Lễ hội chém lợn: Chỉ thực hiện nghi lễ xẻ thịt

Ông Nguyễn Tử Quỳnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết, nghi lễ “chém lợn” tại Lễ hội làng Ném Thượng đã chuyển thành nghi lễ “thịt lợn”.

Ngày 27.1, Tổ chức Động vật châu Á đề nghị chấm dứt Lễ hội chém lợn ở thôn Ném Thượng, xã Khắc Niệm (Tiên Du, Bắc Ninh). Tổ chức này bày tỏ lo ngại nghi thức “chém lợn” tác động tiêu cực đối với xã hội về nhiều mặt. Trong đó, ảnh hưởng xấu tới tâm lý của những người chứng kiến và tác động xấu tới ngành du lịch cũng như hình ảnh của Việt Nam.

Ông Nguyễn Tử Quỳnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cho hay, lễ hội chém lợn là tập tục riêng của địa phương và đã có từ lâu đời. Mục đích của lễ hội hoàn toàn tốt đẹp, có ý nghĩa khao quân, khuyến khích chăn nuôi...

Qua tham khảo ý kiến của các nhà nghiên cứu văn hóa cho thấy, các nhà khoa học ủng hộ lễ hội diễn ra một cách bình thường như nó vốn có. Tuy nhiên, trước nhiều ý kiến trái chiều, Lễ hội có thể cải tiến dần, giảm bớt hình ảnh người ngoài cho là phản cảm.

Từ năm 2013, nghi lễ dùng đao “chém lợn” đã chuyển sang “thịt lợn”. Thay vì “chém lợn" ở sân đình làng, nghi lễ được tổ chức trong lán nhỏ phía sau đình. Sau khi những người có trách nhiệm thực hiện nghi lễ “thịt lợn” xong sẽ mang ra chia thịt cho dân làng.

Năm 2015, tỉnh Bắc Ninh sẽ tiếp tục vận động người dân thực hiện nghi lễ “thịt lợn” trong không gian hẹp, hạn chế “người ngoài” vào xem.

Lễ hội chém lợn: Chỉ thực hiện nghi lễ xẻ thịt - 1

Nghi lễ chém lợn trong Lễ hội làng Ném Thượng

GS Ngô Đức Thịnh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa cho rằng, chỉ “người ngoài” mới nói lễ hội chém lợn... dã man. Nếu là “người trong làng” sẽ nghĩ đó là việc tâm linh, tế thần lấy may mắn.

Dù có ý kiến cho rằng cần bỏ hành động “không đẹp mắt” như nghi lễ chém lợn, nhưng theo Giáo sư Thịnh, giải pháp đó không khả thi. Bởi bỏ nghi lễ chém lợn làm mất sự linh thiêng trong tập tục của người địa phương.

Do vậy, nghi lễ chém lợn hay còn gọi là “tục hèm”, chỉ làm trong không gian hẹp, “người ngoài làng” không được phép tham gia.  

Ngoài Giáo sư Thịnh, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam khác cũng cho rằng, Lễ hội chém lợn có mục đích tốt đẹp, khuyến khích chăn nuôi, cầu chúc may mắn đầu năm... Đây là phong tục lâu đời của riêng người dân địa phương, không hề có kích động bạo lực.

Bên cạnh đó, lợn là loài gia súc được nuôi để lấy thịt, phục vụ cuộc sống người dân, không phải động vật hoang dã. Do vậy, người dân có thể dùng lợn để phục vụ cho nghi lễ phong tục tập quán, phục vụ đời sống.

Hơn nữa, nghi lễ làm trong khoảng thời gian, không gian nhất định, chỉ người có trọng trách mới được tham dự, không phải ai cũng được xem.

Tuy nhiên, những năm gần đây, nhiều người ở ngoài làng đến tham dự lễ hội, hình ảnh “chém lợn” được lan truyền nhiều trên mạng internet, gây phản cảm.

Do vậy, người dân địa phương nên hạn chế người ngoài tham dự nghi lễ chém lợn, chỉ “người trong làng” mới được tham dự nghi lễ này.

Lễ hội chém lợn tổ chức vào mùng 6 Tết âm lịch hằng năm tại thôn Ném Thượng, xã Khắc Niệm, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh.

Theo phong tục, trước khi làm lễ tế Thánh, hai chú lợn được rước đi quanh làng từ 9h sáng đến 11h trưa thì quay lại sân đình. Khi đó, hai thủ đao được dân làng chọn từ những gia đình hạnh phúc, con cháu đề huề, nuôi lợn mát tay, khỏe mạnh và phải đúng 50 tuổi sẽ ra tay chém hai chú lợn để tế Thánh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Dương Tùng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN