Lập phòng khám riêng cho người nhiễm MERS

Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị các cơ sở y tế khám cho bệnh nhân mắc MERS-CoV đi riêng đường, khám riêng một phòng. Nếu có bệnh nhân phải có phòng điều trị riêng, thậm chí cách ly cả bệnh viện.

Ngày 25.6, Bộ Y tế Hàn Quốc cho biết, nước này đã ghi nhận thêm 1 trường hợp nhiễm và 2 trường hợp tử vong do MERS-CoV, nâng số người nhiễm MERS-CoV tại nước này lên 180, số người tử vong do MERS lên đến 29 người.

Tính đến nay, Hàn Quốc là quốc gia bùng phát dịch mạnh nhất ngoài Ả rập Xê út. Hiện có 77 người vẫn đang điều trị và cách ly đặc biệt tại các cơ sở y tế của Hàn Quốc.

Tại Việt Nam, công tác phòng chống dịch MERS-CoV đang được thực hiện với nhiều kịch bản tình huống được lập, các đơn vị, địa phương chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, trang thiết bị, thuốc men, kinh phí, tổ chức diễn tập, tập huấn...

Lập phòng khám riêng cho người nhiễm MERS - 1Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu lập đường đi, phòng khám riêng cho người nhiễm Mers-CoV tại các cơ sở y tế 

Chiều muộn ngày 25.6, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Bộ Y tế đã họp khẩn về công tác phòng chống dịch bệnh MERS-CoV.

Tại đây, PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết, để phòng dịch MERS-CoV tràn vào Việt Nam, Bộ Y tế tiếp tục duy trì giám sát các đối tượng nhập cảnh, khai báo y tế hành khách đến từ các vùng có dịch. Hiện các đơn vị kiểm dịch y tế đang sử dụng khoảng 45 máy đo thân nhiệt từ xa để giám sát hành khách nhập cảnh từ vùng có dịch.

Đến nay đã giám sát khoảng 45.000 người đến từ khu vực có dịch nhập cảnh.

Đặc biệt, từ đầu năm 2015 đến nay đã lấy 65 mẫu xét nghiệm các bệnh nhân có triệu chứng giống MERS-CoV và có tiền sử vừa đi về từ vùng dịch trong vòng 14 ngày. Tuy nhiên, tất cả đều có kết quả âm tính với MERS-CoV.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng cho biết, tuy Việt Nam chưa có ca bệnh xảy ra nhưng phải chuẩn bị cho tình huống có thể xảy ra.

Bà Tiến đề nghị các cơ sở y tế khám cho bệnh nhân mắc MERS-CoV đi riêng một đường, khám riêng một phòng. Nếu có bệnh nhân thì phải có phòng điều trị riêng, thậm chí cách ly cả bệnh viện.

“Điều quan trọng là phải phát hiện sớm bệnh nhân, bên cạnh đó thực hiện chống nhiễm khuẩn triệt để từ người bệnh sang cán bộ y tế, từ người bệnh sang người nhà và từ người bệnh sang người bệnh khác” – bà Tiến nói.

Đại diện Cục Y tế Dự phòng cũng khuyến cáo, các cán bộ y tế không những phải giỏi về chuyên môn mà còn phải hiểu biết về dịch tễ, biết cơ chế lây truyền của virus Corona để có biện pháp cách ly, khống chế dịch. Từ các ca bệnh của Hàn quốc cho thấy, bệnh viện là nơi nguy cơ lây nhiễm cao, do đó các bệnh viện phải thiết lập khu vực cách ly và đặc biệt quan tâm đến công tác phòng chống nhiễm khuẩn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN