Lao động chui ở Nga: Đi dễ khó về

Tin vào lời hứa “đi nhanh”, việc nhàn, lương cao ổn định... nhiều thanh niên nông thôn nhanh chóng đến “miền đất hứa” với giấc mộng đổi đời. Sang đến nơi mới biết chuyến đi là sai lầm lớn, nhưng muốn về cũng đâu phải chuyện dễ.

Sau vụ cháy xưởng may ở Nga làm 14 người Việt thiệt mạng, chúng tôi tìm về thị xã Chí Linh (Hải Dương) và khu Phố Nối (thị trấn Bần, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên), những nơi có nhiều người đi lao động sang Nga bằng con đường tự do để tìm hiểu về hành trình thực hiện "giấc mộng đổi đời" của họ.

Không cần tiền cũng được đi Tây

Trở về nước sau 3 năm lao động chui ở nước Nga, chị Dương Thị Tâm ở Phố Nối (Hưng Yên) nhớ lại những ngày đầu tiên của giấc mộng đi Tây. Chị kể: "Học xong cấp 3, thi Đại học không đỗ, tôi ở nhà làm ruộng với gia đình. Thời điểm năm 2008, ở quê tôi có nhiều người đi xuất khẩu lao động, thường gọi là đi Tây. Nhà ai có người đi Tây đều oai lắm, đi đâu cũng được người ta kính nể. Rồi một người quen nói với tôi rằng họ có thể giúp tôi sang nước Nga làm ăn được, người ta lo cho hết chi phí, rồi sang bên đó làm ăn được thì trả sau. Người quen này vẽ cho tôi một tương lai khi qua nước Nga: Tạm thời chị sẽ đi làm thuê cho người ta, mức lương “10 tờ”/tháng (tức1.000 USD). Sau vài tháng có tiền tích lũy ra ngoài mua cửa hàng ở chợ Vòm mà buôn bán. Làng này nhiều người giàu to cũng vì buôn bán ở chợ Vòm đấy".

Chị Tâm cho biết, đúng như lời hứa của người quen, chị không mất đồng nào cũng có được tấm vé máy bay để sang Nga. Những người sang Nga như chị thường đi theo dạng du lịch, hoặc được người thân bảo lãnh sang chơi, thời hạn tối đa 3 tháng. “Sau này tôi mới biết, bọn môi giới lao động thường lợi dụng người quen, bạn bè, người nhà, cùng quê... giúp nhau sang làm ăn. Ban đầu họ sẽ lo hết mọi thủ tục, người lao động chỉ việc đi hoặc nộp một khoản tiền nhỏ rồi lên đường. Khi sang Nga mới biết  thực chất mình đi lao động bằng visa du lịch và đang là con nợ của số tiền thủ tục kia”.

Cũng giống như trường hợp của chị Tâm, chị Nguyễn Thị Liệu ở Chí Linh, Hải Dương (1 trong 14 nạn nhân thiệt mạng trong vụ cháy xưởng may hôm 11/9)  không tốn một đồng nào khi đi lao động ở Nga. Theo người nhà thì chị Liệu được một người quen đưa sang Nga theo con đường... trông trẻ, tất cả thủ tục đi lại chị không mất một đồng. Với suy nghĩ “đi dễ thế tội gì không đi” nên mặc dù đã có chồng con nhưng chị vẫn dứt áo ra đi với giấc mộng làm giàu. Ai cũng nghĩ rằng, chị Liệu may mắn vì có người quen giúp đỡ, sang bên đó chỉ việc trông trẻ, việc nhàn mà lương cao. Chỉ đến khi biết tin chị Liệu chết trong vụ cháy ở xưởng may chui tại Nga, dân làng mới biết chị sang đó làm công nhân xưởng may chứ không phải trông trẻ.

Tiến thoái lưỡng nan

Chị Tâm cho biết, những người sang Nga như chị sau khi được đón từ sân bay về nơi ở sẽ được thông báo về số tiền nợ khoảng 50 đến 70 triệu đồng. Đây là số tiền mà người quen giúp đỡ họ mua vé máy bay và làm thủ tục để sang Nga. Nhiều người lúc đó mới giật mình, hóa ra là họ không hề cho không như mình tưởng. Có người chẳng biết kêu ai vì lúc đi người ta nói rằng, thủ tục tiền bạc họ lo cho, sang bên Nga làm việc trả sau cũng được. “Nghe ngọt tai, không ai để ý từ “trả sau cũng được”, bấy giờ mới thấm thía chữ “trả sau” nó làm khổ người ta như thế nào", chị Tâm chia sẻ.

Theo chị Tâm, chỉ có những công ty “đen” mới tuyển lao động theo cách này, còn những công ty hợp pháp họ làm ăn rất đàng hoàng vì luật pháp ở Nga khá nghiêm ngặt. Điều đáng nói là khi người lao động sang đến nơi, mọi thỏa thuận miệng trước đây về lương, thưởng, nơi ăn chỗ ở... "bay" hết, tiền công, nơi ăn ở của họ lúc này tùy thuộc vào ý thích của chủ lao động. Tất cả giấy tờ tùy thân của họ cũng bị chủ lao động thu hết nên cuộc sống của họ phụ thuộc hoàn toàn vào chủ lao động.

Hầu hết những người mới sang Nga đều có tâm lý “vỡ mộng”, vì thực tế đối lập hoàn toàn với những gì họ tưởng tượng ban đầu. Nhiều người muốn về ngay, nhưng về thì phải nộp hết tiền nợ, phải có tiền mua vé máy bay. “Hầu hết lao động sang Nga như tôi hoàn cảnh gia đình khó khăn, từ những miền quê nghèo của các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Thanh Hóa, Nghệ An... thì có bán nhà ở quê đi cũng không đủ tiền cho chúng tôi về”, chị Tâm kể.

Trong khi đó, vợ chồng anh Sơn, chị Thu ở Hải Dương, cùng làm ở xưởng may với chị Tâm lại phải nộp trước 80 triệu đồng cả tiền đóng cọc, tiền thủ tục để đi Nga do không có người quen giới thiệu. Sang đến nơi, biết mình bị lừa, có người thân ở Nga hứa giúp tiền để trốn về nước nhưng anh chị lại không dám về. Bởi để có được 80 triệu, sổ đỏ, ruộng vườn anh chị đều mang đi cầm vay lãi ngày, giờ về thì mất tất.

Chúng tôi hỏi chị Tâm đã bao giờ nói với gia đình về nỗi khổ của mình và đề đạt nguyện vọng muốn về nhà ngay chưa? Chị nói rằng, chị cũng như mọi người đi Nga, khi gọi điện về cho gia đình, không ai dám cho gia đình biết hoàn cảnh thực mình đang phải chịu, sợ ở nhà lo lắng. Với lại tâm lý của người Việt, đã ra đi, không ai muốn về tay không, chịu cảnh nợ nần. Hơn nữa, nếu có về nước cũng không làm cách nào mà trả hết nợ được, lại khổ lây đến người thân. Thôi thì cố một vài năm kiếm đủ tiền rồi về dù biết những tháng ngày trước mắt sẽ rất khó khăn, có khi đánh cược cả tính mạng với cuộc sống "tù đày"...

-------------------------------

Đón đọc kỳ tiếp theo: Lao động chui ở Nga: Kiếp "tù đày" vào 15h00 Chủ nhật, 23/9/2012.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Dương Tùng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN