“Lao động chui làm mất hình ảnh đất nước”
“Sang bên kia gây mất đoàn kết, để rồi mất hình ảnh không chỉ riêng lao động, mà còn mất hình ảnh đất nước Việt Nam”.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu như vậy tại phiên chất vấn Bộ trưởng Lao động - Thương binh - Xã hội (LĐTBXH) Phạm Thị Hải Chuyền sáng 14/6.
Quản chặt công ty xuất khẩu lao động
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, xuất khẩu lao động là chủ trương ngắn hạn, mang tính thời vụ. Nhưng trong điều kiện hiện nay, không phải là thời gian một, hai năm, mà còn dài dài...
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh vai trò của xuất khẩu lao động, để giải quyết đời sống, giảm nghèo ở trong nước, tăng thu nhập. Ngoài ra, xuất khẩu để rèn luyện, tăng kỹ năng lao động, trở về làm công nghiệp hóa, hiện đại hóa nước ta tốt hơn.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề, cần bảo đảm xuất khẩu lao động có chất lượng, có thu nhập, thực hiện được pháp luật nước ta và nước bạn thật tốt.
Gần đây, nhiều công ty xuất khẩu lao động mở ra, cần quản lý chặt loại hình công ty này. Đi theo đó, quản lý cho được xuất khẩu lao động chui, tìm cách móc ngoặc visa, đưa lao động đi sang nước ngoài.
“Sang bên kia gây mất đoàn kết, để rồi mất hình ảnh không chỉ riêng lao động, mà còn mất hình ảnh đất nước Việt Nam”, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng
Theo Chủ tịch Quốc hội, cần tổ chức liên kết đơn vị xuất khẩu lao động – đào tạo lao động và nước ngoài để tổ chức đào tạo ngay trong nước, bảo đảm chất lượng trước khi xuất khẩu.
Đào tạo cho người lao động biết, nghề, tiếng, văn hóa, và pháp luật của nước bạn. Nếu bốn việc này không làm tốt, xuất khẩu sẽ thất bại.
Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, phải quản lý lao động ở nước ngoài tốt, để có bất cứ chuyện gì, nước ta chịu trách nhiệm trước nhà nước của họ.
Phải biết... mới đi
Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Phạm Thị Hải Chuyền, Đại biểu Ly Kiều Vân ở Quảng Trị đặt vấn đề người Việt Nam làm việc bất hợp pháp tại nước ngoài.
Hiện nay, Bộ LĐTBXH mới đang giải quyết số lao động làm việc ở Ả rập Xê út. Còn đối với các nước khác, bộ cho rằng đều thực hiện các biện pháp để người lao động được hưởng các quyền và lợi ích hợp pháp. Trong khi đó việc xử lý và giải quyết vấn đề này ở các nước là hoàn toàn khác nhau. Xin Bộ trưởng cho biết hướng giải quyết về vấn đề này như thế nào?
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền nhắc lại câu hỏi: Chắc đại biểu muốn hỏi trách nhiệm của Bộ LĐTBXH trong quản lý lao động ở nước ngoài và quan điểm của Bộ về xử lý vấn đề đối với người lao động ở nước ngoài thế nào?
Bà Chuyền cho biết, hiện nay nước ta có khoảng 500 nghìn lao động đang làm ở các nước. Thời điểm này, chỉ có 8 ban quản lý lao động ở các nước, phần đông là các cơ quan đại diện ngoại giao ở các nước có trách nhiệm quản lý, bảo vệ quyền lợi cho người lao động.
Trong quy định về đưa lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, luật đã quy định rất rõ trách nhiệm của doanh nghiệp.
Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Phạm Thị Hải Chuyền
Doanh nghiệp phải đưa người ta đến, thực hiện theo đúng hợp đồng, khi người lao động có vấn đề bản thân doanh nghiệp đó phải tự tháo gỡ đối với doanh nghiệp anh đã ký hợp đồng. Nếu không thực hiện được phải báo cáo đại sứ quán hoặc tổ chức đại diện của Việt Nam tại nước ngoài để cùng phối hợp, xem xét, giải quyết.
Chính vì vậy, trong những năm gần đây tình trạng lao động không được thực hiện đầy đủ các hợp đồng cũng như lao động do bị một số chủ có việc làm không đúng chúng ta đều có can thiệp và cơ bản đều được giải quyết và xử lý.
Nhưng thực trạng một số người lao động không đi theo đường quy định. Chính vì vậy không cấp phép nên không được theo dõi, không biết doanh nghiệp nào.
Bộ trưởng khuyên người lao động khi quyết định mang sức lao động của mình đi làm cho tổ chức hoặc cá nhân nước ngoài, phải biết họ là ai và quyền lợi của mình đến đâu hãy đi. Nếu khi đến nước bạn làm việc mà không thực hiện được hợp đồng, lúc đó rất khó khăn và Chính phủ không muốn điều đó.