Lão ngư kể chuyện cưỡi sóng Hoàng Sa

Dân làng nhiều lần nghĩ cha con ông đã chết. Mẹ ông, vợ ông cũng không ít lần tắt hết hy vọng. Đã có lần xã điều 5 tàu lớn ra biển, với hy vọng tìm thấy xác cha con ông sau bão. Nhưng không! Ông lại cưỡi sóng cùng với 3 con trai lành lặn trở về trong vỡ òa của gia đình, làng xóm.

Lão ngư kể chuyện cưỡi sóng Hoàng Sa - 1

Ông Năm như là thủ lĩnh tinh thần cho ngư dân Bảo Ninh.

Con của biển

Đối diện chúng tôi trong căn nhà 2 tầng khang trang, bên cửa biển Nhật Lệ là lão “kình ngư” Nguyễn Văn Năm, nức tiếng ở làng biển Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới (Quảng Bình). Ở làng biển nổi tiếng này, lớp trẻ phục ông về nghề, lớp già nể ông về sức khỏe… Mặc dù ngấp nghé “thất thập”, nhưng mỗi năm, ông có trên dưới 10 chuyến ra Hoàng Sa và năng suất lao động của ông không hề thua kém bất kỳ ai, thậm chí vượt trội.

Giọng nói oang oang, hào sảng đúng chất của người dân làng biển, đôi mắt sáng, cùng với thân hình chắc nịch, nước da rám nắng, nhìn ông trẻ hơn rất nhiều với tuổi. “Tui tuổi Canh Dần năm 1950. Năm nay nữa là đúng 67 tuổi. Mấy đứa nó cứ hay trêu tui là thanh niên thất thập. Thôi kệ, răng cũng được chú hè, uống với tui lon bia đã. Tui không thích trà nên nhà chỉ có mỗi bia thay nước” –  ông Năm hào sảng nói.

Tu một hơi hết lon bia, sau tiếng khà sảng khoái, ông liên tục mời khách cùng hết như mình. “Cái thứ ni (bia) không biết hắn làm từ chi nhưng uống đã thiệt. Mấy đứa con thấy tui vui bạn, uống nhiều cứ hay can ngăn. Say được tui khó lắm, phong ba bão táp quật lên, ném xuống cả đời mà không làm tui say thì mấy lon bia ăn thua chi” - lão ngư nhoẻn miệng cười.

Xưa cha mẹ ông không có nhà, chiếc thuyền câu là nơi tá túc của cả gia đình. Mẹ ông sinh ông trong một chuyến ra khơi. Cha ông tự tay cắt rốn, nhúng xuống biển để tắm rửa cho ông. Lên 3 tuổi ông đã bơi lội như con rái cá và bắt đầu học hỏi để trở thành một ngư dân thực thụ. Việc học chữ của ông bị gián đoạn, lên xuống theo từng con nước. Nhưng được cái sáng dạ, ông thông thuộc  từng rạn san hô, hiểu nằm lòng đặc tính từng loài cá. Ông như tấm bản đồ sống của ngư trường Hoàng Sa.

“Ngày xưa chỉ cần nhìn lên sao trời, nhìn xuống sóng biển là tui có thể đoán được hướng cá, biết vùng biển đó có cá gì để thả mồi câu, nhưng bữa nay có máy nó dò cho rồi, nên kinh nghiệm của một đời tích góp dần mất thiêng” -  ông chia sẻ.

Với ông, hơn 60 năm quăng quật với sóng biển, không ít lần tính mạng kề bên miệng hà bá, nhưng tình yêu với biển vẫn mãnh liệt, không mấy khi ông bỏ chuyến ra khơi. “Ở nhà buồn tay buồn chân lắm chú ơi, không ngâm mình được trong nước biển, tay không buông cần câu, không hít được mùi cá tươi là tui ốm liền. Không đi với thằng út thì tui cũng đi với thằng cả cho bằng được” – lão  ngư tâm sự.

