“Lão gàn” nghèo 12 năm sửa xe miễn phí cho người tàn tật
Sống là giúp đỡ người khác, ông Hùng lấy sự phục vụ làm niềm vui và phương châm sống.
Ông Hùng và góc quán “Vì người nghèo”
Sống là giúp đỡ người khác, ông Hùng lấy sự phục vụ làm niềm vui và phương châm sống. Thấy ông ngày ngày lủi củi bên thùng sửa xe, bòn từng đồng lẻ mưu sinh nhưng lại không bao giờ lấy tiền khi sửa xe cho học sinh, sinh viên, người tàn tật, nhiều người bảo ông “gàn dở”. Nhưng như ông tâm sự: “Thời đại này, người ta vui vì kiếm được nhiều tiền, riêng tôi thì thì vui là khi giúp đỡ được ai đó”.
“Ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”
Biệt danh ấy được nhiều người gán cho ông Trần Viết Hùng (49 tuổi, trú phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê, Đà Nẵng). Hơn 12 năm qua, căn nhà trên đường Điện Biên Phủ (quận Thanh Khê, Đà Nẵng) của ông là điểm ghé chân quen thuộc của những người nghèo, của các em học sinh, sinh viên, người khuyết tật. Lý do là bởi, với những đối tượng này, ông phục vụ miễn phí, tuyệt đối không thu một đồng xu nhỏ nào.
Giữa nhịp đời bon chen, việc làm tưởng như nhỏ bé của ông lại khiến chúng ta ấm lòng. Làm việc tốt nhưng ông không phô trương, chỉ lặng lẽ coi đó như một chức phận. Đi qua đường Điện Biên Phủ, nếu không để ý, nhiều người sẽ chẳng nhìn đến tấm biển hiệu bằng gỗ: “Bơm vá 325. Honda, xe đạp. Học sinh, người tàn tật miễn phí. ĐT 0905198932”. Ông công khai số điện thoại để ai đó khi cần có thể liên lạc trực tiếp và nhận được sự giúp đỡ.
Người “vác tù và hàng tổng” nước da đẹn sạm, trông có vẻ khắc khổ, ngồi ngước nhìn ra con đường đông đúc bậc nhất Đà Nẵng rồi chầm chậm kể câu chuyện về mình: “Tôi lớn lên ở làng quê ven biển Đà thành. Thời thanh niên, tôi cùng những người bạn đi khắp nơi làm việc với mong ước làm giàu. Tôi đã từng lên núi, ngậm ngải tìm trầm rồi băng rừng lội suối đào đãi vàng. Bán sức để mong tìm vận may nhưng rồi kết cục nhận được chỉ là sự thất vọng”.
Sau trận sốt rét rừng, sức khỏe ông sụt giảm, đành lần tìm về quê kiếm kế sinh nhai. Cũng tại quê nhà, ông Hùng nên duyên với cô gái Hoàng Thị Phượng. Cùng cảnh nghèo, sau ngày kết hôn, cả hai lao vào mưu sinh với hai bàn tay trắng. Trong khi vợ chạy chợ mua bán cá, rồi làm thuê ở chợ thì ông Hùng hết phụ hồ đến đạp xích lô, đi biển. Vậy nhưng cái nghèo khó cứ đeo bám đôi vợ chồng trẻ. Những đứa con của họ lần lượt chào đời khiến cuộc sống đã khó khăn càng thêm khốn khó. Ngoài ra, người mẹ già của ông bị tai biến nằm một chỗ cũng phải dựa hoàn toàn vào sự chăm sóc của vợ chồng con trai.
Ông Hùng bị di chứng căn bệnh sốt rét rừng khiến sức khỏe ngày càng giảm sút không thể làm được việc nặng. Khó khăn càng thêm chồng chất khi tai họa ập xuống đầu họ. Con trai cả của ông Hùng vì sức khỏe yếu, liên tục ốm đau không có tiền chạy chữa dứt điểm nên bị bệnh viêm phổi cấp. Đang học lớp 9, con trai ông phải bỏ ngang ở nhà vì không đủ sức khỏe đến trường.
Sau nhiều đêm suy nghĩ, năm 2004, ông Hùng quyết định mở tiệm bơm vá xe máy, xe đạp mưu sinh qua ngày. Vợ ông cũng bén duyên với quầy bánh mỳ lưu động cách nơi chồng mở tiệm không xa. Ônh Hùng tâm sự: “Công việc này tuy không cho thu nhập ổn định nhưng cũng đủ nuôi sống gia đình mấy miệng ăn. Có ngày, tôi kiếm được khoảng 200 ngàn đồng nhưng cũng có ngày không có đồng nào. Vợ tôi ngày cũng kiếm được 100 ngàn đồng. Cả hai vợ chồng cộng lại, chắt chiu tằn tiện chi dùng”.
Nghề bơm, vá xe chỉ cần vài đồ nghề đơn giản. Miếng keo vá, hai ống gỗ, vài cái ruột, lốp mua để dự trữ sẵn. Đắt tiền nhất phải kể đến là cái bơm máy ông mới dành dụm tiền mua lại của người ta cách đây 4 năm với giá 3 triệu đồng. “Làm nghề này thì phải siêng năng, kiên nhẫn mới mong kiếm được miếng ăn. Ngày nắng, ngày mưa chi cũng phải kiên trì ngồi ở tiệm để mong có khách vào bơm vá. Bơm 1 lốp xe thì 2 ngàn đồng, vá 1 lỗ thì 10 ngàn. Tôi chỉ thu bạc lẻ thôi nhưng cuối ngày cũng có tiền đong gạo, nếu mà không siêng năng và chịu khó thì chẳng theo nghề này được đâu”, ông Hùng tâm sự.
Niềm vui là giúp đỡ được người khác
Bơm, vá phiễn phí kể về tấm bảng hiệu có dòng chữ: “Học sinh, người tàn tật. Miễn phí”, ông Hùng cho hay đó là quyết định do tự ông đặt ra 12 năm qua. “Hồi đó con trai đầu tôi có sức khỏe yếu mà lại đi học xa bằng xe đạp. Có hôm nó đẩy bộ xe từ trường về nhà vì bị thủng săm mà trong túi lại không có tiền để vá. Nhìn con trai nằm thở dốc, tôi quyết định sẽ bơm, vá miễn phí cho mọi em học sinh vào tiệm của mình. Mấy đứa nhỏ đó cũng như con mình, lỡ nó cũng bị thủng săm mà không có tiền vá thì sao? Sau này, tôi thấy mấy chị đẩy xe lăn đi bán vé số còn cực hơn nên quyết định miễn phí thêm cho người tàn tật”, ông Hùng cười nói.
Tiệm bơm vá của ông Hùng cách không xa trường THPT Thái Phiên (quận Thanh Khê) và một ngôi trường THCS khác. Giờ tan học, khách hàng của ông chủ tiệm trở nên đông nghịt. Tiếng các cô cậu học sinh tíu tít liên tục gọi bơm vá, tiếng cảm ơn rồi tiếng cười rộn rã làm huyên náo một góc đường. “Tụi con học ở đây 3 năm, lúc nào xe hư đều nhờ chú Hùng sửa. Chẳng bao giờ chú chịu lấy tiền dù không phải lúc nào tụi con cũng hết tiền. Chú chỉ nhận lời cảm ơn của tụi con thôi à”, cô bé Linh Đan (học sinh lớp 12) hồ hởi.
Nhận những lời cảm ơn từ các cô cậu học trò, ông Hùng chỉ mỉm cười. Khách hàng quen của ông còn có hàng chục người khuyết tật bán vé số mưu sinh bằng xe lăn. Mỗi lần xe hư hỏng, thủng săm họ đều đến tiệm nhờ giúp đỡ. “Ban đầu tôi cũng ngại, chú không lấy tiền bằng người thường thì tôi đưa một nửa giá. Vậy mà tôi đưa tiền liền bị chú Hùng nạt. Chú nói nếu tôi còn làm vậy thì lần sau không giúp nữa”, chị Lê Thị Minh (trú phường Xuân Hà, Q. Thanh Khê) kể.
Ông Hùng tâm niệm việc làm của mình chỉ là hành động nhỏ để giúp đỡ người khác khó khăn hơn mình. Nhiều người coi ông bị khùng khi gia đình nghèo khó khăn lại bày đặt làm từ thiện. Cái tên Hùng “khùng” bơm vá miễn phí cũng theo ông từ đó. “Tôi có gì đâu mà làm từ thiện. Người ta làm việc thiện bằng cách giúp đỡ người nghèo hàng chục, hàng trăm triệu đồng để họ chữa bệnh, vượt lên số phận. Tôi chỉ giúp người bằng khả năng của mình mà thôi. Tôi miễn phí cho học sinh, người tàn tật thì ráng làm khuya thêm một chút để bù vào”, ông tâm sự.
Ngày làm việc của Hùng “khùng” thường bắt đầu từ khoảng 11h trưa sau khi phụ vợ bán bánh mỳ vào buổi sáng. Hơn 12 năm mưu sinh bằng nghề bơm vá xe, ông chưa từng nghỉ ngơi trừ những hôm mưa bão. Ngày mưu sinh của anh cũng kết thúc vào hơn 2h sáng. Tiệm bơm vá 325 Điện Biên Phủ cũng chưa bao giờ chặt chém khách ở bất cứ thời điểm nào. Ông nói chắc nịch: “Tôi bơm một lốp lấy 2.000 đồng, vá là 10.000 đồng một lỗ. Chưa bao giờ tôi lấy hơn giá đó. Mình làm ăn thì phải có uy tín chứ”.
Mỗi ngày, trở về căn hộ chung cư cho người thu nhập thấp thuê của TP Đà Nẵng khi người người đã ngon giấc, ông Hùng thanh thản nghỉ ngơi sau những giờ mưu sinh khó nhọc và cả niềm vui vì đã giúp được người khác... với anh, niềm vui sống trên đời chỉ giản đơn như thế.
Ông Hùng kể: “Có những hôm vừa trở về nhà chưa kịp tắm rửa, điện thoại tôi lại reo. Có khách đi làm khuya không may thủng xăm nhờ ra giúp đỡ. Họ gọi thì mình đi, ra vá xong họ đưa thêm tiền nhưng tôi kiên quyết từ chối”. Ông Hùng tự hào mình chưa bao giờ lợi dụng những lúc người khác gặp khó khăn để vụ lợi. “Cũng có một số người bày cách để tôi làm giàu. Họ mách chỉ cần mỗi ngày rải vài cái đinh trên đường thì sẽ khiến xe bị thủng săm, tha hồ vá. Gặp những người đó, tôi dù hiền lành cũng mắng ngay. Làm như vậy là thất đức, lỡ chẳng may có người bị thủng săm gấp không xử lý kịp sẽ xảy ra tai nạn ngay”, ông Hùng nói. |