Lay lắt sống trên mỏ quặng sắt lớn nhất Đông Nam Á
Sau gần 10 năm triển khai, dự án Khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê vẫn giậm chân tại chỗ và gây ảnh hưởng trực tiếp đến hơn 6.000 hộ dân với hơn 25.000 nhân khẩu…
Dự án Khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê được phê duyệt lần đầu ngày 24-11-2008. Chủ đầu tư của dự án này là Công ty cổ phần Sắt Thạch Khê (TIC). Với tổng mức đầu tư ban đầu dự kiến 9.932 tỷ đồng (sau đó nâng lên 14.517 tỷ đồng), tổng diện tích sử dụng đất là 3.898 ha nằm trên địa bàn 6 xã của huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh.
Nhưng sau gần 10 năm triển khai, dự án vẫn giậm chân tại chỗ và gây ảnh hưởng trực tiếp đến hơn 6.000 hộ dân với hơn 25.000 nhân khẩu…
Đi không được, ở không xong
Cuối tháng 3, chúng tôi về huyện Thạch Hà, nơi đại dự án Khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê ngự trị gần 10 năm qua. Mới nhắc đến dự án, nhiều người dân nơi đây đã lắc đầu ngao ngán: “Dự án nghe nói cả chục nghìn tỷ nhưng chẳng thấy nhà máy, công nhân mô cả, chỉ có người dân trên địa bàn chúng tôi đi không được mà ở không xong”.
Những hệ lụy mà đại dự án này gây ra được phơi bày dưới chân chúng tôi về tận những gia đình, góc xóm nơi đây. Theo kế hoạch để triển khai dự án sắt Thạch Khê, riêng địa bàn xã Thạch Khê đã phải giải phóng mặt bằng 850/1047ha, 830/1.200 hộ dân phải di dời. Ngay sau khi khởi công dự án, người dân nơi đây đã phải đối mặt với muôn vàn khó khăn.
Mỏ sắt Thạch Khê vào những ngày đầu khai thác thử nghiệm và mở rộng moong mỏ.
Bởi nói là di dân, nhưng sau gần 10 năm triển khai dự án, chủ đầu tư mới hỗ trợ di dời được chưa đầy 10 hộ gia đình, số hộ còn lại phải đối mặt với “nhiều không”: không được xây dựng kiến thiết cơ bản; không được đầu tư về cơ sở hạ tầng để phục vụ dân sinh; không được cấp quyền, chuyển quyền sử dụng đất; không được đầu tư các dự án khác, không được giải phóng mặt bằng… Chính vì phải đối mặt với “nhiều không” như vậy nên không ít hộ dân rơi vào cảnh trắng tay.
Anh Trần Xuân Hồng, Trưởng thôn Long Tiến, xã Thạch Khê, dẫn chúng tôi ra chứng kiến cánh đồng rộng hàng chục ha của thôn từ mảnh đất màu mỡ nay thành “đất chết”. Cánh đồng này trước đây người dân Long Tiến làm 2 đến 3 mùa vụ nhưng từ khi dự án sắt Thạch Khê tiến hành bóc đất tầng phủ, mở rộng moong mỏ thử nghiệm thì cánh đồng thành sa mạc, hoang sơ do tụt hết nước ngầm.
Ngay trước khi triển khai dự án sắt Thạch Khê, chủ đầu tư là Công ty TIC đã tiến hành kiểm kê tài sản của người dân nơi đây để đền bù. TIC còn đưa ra quy định, nếu hộ nào di dân tự do không phải đến ở khu tái định cư thì được TIC hỗ trợ thêm 100 triệu đồng.
Theo kiểm kê, gia đình ông Dương Trọng Đào được áp giá đền bù 180 triệu đồng, gia đình ông Phan Văn Hương được áp giá đền bù hơn 100 triệu đồng…Sau khi TIC kiểm kê xong tài sản, ông Đào, ông Hương vay mượn tiền ngân hàng vào huyện Eakar, tỉnh Đắk Lắk mua rẫy để an cư; đồng thời chờ phía TIC chuyển tiền hỗ trợ để trả cho ngân hàng nhưng gần 10 năm nay tiền hỗ trợ, đền bù mà chủ đầu tư dự án sắt Thạch Khê đã thỏa thuận vẫn bặt vô âm tín.
Cũng như xã Thạch Khê, các xã Thạch Hải, Thạch Đỉnh đều nằm trong diện ảnh hưởng trực tiếp đến dự án sắt Thạch Khê. Đi đến đâu chính quyền địa phương và nhân dân trên địa bàn đều kiến nghị nếu TIC chưa giải quyết xong những bất cập liên quan thì không nên tái không động dự án.
Nhiều năm qua, xã Thạch Hải cũng giống như xã Thạch Khê phải chung cảnh “nhiều không”, không được cấp đất ở cho nhân dân và không được xây dựng nhà cửa; không có phương án giải quyết việc làm cho nhân dân, không được quy hoạch nông thôn mới... do gần 1.000 hộ gia đình và toàn bộ diện tích của xã cũng nằm trong diện phải giải tỏa, di dời nhường đất cho dự án sắt Thạch Khê…
Cả tỉnh mong dừng dự án
Dự án Khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê được đánh giá là mỏ sắt có trữ lượng quặng lớn nhất Đông Nam Á, ước tới hơn 540 triệu tấn, chiếm hơn 1/2 trữ lượng quặng sắt toàn quốc. Mục tiêu của TIC là đầu tư khai thác mỏ sắt Thạch Khê, mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á, để cung cấp quặng sắt trước hết cho nhu cầu luyện thép trong nước và dành một phần xuất khẩu, sau đó sẽ đầu tư và vận hành nhà máy luyện phôi thép…
Từ những cánh đồng hoa màu trù phú, khi mỏ sắt Thạch Khê khai thác thử nghiệm, giờ nhiều nơi chỉ có cây xương rồng mới sống được.
Tuy nhiên, sau gần 10 năm triển khai dự án sắt Thạch Khê đến nay vẫn chưa có phương án quy hoạch được phê duyệt, mặc dù để triển khai dự án này TIC đưa ra nhiều phương án như khu vực lấn biển, diện tích, quy mô ảnh hưởng…Việc dự án triển khai khi các quy hoạch chưa được lập, thẩm định, phê duyệt sẽ gây khó khăn trong việc quản lý nhà nước về giao thông, hạ tầng, trật tự xây dựng, tài nguyên môi trường, giải phóng mặt bằng…
Theo đánh giá của các chuyên gia về địa chất, khu vực mỏ sắt Thạch Khê nằm trên địa hình có địa chất phức tạp, nằm sát biển, thân quặng phân bố sâu (cosd-550m), lớp đất chủ yếu là đất sét, cát và nhiều nước ngầm.
Theo tính toán, thử nghiệm thì lượng nước chảy vào moong khai thác lên đến 9.717m³/h vì vậy nếu triển khai khai thác mỏ sắt này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm không chỉ 6 xã của huyện Thạch Hà, mà còn ảnh hưởng đến các xã của huyện Cẩm Xuyên, huyện Lộc Hà và TP Hà Tĩnh.
GS.TSKH Đặng Trung Thuận - Chủ tịch Hội Địa hóa Việt Nam từng nêu quan ngại, khối lượng đất thải rất lớn, hơn 194 triệu m3 đổ vào bãi thải đất liền phía Bắc của mỏ, hơn 262 triệu m3 đổ vào bãi thải phía Nam, tạo ra cao trình 90m. Đây sẽ là mối ẩn họa tiềm tàng về ô nhiễm vì bão bụi, sạt lở.
Năm 2011, TIC chỉ mới tiến hành bóc đất tầng phủ, mở rộng moong mỏ và bốc đất thử nghiệm khoảng 150 ha trên địa bàn xã Thạch Khê nhưng từ đó đến nay diện tích đất xung quanh khu vực này đều bị sa mạc hóa.
Ông Dương Đình Tiến, Chủ tịch UBND xã Thạch Khê cho biết, sau khi Công ty TIC hút nước mở rộng moong mỏ, thì toàn bộ khu vực xung quanh cây cối đều bị chặt phá do chết, mặc dù đã bốc hơn 11 triệu m3 đưa ra bải thải ở xã Thạch Đỉnh, Thạch Hà, song sau khi thử nghiệm công ty cũng chưa hoàn trả lại mặt bằng.
Một trong những vấn đề liên quan đến việc khi triển khai dự án sắt Thạch Khê là đánh giá tác động môi trường, bởi đây là dự án lớn liên quan trực tiếp đến hàng vạn người dân sinh sống trên nhiều huyện và TP Hà Tĩnh.
Dự án sắt Thạch Khê là dự án khai thác mỏ lộ thiên với khối lượng đất, đá phải bóc phủ rất lớn (khoảng 651,4 triệu m³), do đó việc thiết kế các bãi thải và công tác đổ thải là rất quan trọng, theo tính toán ban đầu chiều cao 2 bãi thải có dung tích chứa lần lượt là 268.210 triệu m³ và 135.428 triệu m³, 2 bãi thải này lại nằm sát ven biển nên nguy cơ sạt lở sẽ rất lớn, bên cạnh đó nạn cát bay, cát chảy sẽ gây hậu quả vô cùng lớn cho các vùng lân cận.
Theo thiết kế, để triển khai dự án sắt Thạch Khê, chủ đầu tư phải đắp đê, xây kè chắn chân bãi thải lấn biển, việc này cần khối lượng lớn đá hộc và các nguyên vật liệu xây dựng khác (khoảng 2,7 triệu m³). Việc xây dựng đập chắn cho bãi thải lấn biển cực kỳ quan trọng, song bác cáo đánh giá tác động môi trường của chủ đầu tư chưa đánh giá hết tác động tiêu cực của việc xây đê, kè lấn biển ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.
Đồng thời, theo phê duyệt và công bố của Bộ Tài nguyên và Môi trường, vùng biển Hà Tĩnh được xác định là có nguy cơ bão, nước dâng do bão chịu cấp 15, 16, nước dâng trong bão có thể lên đến trên 4,5m, trong trường hợp, xảy ra triều cường nước biển có thể dâng lên đến 6,2m…và nếu không tính toán cụ thể, thì những bãi rác ven biển của dự án sắt Thạch Khê trong tương lai sẽ gây ra những thảm họa môi trường vô cùng khủng khiếp khi gặp lũ lụt, triều cường.
Bên cạnh những bất cập về đánh giá tác động môi trường, nguồn vốn, quy hoạch xây dựng thì nhiều vấn đề liên quan đến dự án này như: phương án tiêu thụ sản phẩm; dây chuyền công nghệ; tính hiệu quả về kinh tế, xã hội; tác động về mặt xã hội, an ninh trật tự an toàn xã hội… cũng chưa được chủ đầu tư cũng như các bộ, ngành liên quan tính toán cụ thể, khoa học...
Trước những bất cập liên quan đến Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn khẳng định: quan điểm, chủ trương nhất quán của tỉnh Hà Tĩnh về việc kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm cho dừng Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê.
Còn Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh cho biết: “Tỉnh đã có nhiều cuộc làm việc với các bộ, ngành và mời cơ quan khoa học tư vấn, phản biện về dự án, từ đó có cơ sở khoa học và quan điểm nhất quán kiến nghị dừng dự án”.
Nhiều người phải rời quê vào TP HCM lập nghiệp, số khác ngày đêm gửi đơn đi khắp nơi cầu cứu cơ quan chức năng để...