Lấy phiếu tín nhiệm 44/49 chức danh lãnh đạo
Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội sẽ không lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng với 4 lãnh đạo khác do đã được bầu, phê chuẩn bổ nhiệm trong năm 2023
Ngày 19-10, tại cuộc họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội (QH) khóa XV, ông Phạm Thái Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng QH, cho biết kỳ họp thứ 6 diễn ra từ ngày 23-10 đến 28-11. Đến nay, công tác chuẩn bị đã hoàn tất, sẵn sàng cho ngày khai mạc.
Nội dung chất vấn rộng
Theo chương trình dự kiến, kỳ họp thứ 6 có tổng thời gian làm việc 22 ngày, tiến hành theo 2 đợt: Đợt 1 từ ngày 23-10 đến 10-11; đợt 2 từ ngày 20-11 đến 28-11-2023.
Ông Bùi Văn Cường, Tổng Thư ký QH, cho biết tại kỳ họp này, QH sẽ xem xét, thông qua 9 dự án luật bao gồm: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Viễn thông (sửa đổi); Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Căn cước công dân (sửa đổi); Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Ông Bùi Văn Cường, Tổng Thư ký Quốc hội, chủ trì họp báo thông tin về chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV
QH cũng sẽ xem xét thông qua 8 dự án luật; dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc quy định tại một số luật liên quan tới đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ; cho ý kiến về các nội dung liên quan đến các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và nhiều vấn đề quan trọng khác.
Cũng theo chương trình dự kiến, kỳ họp dành 2 ngày rưỡi cho chất vấn và trả lời chất vấn. "Kỳ họp này sẽ chất vấn việc thực hiện các lời hứa và các Nghị quyết của QH về giám sát chuyên đề của nhiệm kỳ khóa XIV và từ đầu khóa XV đến nay. Nội dung làm việc của kỳ họp lần này rộng và không như các kỳ trước là chỉ tập trung vào chất vấn 4 bộ trưởng, Thủ tướng và các Phó Thủ tướng" - ông Bùi Văn Cường thông tin thêm.
Lấy phiếu tín nhiệm ngay đầu kỳ họp
Về việc lấy phiếu tín nhiệm, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó trưởng Ban Công tác đại biểu, cho hay từ đầu nhiệm kỳ đến nay, QH khóa XV đã bầu và phê chuẩn 50 chức danh. Hiện có 49 chức danh thuộc diện lấy phiếu tín nhiệm. Tuy nhiên, theo quy định thì những người có thông báo chờ nghỉ hưu và chức danh được bầu, phê chuẩn trong năm 2023 không thuộc diện lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp thứ 6 do chưa đủ 1 năm giữ chức vụ. Danh sách sẽ được Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH chính thức trình QH vào ngày 24-10.
Theo Nghị quyết 96, QH không lấy phiếu tín nhiệm đối với người được bầu, bổ nhiệm trong năm lấy phiếu tín nhiệm. Điều đó đồng nghĩa QH sẽ không lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, 2 Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và Trần Lưu Quang, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh và Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Lê Quang Mạnh - do 5 vị này được bầu, phê chuẩn bổ nhiệm trong năm 2023.
Vấn đề kê khai tài sản, thu nhập, đạo đức, lối sống của những người được lấy phiếu tín nhiệm được nhiều cơ quan báo chí quan tâm, đặt câu hỏi. Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, các báo cáo liên quan đã được gửi tới UBTVQH. "Qua 2 kênh là đại biểu QH và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, chúng tôi chưa nhận được phản ánh nào liên quan đến nội dung các báo cáo. Ban Công tác đại biểu sẽ tiếp tục theo dõi, nếu có ý kiến sẽ tổng hợp báo cáo UBTVQH và QH" - ông Nguyễn Tuấn Anh nói.
Đồng tình đổi tên Luật Căn cước công dân
Trong 9 dự án luật dự kiến được QH xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 6, có dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi). Tuy nhiên, ngay từ kỳ họp thứ 5 cũng như tại Hội nghị đại biểu QH hoạt động chuyên trách vẫn còn ý kiến khác nhau về tên gọi của luật.
Trả lời vấn đề này, ông Trịnh Xuân An, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng - An ninh của QH, nêu rõ dự án Luật Căn cước công dân sửa đổi đã đưa vào chương trình nhưng Chính phủ đề xuất đổi tên thành Luật Căn cước. "Đây là vấn đề có nhiều ý kiến khác nhau và trong quá trình tiếp thu, chúng tôi đã rất cẩn thận, chặt chẽ xin ý kiến, đặc biệt xin ý kiến tại Hội nghị đại biểu QH chuyên trách. Đến thời điểm này đa phần các ý kiến đồng tình với quan điểm của Chính phủ lấy tên là Luật Căn cước. Dự thảo đang được Ủy ban Quốc phòng - An ninh chỉnh lý để trình QH cũng đề xuất là Luật Căn cước" - ông Trịnh Xuân An nói.
Nêu một số ý kiến cho rằng sửa tên Luật Căn cước công dân thành Luật Căn cước hoặc thay các tên thẻ có gây ra tốn kém chi phí không, ông Trịnh Xuân An khẳng định trong dự án luật "đã thiết kế, tính cách" để không tác động đến xã hội, tránh phát sinh chi phí, thủ tục không cần thiết. Cụ thể, sẽ quy định thẻ căn cước công dân được cấp trước ngày có hiệu lực có thời hạn sử dụng đến ngày ghi trong thẻ và được cấp đổi sang thẻ căn cước khi người dân có nhu cầu.
Thực hiện lộ trình tăng lương 5%-7% sau năm 2024 Theo dự kiến, tại kỳ họp này, QH sẽ cho ý kiến về lộ trình cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27 của Trung ương, thời gian dự kiến thực hiện từ ngày 1-7-2024. Về nguồn kinh phí để cải cách tiền lương, theo ông Đinh Ngọc Quý, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của QH, Chính phủ báo cáo Hội nghị 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII là đã được chuẩn bị sẵn sàng cho giai đoạn 2024-2026. Sau 2024, tức từ 2025 thực hiện lộ trình tăng lương 5%-7% nhằm bảo đảm mức lương phù hợp, tiệm cận khu vực 1 của tư nhân. |
Nguồn: [Link nguồn]
Ngày 24/10, Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn. Những chức danh được bầu và phê chuẩn từ 1/1/2023 sẽ không thuộc...