Cưỡi sóng Hoàng Sa

Theo ông Năm nghề câu là vất vả nhất trong các nghề biển. Ngoài đặc tính làm việc thủ công ra, thì nghề câu mất rất nhiều thời gian so với các nghề khác. Đặc biệt, biển càng động thì cá càng ăn nhiều, nên nghề câu thường phải đối mặt với gió bão mới mong có thành quả. Một vàng câu có trên 2.000 lưỡi, mỗi lần thả kéo dài chừng 50 cây số, ngốn hết 2 tạ mồi. Người có kinh nghiệm, thả hết vàng câu cũng mất 2 giờ đồng hồ. Thả xong thì quay sang tìm vị trí đậu tàu để tranh thủ câu cần, đợi thời gian vớt vàng câu lên.

Lão ngư kể chuyện cưỡi sóng Hoàng Sa - 2

Ông Năm chuẩn bị đồ nghề cho chuyến ra khơi đầu năm mới.

Ông nói, nghề câu rất kén ngư trường. Muốn cá cắn câu phải biết tìm đúng vị trí đáy biển có cồn, có rạn. Ngày xưa chưa có máy dò thì phải biết cách nhìn dòng chảy, màu nước để phát hiện cồn, rạn. Ngay cả khi định vị được ngư trường, nếu không biết cách đậu tàu thì câu cả đêm cũng chẳng được con nào. Giữa mênh mông sóng nước, chỉ cần đậu tàu sai vị trí chừng mươi mét là xem như công cốc. “Đặc tính loài cá thường thích bơi ngược, nơi nào nước chảy càng mạnh thì cá tập trung càng nhiều. Khi đậu tàu phải tìm đúng vị trí đầu mũi rạn, thả câu xuống, nước kéo lưỡi câu đến vị trí cao nhất của rạn thì kiểu gì cũng trúng to” – ông chia sẻ kinh nghiệm.

Ông nói, trong nghề câu khó nhất là câu cá thu. Cá thu bắt mồi như hổ, nó thường đớp đúng vị trí gáy con mồi. Nếu không biết cách găm mồi thì chỉ tổ tốn mồi mà chẳng con cá nào mắc câu. Khi cá cắn câu thì phải giật dứt khoát để lưỡi câu găm vào họng cá và ngay lập tức nương theo thế để kéo cá về tàu, nếu không việc gãy lưỡi đứt dây là chuyện thường.

Có vô số chuyến ra khơi nhưng chuyến ra ngư trường Hoàng Sa cách đây 5 năm ông vẫn nhớ như in. Đài báo gió mùa Đông Bắc mạnh, nhưng sau nhiều ngày lênh đênh vẫn chưa có thành quả nên ông quyết định ở lại. Biển bắt đầu động, vàng câu đầu tiên ông vớt được hơn 1 tấn cá. Đặc biệt, đêm đó ông dùng cần, câu được con cá cờ nặng hơn 2 tạ. Cả 4 cha con đánh vật với sức cá, sức sóng, hơn 3 giờ đồng hồ mới tời được con cá lên thuyền.

Mải mê đánh vật với cá, ngoảnh lại giữa mênh mông nước một màu trắng xóa. Những con sóng cao hơn mái nhà, cứ lao tới như muốn nhấn chìm con tàu hơn 500 sức ngựa của cha con ông. Con tàu cứ xoay ngang, xoay dọc, trồi lên, tụt xuống như con ngựa bất kham. Với kinh nghiệm từng trải, ông biết không thể chạy tàu về bờ trong thời tiết này được, ông chỉ huy các con của mình thả dù xuống đuôi tàu để giữ thăng bằng, còn ông tự mình cầm lái, hướng mũi tàu chém sóng tránh bị lật.

 “Trời thì mưa như trút nước, sóng cao, cao lắm, đánh tan cả mấy tấm kính buồng lái. Cả bốn cha con tui người ướt sũng, lăn lóc như viên bi, đói rét, đánh vật với hắn 1 đêm, 1 ngày mới thoát chết. Chuyến nớ ngoài con cá cờ hơn 2 tạ, còn lại toàn cá thu. Mấy cha con quay về, cả làng ra đón. Con cá cờ được tui mổ thịt chiêu đãi cả làng mừng thoát chết trở về” – Lão kình ngư kể.

Thủ lĩnh tinh thần

Ông có 3 người con trai, cả ba đều trưởng thành, có gia đình riêng, có tàu riêng. Cả 3 người con đều muốn ông đi trên tàu mình, nhưng ông luôn ưu tiên cho người con út, thi thoảng mới sang đi tàu của anh cả và anh hai như để động viên tinh thần. “Mấy đứa thích tui đi cùng, vì có tui là hắn sướng. Người già ít ngủ nên câu được nhiều cá hơn mấy đứa trẻ. Câu cá xong đến giờ thì nổi lửa nấu cơm, bọn hắn ngủ thoải mái dậy là có cơm ăn liền”– ông nói.

Lão ngư kể chuyện cưỡi sóng Hoàng Sa - 3

Ông Năm đang diễn tả động tác kết câu.

Nhiều lần tính mạng đã kề miệng hà bá nhưng ông không hề run sợ. Ông vẫn luôn răn dạy các con lòng dũng cảm và thật thà. Nghề nào nghiệp nấy, phải biết trân trọng, chắt chiu học hỏi, đoàn kết, tương trợ để cùng nhau phát triển. Tàu là nhà, biển là quê hương nên cần phải gìn giữ. Và đó cũng chính là tôn chỉ ra khơi của làng biển Bảo Ninh bao đời nay vẫn còn được lưu giữ mãi.

“Từ nhỏ cả ba anh em tui được ông dạy dỗ, kèm cặp, cuộc sống lênh đênh trên biển đã quen có ông rồi. Nhiều lần vào sinh ra tử, dựa vào kinh nghiệm mà ông đã đưa mấy anh em tui thoát chết, giờ ra khơi mà không có ông, lòng tui không yên, cứ thấy thiếu vắng cái gì đó. Ngay như chuyến cuối cùng để về nghỉ Tết vừa rồi, không có ông thì tàu chìm xuống biển rồi, tính mạng hơn chục người trên tàu chắc cũng không còn. 

Tàu trên đường về, tui cầm lái. Do mệt tui ngủ thiếp đi. Tui giật mình tỉnh giấc khi con tàu khựng lại, rồi vù ga chạy lùi. Tui chưa hiểu chuyện chi, nhìn ra thấy một chiếc tàu hàng to như hòn núi đang lao đến, chỉ cách mũi tàu tui chừng 5m. Tui nhìn lại, thấy ông mặt đanh lại, đang vù ga chạy lùi. Khi ông đánh lái hướng mũi tàu sang phải thì cũng là lúc chiếc tàu hàng lao tới, hai mạn tàu va vào nhau sàn sạt nhưng không chìm. Nếu không có ông thì tai họa đã ập đến, hơn 10 gia đình ở làng biển Bảo Ninh không có Tết” - anh Nguyễn Ngọc Châu, con cả của ông kể.

Ông Nguyễn Ngọc Hiếu, Bí thư Đảng ủy, kiêm Chủ tịch UBND xã Bảo Ninh cho biết: Cho đến nay, cụ Năm là người cao tuổi nhất ở xã biển này còn vươn khơi bám biển. Cụ không chỉ trực tiếp làm ra của cải vật chất mà còn là thủ lĩnh tinh thần cho con cái và cả làng biển Bảo Ninh. Sức khỏe, kinh nghiệm và tinh thần của cụ là cảm hứng cho thế hệ trẻ Bảo Ninh vươn khơi, vươn xa, trở thành xã điểm của Quảng Bình về đánh bắt cá xa bờ, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo The Hoàng Dương - Hoàng Nam (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN