Lập đội đặc nhiệm bắt chó, mèo thả rông

Chó mèo thả rông sẽ bị bắt giữ, theo dõi, sau 72 giờ nếu không có người nhận sẽ bị tiêu hủy.

Gia tăng bệnh dại

Phát biểu tại một Hội nghị chống bệnh dại mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cảnh báo, tình hình chó dại cắn lây bệnh dại cho người đang bùng phát tại một số tỉnh phía Bắc.

Thống kê của ngành y tế ghi nhận, từ đầu năm đến nay, cả nước có 74 ca tử vong do chó dại cắn tại 21 tỉnh, thành phố, mà dẫn đầu là tỉnh Sơn La 17 ca, Phú Thọ 12 ca, Yên Bái, Hà Giang có từ 8-9 ca tử vong. Riêng tỉnh Lai Châu, trong hai năm, số người bị cho dại cắn là 4.000 người, trong đó có 5 trường hợp tử vong.

Nếu so sánh với các bệnh truyền nhiễm gây tử vong thì bệnh dại có số ca tử vong cao nhất.

Đa phần các ca tử vong đều xuất phát từ sự chủ quan của người dân. “Thói quen thả rông, không tiêm phòng cho chó, khi bị chó, mèo cắn lại không theo dõi, tiêm phòng nên dễ gây tử vong”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhận định.

Ông Đỗ Thái Mỹ, Chi cục phó, Chi cục thú y tỉnh Điện Biên cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 55.000 con chó, nhưng tỉ lệ tiêm phòng theo định kỳ còn thấp, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.

Lập đội đặc nhiệm bắt chó, mèo thả rông - 1

Sẽ lập đội chuyên bắt chó, mèo thả rông

Một cán bộ ngành y tế Yên Bái cho hay, từ đầu hè 2012 đến nay, bệnh dại trên đàn chó ở Yên Bái diễn biến hết sức phức tạp, với gần 100 con chó được xác định đã mắc bệnh. Nguy hiểm hơn, khoảng 200 người dân bị chó dại cắn đã bị phơi nhiễm với bệnh dại, trong đó có 9 người đã tử vong.

Thế nhưng, người dân ở Yên Bái hiện rất chủ quan trước sự nguy hiểm của loại bệnh này. Trong khi đó, đàn chó nuôi chưa được tiêm vaccin phòng bệnh đầy đủ nên dễ bị bệnh.

Đây cũng là tình trạng chung của các địa phương khi nuôi thả chó, mèo.

PGS.TS. Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cũng cho hay, các cơ quan thú y chưa thống kê được số ổ dịch chó dại và số chó chết vì bệnh dại. Do chó nuôi với số lượng lớn, nuôi thả rông, không có xích, không rọ mõm, không được tiêm phòng nên mỗi năm vẫn có khoảng 500.000 người bị chó cắn phải tiêm phòng dại. Đây thực sự là áp lực lớn của ngành y tế.

Ngăn chặn bệnh dại

Trước tình trạng lỏng lẻo trong quản lý, nuôi thả chó mèo gây nguy cơ tử vong vì bệnh dại cao, Bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn (NNPT-NT) vừa ban hành kế hoạch khống chế và loại trừ bệnh dại năm 2012 với những hành động cụ thể.

Theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn UBND cấp xã phải lập sổ theo dõi số lượng chó nuôi, số hộ có nuôi chó trên địa bàn xã. Chi cục Thú y và Trạm Thú ý phải có sổ theo dõi số lượng chó nuôi, số hộ có nuôi chó trên địa bàn tỉnh và huyện.

Thú y cấp xã và cấp trưởng thôn/ ấp/ khóm có trách nhiệm thống kê số lượng chó mèo và số hộ nuôi chó mèo để quản lý. UBND các cấp chỉ đạo thành lập đội chuyên bắt giữ chó mèo thả rông ở các khu đô thị, nơi đông đúc dân cư hoặc chó mèo nghi bị mắc bệnh dại.

Trạm thú y nuôi chó mèo bị bắt, theo dõi sức khỏe và chờ chủ gia súc đến nhận. Sau 72 giờ, nếu không có người đến nhận sẽ tiến hành tiêu hủy.

Bộ NNPT-NT cũng quy định chủ vật nuôi phải thực hiện đăng ký chó với UBND xã và được cấp số.

Về công bố dịch, khi có một hoặc nhiều con vật mắc bệnh dại và có người chết vì bệnh dại ở một xã thì công bố xã đó có dịch và các xã xung quanh là các xã vùng uy hiếp, nằm trong tình trạng báo động có nguy cơ cao bệnh dại xảy ra.

Khi có 5 xã trở lên trong một huyện có dịch thì công bố dịch trên địa bàn toàn huyện. Khi có 5 huyện trên một tỉnh có dịch thì công bố dịch trên địa bàn toàn tỉnh.

Khi có dịch, tất cả chó mèo trên địa bàn có dịch phải được nhốt theo dõi trong vòng 15 ngày. Tất cả chó mèo thả rông phải được tiêu hủy.

Đối với trường hợp dịch xảy ra trên diện rộng, phải tiêu hủy tất cả chó mèo mắc bệnh, nghi mắc bệnh, chó mèo chưa tiêm phòng không chờ kết quả xét nghiệm.

“Mục tiêu hướng tới của Bộ NNPT-NT là quản lý được 80% đàn chó nuôi, 80% đàn chó nuôi được tiêm phòng vắc xin. Số ca tử vong do bệnh dại giảm 30% với số tử vong trung bình của năm trước”, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Diệp Kỉnh Tần cho hay.

Xử lý khi bị chó, mèo cắn

Cần sát trùng vết thương ngay bằng nước sạch và xà bông, sau đó sử dụng các loại thuốc sát trùng như oxy già và đến bệnh viện nếu vết cắn sâu, chảy máu nhiều. Người bị cắn cần được băng bó và chăm sóc vết thương, dùng kháng sinh nếu cần để tránh nhiễm trùng.

Nếu bị chó nhỏ, chó con cắn: đi chích ngừa ngay không cần theo dõi vì chó con có thể mang mầm bệnh dại mà không phát dại, người bị cắn có thể tử vong trước chó nếu không tiêm phòng kịp thời.

Nếu bị chó lớn cắn: Theo dõi 10 - 15 ngày, nếu chó phát dại chết, người bị cắn phải đi chích ngừa. Còn nếu bị cắn ở vùng mặt và tay, phải đi chích ngay không cần theo dõi chó vì virus bệnh dại nếu có sẽ lan đến hệ thần kinh trung ương rất nhanh, không kịp trở tay.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lưu Bình (Đất Việt)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN