Lầu Năm Góc: Máy bay Malaysia không bị nổ
Hệ thống theo dõi các vụ nổ toàn cầu của quân đội Mỹ không ghi nhận được vụ nổ nào trên Biển Đông.
Ngày 9/3, tờ New York Times của Mỹ cho biết các dữ liệu trinh sát ban đầu của quân đội Mỹ cho thấy chiếc máy bay gặp nạn của hãng hàng không Malaysia Airlines đã không bị nổ trên Biển Đông.
Tờ báo này dẫn lời một quan chức chính phủ Mỹ giấu tên cho biết “một hệ thống giám sát các vụ nổ trên khắp thế giới” đã không xác định được bất cứ dấu hiệu nào của vụ nổ máy bay trên Biển Đông.
Hơn 36 giờ kể từ khi mất liên lạc với chuyến bay MH370, đến nay nhà chức trách vẫn chưa biết chuyện gì đã xảy ra với chiếc máy bay này, mặc dù họ đã mở rộng khu vực tìm kiếm trên một vùng biển rộng lớn giữa Malaysia và Việt Nam.
Số phận chiếc máy bay MH370 vẫn còn là một ẩn số (Ảnh minh họa)
Hiện các cơ quan chống khủng bố của Malaysia đang phối hợp với các đặc vụ FBI điều tra hai hành khách đã sử dụng hộ chiếu giả để lên chiếc máy bay Boeing 777-200 đi từ Kuala Lumpur tới Bắc Kinh này.
Nhiều phi công và chuyên gia hàng không đã nhận định rằng rất có thể chiếc máy bay này đã phát nổ trên biển vì phi công không phát đi bất cứ tín hiệu cầu cứu nào. Lúc đó máy bay đang bay ổn định ở độ cao 10.000 mét, và nhiều khả năng chế độ lái tự động đã được bật vì đây là thời điểm an toàn nhất của chặng bay.
Một cựu phi công Malaysia nhận định: “Đó hoặc là một vụ nổ, một vụ sét đánh hoặc một sự cố giảm áp suất nghiêm trọng. Máy bay 777 có thể trụ được ngay cả khi bị sét đánh hoặc bị giảm áp suất nghiêm trọng, nhưng nếu bị nổ thì không có cơ hội nào hết.”
Ông John Goglia, một cựu ủy viên Cơ quan An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ cho rằng việc phi công không phát tín hiệu cầu cứu cho thấy máy bay có thể đã bị giảm áp suất nội khoang sau một vụ nổ hoặc đã bị một thiết bị nổ phá hủy.
Ông Goglia nói: “Sự cố đó phải xảy ra rất nhanh chóng vì phi công không kịp liên lạc với mặt đất.” Ông này cũng cho rằng việc có 2 hành khách cùng sử dụng hộ chiếu giả để lên máy bay cũng là “một tín hiệu báo động lớn”.