Lao động nữ mang thai hộ được hưởng chế độ thai sản

Đây là khẳng định của bà Trần Thị Thúy Nga – Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ LĐTBXH) khi thông tin về những điểm mới trong Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014, ngày 25.1.

Theo đó, Ngoài vấn đề mở rộng đối tượng, thay đổi thời gian đóng, hưởng, cách chi trả tiền hưu trí… Luật BHXH năm 2014 cũng đã bổ sung một số điểm mới so với Luật BHXH hiện hành liên quan tới chế độ thai sản của lao động (LĐ) nữ mang thai hộ và LĐ nữ nhờ mang thai hộ.

Lao động nữ mang thai hộ được hưởng chế độ thai sản - 1

Bà Trần Thị Thúy Nga thông tin một số điều mới trong Luật BHXH năm 2014

Trả lời cho câu hỏi của phóng viên về việc, nếu mở rộng đối tượng chi trả chế độ thai sản cho LĐ nữ mang thai hộ liệu có làm mất cân bằng quỹ BHXH không, bà Nga khẳng định: “Về góc độ này chúng tôi đã tính toán, không có chuyện mở rộng việc chi trả cho đối tượng này mà gây ảnh hưởng lớn tới quỹ BHXH. Bởi, theo tính toán thì số lượng người mang thai hộ là không nhiều và số LĐ nữ mang thai có thể lại càng ít hơn. Ít nhưng mà khả năng có vẫn cao, chính vì thế vẫn phải bổ sung vào Luật để tất cả các LĐ nữ khi tham gia BHXH đều được hưởng quyền lợi như nhau”.

Nói về chế độ đóng BHXH, hưởng thai sản với nhóm LĐ nữ mang thai hộ, bà Nga cho biết thêm: LĐ vẫn được nhận tiền trợ cấp thai sản như bình thường, về thời gian nghỉ thai sản vẫn phải đảm bảo mức tối thiểu là 4 tháng, tối đa là 6 tháng nhằm đảm bảo sức khỏe cho người LĐ nữ mang thai hộ.

Trong trường hợp LĐ nữ nhờ mang thai hộ muốn tiếp nhận con sớm hơn (dưới 6 tháng) thì đơn vị BHXH cũng sẽ căn cứ vào đó để tính thời gian hưởng chế độ thai sản và thời gian nghỉ thai sản với LĐ nữ mang thai hộ và cả LĐ nữ (mẹ) nhờ mang thai hộ. Lúc này, nếu tiếp nhận con từ LĐ nữ mang thai hộ, LĐ nữ nhờ mang thai hộ sẽ được hưởng chế độ thai sản, thời gian nghỉ thai sản như với trường hợp LĐ nữ nhận con nuôi.

“Về cơ bản, chế độ thai sản, thời gian nghỉ thai sản của hai bà mẹ (người mang thai hộ, và người nhờ mang thai hộ) đều sẽ khác nhau. Tuy nhiên, nếu cả hai cùng tham gia BHXH thì cả hai đều sẽ được hưởng trợ cấp thai sản, thời gian nghỉ thai sản như quy định của Luật BHXH” – bà Nga khẳng định.

Một điểm mới khác được dư luận tán đồng trong Luật BHXH, liên quan tới thực hiện chế độ thai sản nữa chính là việc bổ sung quy định LĐ nam có vợ sinh con. Theo đó, tất cả LĐ nam tham gia BHXH đều sẽ được nghỉ 5 ngày làm việc trong trường hợp vợ sinh thường, 7 ngày làm việc với trường hợp là vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi. Sinh đôi thì được nghỉ 10 ngày làm việc, sinh 3 trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 3 ngày. Nếu vợ sinh đôi, phải phẫu thuật thì được nghỉ 14 ngày.

Trong trường hợp, chỉ có mình bố tham gia BHXH (mẹ không tham gia) thì BHXH sẽ tiến hành trợ cấp một lần.

Ngoài ra, Luật BHXH cũng quy định với trường hợp LĐ nữ khi mang thai mà phải nghỉ việc để dưỡng thai chỉ cần đóng BHXH đủ 3 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh thay vì phải đóng BHXH đủ từ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con như Luật BHXH hiện hành.

Luật BHXH năm 2014 cũng quy định, tăng quy định mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau một ngày bằng 30% mức lương cơ sở thay vì mức tính 25% như Luật BHXH hiện hành.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Nguyệt ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN