Lạnh người giữa làng biển hoang tàn do sạt lở đất triền miên ở TT-Huế
Mưa lũ, gió lớn, triều cường dồn dập nhiều ngày qua đã làm gia tăng tình trạng sạt lở bờ biển trên chiều dài hơn 1.000 mét thuộc xã Phú Thuận (huyện Phú Vang, tỉnh TT-Huế). Cả một vùng bờ biển sầm uất một thuở nay vắng lặng, hoang tàn, nhiều nhà cửa bị sóng lớn phá hủy như vừa trải qua một cơn động đất.
.
Vùng bờ biển Tân An (xã Phú Thuận, huyện Phú Vang, TT-Huế) từng được đầu tư kè chắn sóng. Đây cũng là nơi quần cư của nhiều thế hệ dân làng làm nghề khai thác, chế biến, nuôi trồng hải sản, dịch vụ du lịch...
Tuy nhiên, tình trạng xâm thực, sạt lở diễn ra trên phạm vi rộng, kéo dài qua hơn 1km bờ biển tại Phú Thuận đã biến dải đất đông đúc cư dân sinh sống một thuở trở thành nơi nguy hiểm nhất của xã.
Nạn sạt lở khiến người dân lần lượt rời bỏ nơi sinh sống bao năm để chuyển đến tạm cư ở khu vực an toàn hơn.
Theo lãnh đạo xã Phú Thuận, khu vực Tân An là nơi có nguy cơ sạt lở bờ biển cao nhất của tỉnh TT-Huế. Tại khu vực sạt lở, bờ biển và bờ phá Tam Giang chỉ còn ở khoảng cách mong manh chừng 500 mét. Những ngày triều cường, sóng biển dâng cao chảy tràn vào khu dân cư.
Trên dải đất hẹp thôn Tân An này hiện vẫn còn nhiều hộ dân sinh sống. Mùa mưa bão năm nay, vùng bờ biển thôn Tân An lại xảy ra sạt lở dữ dội, đất ở lại bị thu hẹp.
Người dân, lực lượng chức năng thường xuyên ứng phó với nạn sạt lở theo các giải pháp tạm thời là hàn khẩu những vị trí sạt lở bằng hàng trăm bao tải chứa cát. Tuy nhiên, giải pháp mang tính tình thế này khó lòng giữ vững dải bờ biển mong manh đang bị sóng lớn khoét sâu từng ngày vào bên trong.
Nhà cửa sập đổ ngổn ngang.
Hệ thống trụ điện hạ thế bị uy hiếp.
Theo người dân địa phương, trước đây, khoảng cách từ khu dân cư ra đến mép biển lên đến 200 mét. Tuy nhiên, theo thời gian, biển ngày càng xâm thực, ăn sâu vào đất liền. Có những ngôi nhà, như trạm ươm nuôi giống thủy sản này, giờ chỉ còn cách mép sóng không xa.
Theo ông Đặng Tiến Tùy, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận, ngoài thôn Tân An, trên địa bàn còn có một số khu vực ven biển bị sạt lở như thôn Trung An, Xuân An và An Dương 3. Biển xâm thực ăn sâu vào đất liền đã gây ảnh hưởng đến khoảng 500 hộ dân Phú Thuận, cùng các khu vực bãi tắm, khu du lịch và hệ thống hạ tầng thiết yếu ven bờ.
Ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh TT-Huế cho biết, thời gian qua, bằng nhiều nguồn vốn, tỉnh đã đầu tư kè chống xói lở bờ biển với chiều dài 3,2 km. Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục triển khai các dự án chỉnh trị, nạo vét luồng lạch, cửa biển; xây kè chống sạt lở tại các điểm xung yếu; rà soát, di dời dân cư khu vực có nguy cơ sạt lở nguy hiểm… Theo ông Hùng, Sở NN&PTNT tỉnh cũng đã đề xuất UBND tỉnh đầu tư xây dựng kè chống sạt lở ở các đoạn sạt lở xung yếu, với mức kinh phí hơn 1.336 tỷ đồng.
Trận lốc xoáy sáng 27-10 khiến 44 ngôi nhà của người dân huyện Tư Nghĩa bị hư hỏng, tốc mái; 490 hộ huyện Trà Bồng bị...
Nguồn: [Link nguồn]