tại vài địa phương của các nước phương Đông.

Mong manh ranh giới giữa dã man và tín ngưỡng

Để loại bỏ lễ hội phản cảm là việc rất khó, GS. Phạm Đức Dương cho biết. Bởi mỗi lễ hội truyền thống không phải tự nhiên mà có, “nó” đều có lịch sử, sự tích gắn liền. Người dân địa phương qua nhiều đời cũng tin rằng đó là sự thật. Do vậy, những lễ hội truyền thống đã ăn sâu vào tâm thức người dân.

Bên cạnh đó, những từ ngữ như “dã man”, “bạo lực”... là của người ngoài nói về lễ hội, bản thân người trong cuộc không nghĩ vậy. “Chúng ta phải lấy con mắt người địa phương đó để nhìn vào lễ hội của họ. Rõ ràng, họ rất hào hứng, không coi chém lợn, đâm trâu là dã man mà coi đó là nghi thức thiêng liêng tế thần. Người dân quan niệm, đầu năm phải lấy tiền chà xát vào máu lợn (Bắc Ninh) họ mới may mắn trong năm mới”, GS Dương phân tích.

ĐB Đinh Xuân Thảo cũng thấy khó khăn trong việc loại bỏ lễ hội, ông kể lại: “Năm 2009, tôi có chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh về những lễ hội bạo lực. Bộ trưởng cũng nhận thấy những lễ hội này không còn phù hợp, Bộ sẽ nghiên cứu cách giải quyết. Thế nhưng, các bạn thấy, đến nay, lễ hội vẫn diễn ra”.

GS. Phạm Đức Dương cho rằng, các lễ hội như vậy nên bỏ đi khâu đâm, chém, giết hoặc thay vì con vật thật, có thể lấy những vật khác thay thế. Làm như vậy, vừa tránh phản cảm mà vẫn bảo tồn tín ngưỡng tâm linh.

 “Trước đây, khi làm nghi lễ tâm linh, có khi phải “dâng”, chôn người sống. Nhưng bây giờ, hầu như không còn chuyện ấy nữa, chỉ thấy dâng người giấy, con vật... Như vậy, trong lịch sử đã có sự thay đổi về nghi lễ tâm linh. Tôi cho rằng, bây giờ cũng có thể thay đổi được như trước”- ông Dương nói.

Lễ hội "đâm, chém, chọi"


Lễ hội chọi trâu Vĩnh Phúc: Tổ chức vào ngày 17/1 âm lịch hàng năm. Người huấn luyện, phủ cờ đỏ lên đầu trâu, mình trâu để cho trâu quen dần với không khí. Bắt đầu từ hai phía của sới chọi, "ông Cầu" được dẫn ra có người che lọng và múa cờ hai bên. Khi hai "ông" cách nhau 20m, người dắt nhanh chóng rút "sẹo" cho trâu rồi khẩn trương thoát ra ngoài sới chọi. Hai trâu lao vào nhau với tốc độ khủng khiếp, hai đôi sừng đập vào nhau kêu chan chát... Cứ thế, 2 trâu chọi nhau quyết liệt giữa tiếng hò reo vang dậy của hàng ngàn khán giả.

Kết thúc lễ hội chọi trâu con thắng làm một cuộc rước giải về đình làm lễ tế thần. Tất cả mọi người dân đều theo, tập tục của từng địa phương, các trâu tham gia chọi, dù thắng, dù thua, đều phải giết thịt. Lấy một bát tiết cùng một ít lông của trâu (mao huyết) để cúng thần, sau đó đổ xuống ao để tiễn thần.

Lễ hội đâm trâu ở Thừa Thiên Huế: Lễ hội được tổ chức ở huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế - nét văn hóa truyền thống của dân làng bên dải Trường Sơn. Dân làng chọn một con khỏe mạnh đưa đi tắm rửa sạch sẽ và cho ăn uống rồi đem buộc bằng dây mây vào một cột nêu. Lễ hội đâm trâu chính thức khai hội. Bên hũ rượu cần, trong tiếng chiêng trống rộn vang… dân làng hồ hởi chung vui trong ngày hội lớn của mình.

Một vị già làng được phụ trách đâm trâu. Khi con trâu chảy những giọt máu đầu tiên, vị già làng sẽ lấy để cúng tế, thể hiện sự cảm ơn với với thần linh và xua đuổi tà ma. Đặc biệt khi con trâu bị “hạ” làm lễ, bên cạnh những lễ vật dâng Giàng (Trời). Vị chủ tế đọc lời khấn cầu xin hay tạ ơn thần linh đã che chở cho dân làng và mời thần linh xuống ăn thịt trâu, uống rượu cần.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Dương Tùng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN