“Lãnh đạo tín nhiệm thấp đã thấy vấn đề”

“Một số vị lãnh đạo “tín nhiệm thấp” tại đợt lấy phiếu tín nhiệm trong kỳ họp Quốc hội vừa qua đã nhận thấy vấn đề của mình và thể hiện rõ sự tiếp thu”.

Đó là ý kiến của Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Chu Sơn Hà bên lề kỳ họp thứ 7, HĐND thành phố Hà Nội khai mạc sáng 1/7.

Tại kỳ họp thứ 7, HĐND Thành phố Hà Nội sẽ tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với 18 người giữ chức vụ do HĐND Thành phố bầu.

Trao đổi với báo chí, ông Chu Sơn Hà cho biết, tất cả đại biểu HĐND thành phố đều nghiên cứu kỹ về báo cáo của các chức danh. Thậm chí mỗi đại biểu có cách giám sát riêng để đánh giá khách quan 18 chức danh sắp bỏ phiếu tin nhiệm vào ngày 4/7 tới.

Trả lời câu hỏi của PV về có báo cáo nào thẳng thắn nhận lỗi cũng như trách nhiệm của mình trong công tác quản lý? Ông Hà cho rằng, chắc chắn trong những mặt tồn tại của Thành phố mỗi cá nhân lãnh đạo đều có phần trách nhiệm. Trong báo cáo của họ có kiểm điểm phần làm được, phần chưa làm được...

“Nghiên cứu 18 báo cáo của các vị lấy phiếu tín nhiệm, tôi thấy đầy đủ quá trình công tác và quá trình rèn luyện phầm chất đạo đức. Tôi không đặt vấn đề đề nghị ai báo cáo thêm cả”, ông Hà nói.

Vị Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội cho biết, tại kỳ họp Quốc hội vừa kết thúc ngày 21/6, có tổng số 498 đại biểu nhận được báo cáo của các thành viên Chính phủ và đối tượng lấy phiếu tín nhiệm. Tuy nhiên, chỉ có một đại biểu đề nghị có báo cáo bổ sung của chức danh được lấy phiếu. Còn ở HĐND Hà Nội kỳ này, ông chưa thấy đại biểu nào yêu cầu báo cáo bổ sung.

PV đặt vấn đề: Có nên để 3 mức tín nhiệm gồm: Tín nhiệm cao; tín nhiệm; tín nhiệm thấp như ở Quốc hội vừa làm, hay chỉ nên đề ra 2 mức gồm tín nhiệm cao và tín nhiệm thấp?

Ông Hà cho rằng, tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, nhiều ý kiến của ĐB đề nghị để 3 mức tín nhiệm, sau đó Quốc hội cũng ban hành nghị quyết lấy tím nhiệm ở 3 mức trên. Do vậy, ông Hà cho rằng, không cần bàn nhiều đến việc này.

Ông Chu Sơn Hà cho biết thêm, đợt lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội vừa rồi, kết quả đều quá bán, đạt trên 50%.

“Tuy nhiên, một số vị có tín nhiệm thấp đã tiếp thu và nhận thấy vấn đề của mình. Cụ thể sự tiếp thu thế nào, xin cho tôi miễn nói ở đây, nhưng họ đã thể hiện sự tiếp thu rõ ràng”.

Phát biểu trước HĐND Thành phố Hà Nội sáng nay (1/7), Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cũng coi đây là công việc quan trọng.

Theo ông Phạm Quang Nghị, người được đánh giá coi đây là thử thách phải trải qua, đồng thời là cơ hội để hiểu rõ hơn về uy tín và trách nhiệm của mình trước công việc và lĩnh vực được giao phụ trách.

Bí thư nhấn mạnh, kết quả việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ là kênh thông tin quan trọng để Thành ủy xem xét, đánh giá, quy hoạch bố trí và sử dụng cán bộ.

Ông Phạm Quang Nghị đề nghị, việc xem xét, đánh giá các chức danh phải thận trọng, công tâm, khách quan, căn cứ năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao và phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống cá nhân của cán bộ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Dương Tùng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN