Lao động trẻ em mưu sinh ở Thủ đô: Độc chiêu của “cái bang”

Đang độ tuổi đến trường các em phải bỏ học, bị đẩy ra đường kiếm tiền. Cuộc sống mưu sinh không chỉ cơ cực, đọa đày, nhiều em đã sớm bị đẩy vào tình cảnh đi lừa gạt để có tiền. Lần theo một “cái bang” trẻ tuổi, chúng tôi ngỡ ngàng khi biết được cả một “thế giới ngầm” trẻ mưu sinh ngay giữa Thủ đô Hà Nội.

Lao động trẻ em mưu sinh ở Thủ đô: Độc chiêu của “cái bang” - 1

Tuấn lê lết trên đường Phan Đình Phùng. Ảnh: T.G

Giả người khuyết tật lê la giữa phố xin tiền

Từ lâu, người dân sống ở phố Giải Phóng, phường Phương Mai, quận Đống Đa, đoạn đối diện với Trường đại học Xây dựng Hà Nội quen nhìn thấy hình ảnh một cậu bé mù khoảng 15- 17 tuổi ăn mặc rách rưới, bẩn thỉu đi xin ăn. Những gì người đi đường nhìn thấy thì đó là một cậu bé mù, đôi chân có tật, di chuyển rất khó khăn nên cậu lúc thì nằm sóng xoài, lúc thì ngồi bệt giữa dòng người qua lại, miệng há hốc, mắt trợn ngược quờ quạng. Khác với những người ăn xin khác, em không mở lời xin, không níu kéo, cứ ngồi vất vưởng đó, mặc nắng hay mưa, ai cho thì nhận.

Hình ảnh đứa bé mù lòa, khốn khổ ấy đã lay động lòng trắc ẩn của nhiều người đối với một cảnh đời không may mắn. Thế nhưng sự thật, rất nhiều người qua đường đã bị em nhỏ này lừa. Nếu không có sự bật mí của những gia đình sống cạnh ngã ba này, chúng tôi không thể tìm ra bí mật. Đối với những người dân ở đây, đề tài “đóng kịch” của cậu bé này đã trở nên nhàm chán. “Ối giời! Nó nằm đấy mấy năm rồi. Thằng đó “diễn” chuyên nghiệp lắm”, chị Phạm Thị Hương, nhà đối diện Bệnh viện Lão khoa Trung ương, đường Phương Mai, nói.

Để chứng thực lời nói của chị Hương, chúng tôi đã có mặt ở con phố này từ sáng sớm. Quả không sai, bắt đầu một ngày mới, “cái bang nhí mù lòa” thường nằm ở ngoài đường kia bước ra từ một quán phở ngay cạnh đó. Đôi mắt lanh lợi nhìn ngó xung quanh, nói chuyện với đám bạn một cách tự nhiên thoải mái, vẫn cái trang phục bẩn thỉu và khuôn mặt lấm lem ấy. Nửa giờ sau khi trở lại “nơi làm ăn” đôi mắt cậu bé trở nên đờ đẫn, quờ quạng, mặt méo xệch...

Hỏi thăm thì chẳng ai biết đứa bé đó ở đâu cả, chỉ nghe nằng nặng giọng miền Trung. Có điều chắc chắn đó là đứa trẻ bình thường, lành lặn chứ không có “vấn đề” như nó đang diễn trò ở ngoài kia.

Mặc cho cái nắng tháng 6 oi nồng, cậu bé vẫn nằm lì ở đó. Mỗi giờ cao điểm như đầu buổi sáng, cuối buổi chiều ít ra thiếu niên này cũng kiếm được vài trăm nghìn đồng. Trời chập choạng tối, chúng tôi theo chân “cái bang nhí” và đám bạn về khu vực Cầu Mới ( Ngã Tư Sở). Ở khu vực này có một xóm trọ tập trung hơn 30 người, hầu hết đều trong độ tuổi đi học cấp I, cấp II, kẻ đi ăn xin, đứa đánh giầy, đứa bán hàng rong. Lịch làm việc" hàng ngày của đám trẻ chia 3 ca theo giờ hành chính. Một ngày mới bắt đầu từ 6, 7 giờ sáng cho đến chiều tối. Ai chịu khó làm thêm ca đêm nữa thì tranh thủ ở các ngã tư đèn đỏ, quán cà phê, thậm chí đến các nơi nhiều bóng tối có các đôi yêu nhau đang tâm sự càng có tiền.

Trước đây, có hiện tượng chăn dắt trẻ em đánh giầy và ăn xin, nhưng bọn trẻ ở khu vực Cầu Mới xin được tiền không phải đóng bất cứ một thứ “thuế” nào cho bảo kê khu vực, ngoại trừ phải bỏ tiền ăn và tiền trú ngụ.

Em Hòa, 14 tuổi, quê ở Quảng Xương, Thanh Hóa cho biết, mới ra Hà Nội từ cuối tháng 4, theo lời “rủ rê” của mấy chị trong xóm. “Ở nhà khổ, không có ăn, nhiều bạn em cũng đi ra Hà Nội. Thấy bọn bạn đi làm có tiền, bố đi làm trong Nam, mẹ cũng ra Hà Nội làm “ô sin” ở phố Chùa Láng, em mới quyết định ra. Nhưng từ hôm ra em vẫn chưa gặp mẹ. Gặp em chắc mẹ bất ngờ lắm”, Hòa trả lời. Cùng trang lứa với Hòa còn có Long và Minh, tất cả đều mới hơn 10 tuổi, những “ma mới” này nhanh chóng có việc để làm theo sự dẫn lối của đàn anh, đàn chị có “thâm niên” kiếm tiền ở Hà Nội.

Kiếm tiền bằng sự...thương cảm

Lao động trẻ em mưu sinh ở Thủ đô: Độc chiêu của “cái bang” - 2

Kịch sĩ trẻ tuổi “diễn” ở ngã 3 Giải Phóng - Phương Mai.

Cứ 3 giờ chiều, Tuấn lại xuất phát từ khu vực vườn hoa Hàng Đậu đi kiếm ăn. Hôm thì Tuấn ngược đường Phan Đình Phùng lên hướng hồ Tây, hôm lại xuôi về phía hồ Hoàn Kiếm. Điều đáng nói là Tuấn bò lê lết dọc đường, hai tay bấu vào lòng đường và vỉa hè, lê cả thân người một cách nặng nhọc.

Tuấn bảo mình bị tai nạn liệt hai chân, mới vài năm nay bỗng thêm chứng quáng gà khiến thị lực rất kém, học hành bỏ dở. Theo lời kể của Tuấn, em quê ở huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc, thấy hoàn cảnh khó khăn được người cùng quê “bày mưu” xuống Hà Nội xin tiền.

Mỗi buổi chiều, Tuấn bò lê lết ở các điểm dừng đèn đỏ, với vẻ ngoài rách rưới, miệng ngậm túi nilon Tuấn kiếm được ít nhất vài trăm nghìn đồng/ngày. Chẳng phải mở lời cầu xin, nhưng Tuấn nhận được sự thương cảm của rất nhiều người qua đường. Người cho Tuấn 50.000 dòng kẻ 20.000 đồng, người ít cũng mở ví cho Tuấn 2.000 - 5.000 đồng.

Cách đây chừng 1 tháng, sau khi chúng tôi tỏ ý muốn biết rõ hơn về chấn thương của Tuấn, Tuấn vội nói: “Em đi xin một buổi này nữa thôi. Tối về 277 Phúc Tân nơi em ở trọ để dọn đồ, mai về quê. Đi thế này nguy hiểm và mệt lắm”. Tuy nhiên, cuối tuần vừa rồi, chúng tôi khá bất ngờ khi lại gặp Tuấn vẫn đang lê lết dọc đường Phan Đình Phùng. Hỏi Tuấn vì sao chưa về quê nhưng trong khi câu chuyện đang dở dang thì cậu ta biến mất trong đám đông chờ đèn đỏ.

Chúng tôi quyết định đến ngõ 277 đường Phúc Tân để tìm hiểu về Tuấn thì bà Oanh, chủ nhà cho thuê phòng trọ cho biết: “Ở khu này có một cháu tên Tuấn người Vĩnh Phúc nhưng không phải bị liệt. Nó hàng ngày đi đánh giầy, không phải ăn xin”. Người dân ở 277 đường Phúc Tân khẳng định không có em Tuấn nào vừa bại liệt, vừa bị quáng gà. Bà Oanh là chủ 4 phòng trọ cho dân lao động ngoại tỉnh thuê. Giá trọ mỗi tháng 450.000 đồng/người. Trong số những người thuê ở đây có những bà mẹ trẻ chỉ tối về ngả lưng, ngày đưa đứa con 4 tuổi bị thần kinh cùng đi bán hàng dạo. Nghe xong câu chuyện của Tuấn, bà Oanh bảo: “Dễ bị lừa rồi. Nói về khổ, khu này còn nhiều trẻ khổ hơn”.

Đến khu vực đường Phúc Tân, con đường chỉ cách mép nước sông Hồng vài chục mét, chúng tôi nhận ra những lời không thật thà của Tuấn. Nhưng bất ngờ hơn, địa phận mạn phải phía giáp sông Hồng của con đường Phúc Tân là một xóm trọ khổng lồ của những người ngụ cư từ tứ xứ đổ về. Trong đó, có rất nhiều trẻ em, đứa theo bạn bè rủ rê, đứa vì hoàn cảnh bố mẹ bỏ nhau, đứa bị bệnh… đã phải lìa bỏ gia đình, quê hương lao vào cuộc kiếm tiền quá sớm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hà Phương (Báo Gia đình & Xã hội)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN