Lãnh đạo nghiêm khắc thì ai dám đưa quà

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Lê Như Tiến trò chuyện với Tiền Phong xung quanh câu chuyện tặng quà ngày Tết.

“Ngày nay, quà tặng nhiều biến tướng, có khi mang ý nghĩa một sự trao đổi, có đi có lại” - ông Lê Như Tiến chia sẻ.

Quà tặng đã bị biến tướng

Thưa ông, có phải vì lâu nay quà tặng có những biến tướng, hàm ý sự xin - cho, thậm chí là sự trao đổi nào đó, nhất là giữa cấp dưới và cấp trên. Vì thế, dịp Tết năm nay Ban Bí thư lại nhắc nhở, yêu cầu cấp dưới không tặng quà cấp trên, không tổ chức để cấp trên về các địa phương chúc Tết?

Thường quà tặng mang ý nghĩa tốt, xuất phát từ tấm lòng của con người với nhau. Nhưng điều đáng lo hiện nay, quà tặng đã mang nhiều ý nghĩa khác. Đây không phải lần đầu tiên các cơ quan của Đảng, Nhà nước có văn thư nhắc nhở việc này và đã nhiều lần chúng ta ra các quy định cấm dùng tiền công quỹ, ngân sách để biếu quà cấp trên, đặc biệt trong dịp Tết.

Thậm chí, dùng tiền cá nhân để tặng quà cấp trên cũng không được. Trước kia, “đồng quà tấm bánh” rất ý nghĩa, nó thể hiện sự biết ơn, mang ý nghĩa tình cảm, nhưng bây giờ khác rồi, tặng quà là biếu xén, để giải quyết một việc gì đó, thậm chí hối lộ trá hình bằng quà Tết. Ngày xưa tặng nhau cành đào, cây quất, cuốn lịch rất ý nghĩa, bao nhiêu tình cảm gửi gắm trong quà.

Bây giờ quà trở thành giá trị vật chất lớn, có người ngày Tết mà tặng quà nhau mấy chục ngàn USD, tặng chai rượu ba bốn mươi năm, trị giá hàng chục triệu đồng hoặc quà vật chất trị giá hàng trăm triệu đồng. Cái đó, không còn là quà tặng nữa, mà là vật chất để trao đổi nhiều hơn.

Tôi trao gửi quà cho anh vì anh đã làm cho tôi việc này việc kia, ý nghĩa tinh thần, tình cảm không còn nữa. Quà chỉ còn mang ý nghĩa vật chất, sự trả ơn cho những thứ anh đã cho tôi như đã thăng chức, đã tạo điều kiện cho tôi làm ăn. Đấy không phải là sự trả ơn bình thường, mà là sự trả ơn mang tính chất vụ lợi, là một loại lợi ích nhóm.

Tôi nghĩ, Ban Bí thư đưa ra quy định này rất kịp thời. Chúng ta không thể để một ai đó dùng tiền công qũy nhà nước làm quà tặng biếu xén. Ở đây, Ban Bí thư chỉ rõ là cấp dưới không đến tặng quà cấp trên.

Thưa ông, tại sao việc tặng quà Tết vốn rất ý nghĩa lại bị lợi dụng trở thành xấu như vậy, điều đó khiến ông suy nghĩ gì?

Quy định của Ban Bí thư còn có ý nghĩa nhắc nhở chúng ta phải gương mẫu hơn, tự nhìn lại mình nhiều hơn. Trong lúc đất nước đang rất khó khăn, đang tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí và gần đây chúng ta đã đưa một số vụ án lớn ra xét xử thì việc nhìn nhận lại mình trong lúc này không chỉ để lấy lại lòng tin với nhân dân, mà còn là một sự cảnh tỉnh trong mỗi chúng ta.

Tại sao cứ đến Tết, các đơn vị, cấp dưới nào cũng phải lên tặng quà cấp trên? Vì nếu không lên thì dường như là sau này cấp trên sẽ không để ý đến mình nữa. Đấy là câu chuyện có dư vị buồn “có đi có lại” chứ không còn là “đồng quà tấm bánh” mang ý nghĩa tình cảm. Nếu không vì tình nghĩa mà coi quà tặng là điều kiện ràng buộc lẫn nhau thì cái đó phải nghiêm khắc lên án.

Quy định của Ban Bí thư rất đúng, vấn đề còn lại là thực hiện. Có chỉ thị rồi phải đề cao việc thực hiện, có cơ chế kiểm soát việc thực hiện chỉ thị ấy. Phải làm sao để nó trở thành hiện thực, ai vi phạm cũng phải bị xử lý, đó mới là khâu quan trọng nhất.

Lãnh đạo nghiêm khắc thì ai dám đưa quà - 1

Lo quà Tết còn là gánh nặng của nhiều người. Ảnh: HV.

Phải nghiêm khắc với chính mình 

Trong khi cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực còn rất khó khăn bởi nó rất tinh vi, len lỏi mọi ngóc ngách cuộc sống, việc tặng quà là để trục lợi. Vậy có biện pháp nào để ngăn chặn việc này không, thưa ông?

Trước hết, đã là chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng, cán bộ, đảng viên, đặc biệt người ở vị trí cao phải thực hiện nghiêm. Nếu người lãnh đạo nghiêm khắc, từ chối quà tặng đó và không tiếp thì ai còn dám tặng quà anh. Bởi vì không có cầu thì không có cung. Nếu cấp trên vẫn còn vui vẻ nhận quà thì người ta vẫn còn dám mang quà đến.

Và nếu cấp trên, nếu thủ trưởng từ chối, dứt khoát đề nghị mang về và còn cảnh cáo người tặng quà nữa, vì cán bộ đó đã vi phạm chỉ thị của Ban Bí thư, thì có cán bộ nào dám tặng quà không?

Cấp trên phải gương mẫu, cán bộ đảng viên cũng phải thực hiện nghiêm chỉ thị không mang quà Tết đến nhà lãnh đạo. Phải đồng thời có cơ chế, cơ quan theo dõi, giám sát xem chỉ thị có được thực hiện đến nơi đến chốn không, có hiện tượng ấy xảy ra nữa không? Có nhiều biện pháp để ngăn chặn việc tặng quà cấp trên, nhưng cao nhất là thái độ kiên quyết của người nhận quà.

Lãnh đạo nghiêm khắc thì ai dám đưa quà - 2

  Ông Lê Như Tiến.

Lâu nay Đảng và Nhà nước đã có quy định ngăn chặn hành vi lợi dụng việc tặng quà để tiêu cực, vì sao ít thấy quan chức nộp lại quà biếu, thưa ông?

Nếu công khai danh tính, nộp lại quà thì ai cũng ngại, cũng xấu hổ về việc làm của mình. Vấn đề là mình có dám làm, thực sự muốn làm hay không

Ông Lê Như Tiến

Không phải bây giờ chúng ta mới nói tới điều này. Chúng ta nên khuyến khích và quy định rõ nếu như được tặng quà mà không tiện từ chối, hoặc người ta cứ để lại gia đình thì có cơ chế nộp lại quà; hoặc công khai danh tính người đưa quà thì chắc sẽ không còn ai dám mang quà đến nữa. Vì nếu công khai danh tính, nộp lại quà thì ai cũng ngại, cũng xấu hổ về việc làm của mình. Vấn đề là mình có dám làm, thực sự muốn làm hay không.

Tôi biết, trước đây từng có một đồng chí lãnh đạo cao cấp sau Tết đã nộp lại quà tặng cho cơ quan nhà nước hàng tỷ đồng gồm cả quà và tiền mặt. Đó là một tấm gương.

Cán bộ lãnh đạo hãy làm một tấm gương như vậy. Tất nhiên trả lại quà là vấn đề nhiều tế nhị, có khi người ta không muốn nêu tên người tặng, không muốn trả lại quà.

Có trường hợp không biết được người tặng, vì người ta đưa theo đường “tiểu ngạch” cho vợ hay người thân, nên cũng khó. Chỉ thị muốn đi vào cuộc sống thì phải có biện pháp đi kèm để thi hành, thực hiện.

Có quan điểm cho rằng, việc trả lại quà lâu nay không được cảm thông có khi người ta lại có những suy diễn về việc làm này?

Đúng là thời gian qua chỉ có một số ít người trả lại quà thì người ta lại cho là không bình thường, hoặc cho là ông ấy chỉ làm ra vẻ liêm khiết thế thôi. Thậm chí người ta còn coi là lập dị. Cho nên vấn đề phải là ý thức của người nhận quà, tức là lãnh đạo, cấp cao hơn người đưa quà.

Thứ hai họ phải có ý thức: Đã có chỉ thị thì không nhận hoặc phải trả lại, hoặc sau đó tổng hợp lại để gửi cơ quan chức năng. Nếu mình vui vẻ nhận, người kia vui vẻ đưa thì chỉ thị không bao giờ trở thành hiện thực.

Cảm ơn ông!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Tuấn (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN