Lấp hồ Thành Công: “Đề xuất không ai chấp nhận được”
TS Đào Ngọc Nghiêm - nguyên Kiến trúc sư trưởng Hà Nội thì cho rằng, lấp hồ Thành Công là “đề xuất không ai chấp nhận được".
Người dân không đồng tình với việc lấp hồ Thành Công xây nhà tái định cư.
Mới đây, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển đô thị Việt Hưng (VIHAJICO) đưa ra đề xuất lấp hồ Thành Công (Ba Đình, Hà Nội) để xây nhà. Đơn vị này đưa ra phương án dùng 1ha diện tích công viên và mặt hồ hiện hữu để xây nhà ở tái định cư cho người dân và đồng thời hoàn lại bằng cách đào bổ sung 1ha mặt nước về phía Bắc.
Ngay khi thông tin này được đưa lên phương tiện thông tin đại chúng đã “gây bão” trong dư luận. Hầu hết người dân đều tỏ ra không đồng tình. Người chưa biết đến đề xuất thì bất ngờ khi nghe tin, người biết rồi thì phản đối.
Xung quanh vấn đề này, ông Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết, hồ nước tự nhiên ở Hà Nội liên kết với nhau tạo thành một chuỗi hồ có tác dụng điều hòa không khí, nước mưa. Bây giờ, thay đổi 1ha hồ Thành Công sẽ làm sẽ phá vỡ hệ thống đó và làm thay đổi đến cảnh quan, sinh vật trong lòng hồ.
“Tôi chưa thấy quá trình đô thị hóa ở đâu mà lấp hồ chỗ này để đào chỗ khác. Đơn vị xây dựng đó không có tính toán cụ thể về mặt tự nhiên. Nói như nhà đầu tư thì bây giờ lấp đi 1/3 Hồ Hoàn Kiếm để xây nhà rồi đào bù chỗ khác thì còn gì là Hồ Hoàn Kiếm nữa”, ông Chính nói.
Các chuyên gia cho rằng, lấp hồ Thành Công là “đề xuất không bình thường”.
Ông Chính cho biết thêm, nếu sau khi lấp hồ xây nhà tái định cư cho người dân ở tạm trong quá trình cải tạo chung cư cũ, khu vực sẽ xuất hiện thêm một khối nhà. Khi người dân trở về, khối nhà tái định cư đó sẽ tiếp tục được cho thuê hoặc bán làm tăng thêm dân cư cho khu vực. Điều này là trái với quy hoạch xây dựng chung và không phù hợp với yêu cầu của khu đô thị cải tạo.
TS Đào Ngọc Nghiêm - nguyên Kiến trúc sư trưởng Hà Nội thì cho rằng, đây là “đề xuất không ai chấp nhận được".
Theo TS Nghiêm, khi xem xét cải tạo chung cư phải đảm bảo hài hòa cảnh quan và nét đặc trưng của Thủ đô. Hiện công viên cây xanh của Thủ đô Hà Nội mới đạt hơn 5m2/người và mục tiêu là 12m2/người. Do đó, công viên, mặt nước và cây xanh cần phải ưu tiên phát triển.
“Nhiều nơi muốn tăng diện tích cây xanh, hồ điều hòa phải tốn hàng trăm tỉ đồng. Nay doanh nghiệp đề xuất lấp hồ, giảm diện tích không gian xanh thì không ổn. Hơn nữa, quy hoạch chung thường không cho lấp hồ tạo cảnh quan. Do đó, lấp hồ Thành Công là không được”, TS Nghiêm nói.
PGS.TS Nguyễn Văn Hùng - nguyên hiệu trưởng ĐH Xây đánh giá, đây là “đề xuất không bình thường, trái quy luật”.
Theo ông Hùng, ngày xưa Hà Nội ít ngập do có nhiều ao hồ. Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa đã khiến ao hồ mất dần và hậu quảcứ mưa là ngập. Do đó, lấp hồ sẽ không còn nơi để điều hoàn nước mưa.
Việc lấp hồ chỗ này để đào chỗ khác làm thay đổi cảnh quan hồ. Ngoài ra, việc xây dựng nhà trên khu vực nền tảng đất yếu vừa tốn kém lại không đảm bảo.
"Tôi nghĩ rằng một công ty xây dựng đưa ra đề xuất như thế là không bình thường. Không thấy hậu quả hoặc hậu quả để người khác gánh chịu", ông Hùng chia sẻ
Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, đề xuất của VIHAJICO mới chỉ là ý tưởng, sáng kiến ban đầu. Đề xuất đưa ra có thể giải được bài toán khó nhất từ trước tới nay là vấn đề tái định cư tại chỗ cho người dân.
“Tuy nhiên muốn được thông qua thì doanh nghiệp cần phải có bản vẽ chi tiết, lên phương án trình cụ thể. Sau đó cần cơ quan quản lý, các nhà chuyên môn đóng góp ý kiến và có cả xin ý kiến của người dân”, vị đại diện cho hay.