Lấy hóa đơn để không bị “chặt chém” ở sân bay
Ngay sau chỉ đạo của Bộ trưởng Đinh La Thăng về việc kiểm soát giá phi hàng không tại cảng hàng không, sân bay, tại Cảng HKQT Nội Bài, hàng loạt các mặt hàng ăn uống, dịch vụ đã đồng loạt giảm giá.
Hiệp thương giảm giá nhiều mặt hàng
Theo đại diện Cảng HKQT Nội Bài, Cảng đã rà soát và hiệp thương thống nhất giá dịch vụ phi hàng không giữa các tổ chức, cá nhân kinh doanh tại cảng. Theo đó, giá của các mặt hàng ăn uống, hàng hóa dịch vụ thông dụng sẽ được áp giá trần tại 3 khu vực: công cộng, khu cách ly nội địa và cách ly quốc tế.
Cửa hàng nào quá 3 lần vi phạm về giá sẽ không được quyền kinh doanh tại sân bay
Với bảng giá mới được áp dụng từ ngày 15/8 vừa qua, trừ một số nhà hàng cao cấp, giá một chai nước tinh khiết loại 0,5 lít tại khu vực công cộng không được quá 15 nghìn đồng, không quá 20 nghìn đồng/chai tại khu vực cách ly nội địa và ở khu cách ly quốc tế, chai nước trên không được bán đắt hơn 2 USD trong nhà hàng và 1 USD tại các khu vực khác (giá chưa bao gồm phí phục vụ).
Tương tự, giá món ăn khá phổ biến với nhiều hành khách là mỳ tôm cũng đã được điều chỉnh. Cụ thể, với một bát mỳ, phở, miến không bổ sung thực phẩm hoặc bánh mỳ kẹp thông thường... hành khách sẽ chỉ phải trả số tiền không quá 20 nghìn đồng, trường hợp khách gọi thêm thực phẩm bổ sung như thịt bò, thịt gà, xúc xích thì giá cũng không quá 50 nghìn đồng. Riêng tại khu cách ly quốc tế, giá trần cho một bát mỳ, phở, bánh mỳ kẹp... không bổ sung thêm thực phẩm không quá 3 USD.
Khách có thể gọi phản ánh đến đường dây nóng được công khai tại nhiều vị trí ngay sau khi bị trả giá cao hơn giá trần
Đại diện Cảng HKQT Nội Bài cho biết, ngoài việc áp dụng giá trần, các ki-ốt bán hàng sẽ phải xuất hóa đơn hoặc biên lai khi khách yêu cầu nhằm đảm bảo hàng hóa, dịch vụ đúng giá và làm cơ sở để xử lý các khiếu nại của hành khách nếu có. Bất cứ khách hàng nào có thắc mắc về giá cả dịch vụ có thể gọi ngay cho số điện thoại đường dây nóng. Những biển ghi số điện thoại này được đặt tại nhiều vị trí trong sân bay. Vị đại diện này cho biết, nếu ki-ốt bán hàng nào bị khách hàng phản ánh tới 3 lần, kiểm tra nếu đúng, chúng tôi sẽ không cho phép kinh doanh tại sân bay nữa.
Nếu mức giá hiệp thương này được các doanh nghiệp chấp hành nghiêm túc sẽ là một thay đổi lớn, quyền lợi của khách hàng phần nào được bảo vệ, anh Lê Hùng Cường - giám đốc một công ty Xuất nhập khẩu Hà Nội cho biết. Anh Cường là người cách đây 1 tháng đã phải trả 340 nghìn đồng cho 2 bát mỳ tôm và 1 ly cafe tại khu cách ly quốc tế Nội Bài.
“Gồng gánh” gấp đôi công suất thiết kế
Hiện nay, CHKQT Nội Bài có hơn 30 hãng hàng không đang khai thác, với lưu lượng bay trung bình 250 chuyến bay/ngày đêm, những dịp lễ, tết Nội Bài phục vụ hơn 300 chuyến bay/ngày.
Nhà ga T1 – CHKQT Nội Bài được thiết kế đón hơn 6 triệu HK/năm hiện đang “gồng gánh” gấp đôi năng lực với hơn 12 triệu HK/năm. Ngoài ra, tại Nội Bài đang triển khai nhiều dự án xây dựng mới như: Nhà ga hành khách T2, Nhà ga T1 mở rộng, Nhà ga hàng hóa giai đoạn 2, sửa chữa cải tạo đường lăn sân đỗ cũng như xây dựng mới sân đỗ nhà ga hành khách T2. Rồi đường cao tốc Nhật Tân – Nội Bài đang trong giai đoạn thi công gấp rút để đảm bảo tiến độ. Vì vậy, dù cơ sở hạ tầng, trang thiết bị kỹ thuật đã từng bước được đầu tư nâng cấp để đảm bảo phục vụ cho hoạt động bay nhưng nhà ga, băng chuyền hành lý, sân đỗ tàu bay, sân đỗ ô tô luôn trong tình trạng quá tải gây khó khăn cho việc quản lý, khai thác, chưa đáp ứng được nhu cầu phục vụ của hành khách.
Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo Cảng HKQT Nội Bài cho biết đang đẩy nhanh tiến độ dự án mở rộng nhà ga hành khách T1 để sớm khai thác trong tháng 12/2013 nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của hành khách. Và tình trạng khách phải chờ đợi rất lâu để làm thủ tục và lấy hành lý do trang thiết bị quá tải và diện tích ga hạn hẹp sẽ được cải thiện muộn nhất trong 1 vài tháng nữa.