Lãnh đạo Khơ-me Đỏ thừa nhận trách nhiệm
Nuon Chea nhận trách nhiệm sau khi Thủ tướng Campuchia Hun Sen tuyên bố muốn trừng phạt những người phủ nhận tội ác trong chế độ Khơ-me Đỏ.
Ngày hôm qua, nhân vật số 2 của Khơ-me Đỏ lần đầu tiên thừa nhận trách nhiệm đối với những tội ác mà chế độ này đã gây ra trong cuối thập niên 1970 khiến 2 triệu người Campuchia thiệt mạng.
Trong phiên tòa xét xử tội ác chiến tranh do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn, Nuon Chea năm nay 86 tuổi một mực phủ nhận các cáo trạng tội phạm chiến tranh, diệt chủng và tội ác chống lại loài người.
Nhân vật số 2 của Khơ-me Đỏ Nuon Chea tại tòa án
Tuy nhiên, ngày 30/5, Nuon Chea đã lên tiếng: “Tôi không tìm cách xóa bỏ trách nhiệm của mình. Là một nhà lãnh đạo, tôi phải nhận trách nhiệm cho những thiệt hại và hiểm họa đối với đất nước tôi”, đồng thời bày tỏ “lời chia buồn sâu sắc nhất” tới các nhân chứng tại tòa đã mất đi người thân trong thời kỳ diệt chủng của chế độ Khơ-me Đỏ.
Đồng thời, Nuon Chea cũng nói rằng với vai trò phụ trách tuyên truyền và giáo dục, ông ta không biết hết được mọi hành động của Khơ-me Đỏ. Ông ta nói: “Đối với cơ quan điều hành, tôi không hề có chút quyền lực nào. Thế nên với những gì đã xảy ra trong thời kỳ Khơ-me Đỏ, có những thứ tôi nhận thức được, nhưng có những thứ tôi không hề biết chút gì.”
Nuon Chea đưa ra những phát biểu này sau khi Thủ tướng Campuchia Hun Sen tuyên bố trước Quốc hội hôm thứ Hai rằng ông muốn có điều luật trừng phạt những người phủ nhận tội ác trong chế độ Khơ-me Đỏ.
Nuon Chea, lãnh đạo cao cấp nhất của Khơ-me Đỏ còn sống cho đến nay hiện đang phải ra tòa cùng cựu Chủ tịch nước Khieu Samphan, 81 tuổi, người cũng một mực phủ nhận cáo buộc tội phạm chiến tranh, diệt chủng và tội ác chống lại loài người.
Phát biểu trước tòa hôm thứ Năm, Khieu Samphan nói rằng thời đó ông ta không ý thứ được “nỗi đau khổ lớn lao” của người dân Campuchia dưới sự cai trị của Khơ-me Đỏ. Ông này cũng bày tỏ “lời xin lỗi chân thành” tới các nạn nhân của tội ác diệt chủng Khơ-me Đỏ.
Chế độ Khơ-me Đỏ tồn tại từ năm 1975 đến 1979 đã khiến gần một phần tư dân số Campuchia thiệt mạng vì đói ăn, lao động khổ sai hoặc bị hành hình.