Lật tẩy chiêu trò "trục lợi tình thương": Bí kíp "hành nghề"
Tỏ vẻ lâm trọng bệnh, giấu điện thoại, nhanh chân… là những kinh nghiệm truyền tai để "trục lợi tình thương"
LTS: Tình trạng người lang thang, người ăn xin tại TP HCM đến nay chưa thuyên giảm. Đáng nói, có tình trạng nhiều cá nhân nhà cửa đàng hoàng, tiền bạc không thiếu nhưng chọn cách giả vô gia cư, nghèo khổ để chờ đợi lòng thương hại, nhận quà từ thiện như một "kênh thu nhập". Nhằm làm sáng tỏ câu chuyện này, phóng viên Báo Người Lao Động đã nhiều ngày nhập vai tìm hiểu…
Cứ hơn 18 giờ hằng ngày, nhiều tuyến đường của TP HCM có rất nhiều người với đa dạng độ tuổi ngồi đợi các cá nhân, tổ chức đến phát quà từ thiện.
Nhiều người ăn xin chờ quà từ thiện trên đường Trường Chinh, quận Tân Bình, TP HCM. Ảnh: LÊ VĨNH
Mang bao to đựng quà
Đường Trường Chinh, Lý Thường Kiệt (quận Tân Bình) là những địa điểm có hoạt động ăn xin diễn ra khá rầm rộ.
Trong vai người có hoàn cảnh khó khăn từ dưới quê lên kiếm việc mà thất nghiệp, phóng viên tới đường Trường Chinh bắt đầu "nhập hội". Thấy bộ dạng trẻ măng của phóng viên, một phụ nữ khoảng 50 tuổi tiếp cận, "hướng nghiệp".
Sau khi giới thiệu bản thân thường xuyên ngồi xin quà từ thiện, bà này "bật mí" ở đây càng lớn tuổi càng có lợi. "Như ông già ngồi phía kia được cho quà nhiều lắm. Nhà ổng ở ngay đường Trường Chinh này luôn, cứ tối là ra ngồi đợi người ta phát quà" - người phụ nữ kể.
Nhiều người ăn xin chờ quà từ thiện trên đường Trường Chinh, quận Tân Bình, TP HCM. Ảnh: LÊ VĨNH
Thấy một nhóm bạn trẻ dừng xe máy lại phát quà, người này cùng những người xung quanh vội ùa ra. Thấy phóng viên lóng ngóng với món quà từ thiện đầu tiên nhận được, bà vội nhắc: "Cất bịch quà đó đi. Người ta mà thấy mình có quà rồi là sẽ không cho thêm. Hôm sau em nhớ mang theo cái bao to để đựng quà nha". Vừa nói, bà ta vừa cầm những món quà mới nhận được cho vào bao lớn rồi mang giấu trong góc khuất gần đó.
Thấy đoàn kiểm tra ở phía bên kia đường, người phụ nữ giơ tay khều phóng viên: "Công an đến là phải chạy đi nấp ngay. Nếu không là bị bắt về phường luôn đó. Sợ lắm!". Khi đoàn kiểm tra tới gần, 4, 5 người trong bộ dạng nghèo đói đứng dậy bỏ đi rất nhanh. Có người lánh vào những hẻm bên cạnh, người thì… mở cửa đi vào nhà.
Vừa chờ vừa dùng điện thoại trên đường Lý Thường Kiệt. Ảnh: MINH DIỄM
"Nhanh chân, biết nói xạo"
"Ra đây xin là phải lanh, không thì không có ăn đâu. Em phải nói xạo để xin được nhiều quà. Chị hay nói xin thêm 1 phần cho bà ngoại đang bị bệnh ở nhà. Cứ nói xin cho người già là họ thương mà cho thêm" - bà T., khoảng 40 tuổi, thường xuyên ăn xin trên đường Trường Chinh chia sẻ "mẹo" với phóng viên.
Và sự lẹ làng của bà T. được thể hiện ngay. Khi thấy bóng người đang phát quà cách khoảng 100 m, bà T. nhanh chóng báo hiệu cho những người có bộ dạng ăn xin khác cùng lại xin quà. "Người ta xuống tới đây thì hết mất rồi. Thấy người ta phát quà ở đâu thì phải chạy lại đó mà xin liền, không có đợi người ta đến mình" - bà T. vừa rảo chân bước nhanh như chạy vừa dặn dò phóng viên.
Tính toán số đề trong lúc đợi. Ảnh: MINH DIỄM
Tuy nhiên, lần nhận đồ này không như ý. Cầm bịch ni-lông vừa nhận trên tay, bà T, tỏ thái độ thất vọng bởi đây là một hộp cơm chay. "Má ơi, chạy cho cố vô, được hộp cơm chay!" - bà T. phàn nàn. Người phụ nữ này ngỏ ý tặng hộp cơm chay vừa xin được cho người khác nhưng không ai muốn nhận. Ngồi bệt xuống lề đường, bà mở ra xem rồi nhanh chóng đóng lại, không dùng bất kỳ muỗng nào. Vài phút tiếp theo, hộp cơm bị vứt lăn lóc trên lề đường.
Cũng trong vai người ăn xin, phóng viên lân la tiếp cận người đàn ông ăn xin khoảng 40 tuổi trên đường Lý Thường Kiệt, quận Tân Bình. Thấy phóng viên lại gần bắt chuyện, người này lập tức tỏ thái độ khó chịu và tới tấp xua đuổi: "Đi chỗ khác ngồi đi. Ngồi tụm lại, công an đến lượm bây giờ".
Tiếp cận người đàn ông khác, lần này, "đồng nghiệp" khá cởi mở và vui vẻ dạy dỗ. Ông này bày cách: "Em giả bộ ngồi ngủ, người ta tưởng em bệnh sắp chết sẽ lại hỏi thăm. Lúc đó em rên rỉ, than khóc vào, người ta thấy thương mà cho tiền".
Một lần khác cũng trên đường Lý Thường Kiệt, khi phóng viên trong lúc chờ đợi đã mang điện thoại ra bấm, người ăn xin ngồi kế bên thấy vậy liền ra dấu hiệu không được, đồng thời nhắc nhở: "Cất điện thoại vào đi em. Người ta thấy em bấm điện thoại xịn sẽ không cho quà đâu".
Và vừa để "làm mẫu" vừa đúng lúc có việc liên lạc, người này quan sát trước sau, tiếp đó dùng một tấm bìa lớn che chiếc điện thoại, cúi đầu hí hoáy nhắn tin, nghe cuộc gọi...
Mỗi món quà từ thiện gửi đi đều mang thông điệp yêu thương của nhà hảo tâm. Ý nghĩa nhân văn ấy nhiều lúc bị lợi dụng khiến nỗi buồn không chỉ đến với người trao gửi mà còn là với niềm tin xã hội... |
Ngỡ ngàng Trên đường Trường Chinh, khi một phụ nữ tấp xe vào lề, cho mỗi người 10.000 đồng rồi rời đi, một thành viên trong nhóm ăn xin lên tiếng chê bai: "Cho gì có 10.000 đồng, không đủ mua ly nước uống nữa. Cầm 10.000 đồng này đi mua tờ vé số cho rồi". Cũng tại đường này, phóng viên bắt gặp một ông cụ, vừa nhặt ve chai vừa ăn xin, lôi từ trong túi đồ một vật như bao lì xì. Trước sự chứng kiến của nhiều người, ông cụ này lấy từng tờ tiền bên trong ra đếm. Phóng viên ngạc nhiên khi tổng số tiền khoảng 2 triệu đồng. Nhưng câu nói của ông còn làm phóng viên ngỡ ngàng hơn: "2 triệu đồng/đêm là chuyện bình thường". Nhận tiền từ nhà hảo tâm. Ảnh: LÊ VĨNH |
(Còn tiếp)
Nguồn: [Link nguồn]
Không chỉ đưa những người già, người khuyết tật ở quê ra Hà Nội bán hàng rong, ăn xin, vợ chồng Nguyễn Văn Kiện và Nguyễn Thị Nga còn theo dõi từ xa để "đôn đốc"...