Lãnh đạo Cục Cảnh sát PCCC: "Bình cứu hỏa tạo hiệu quả như MBH"
Đại tá Đoàn Hữu Thắng - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và Cứu nạn, cứu hộ tin rằng, quy định bắt buộc trang bị bình cứu hỏa với xe ô tô sẽ mang lại hiệu quả tích cực như quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm.
Như tin đã đưa, thông tư 57/2015 của Bộ Công an về quy định trang bị thiết bị PCCC cho phương tiện cơ giới đường bộ chính thức có hiệu lực kể từ ngày 6.1. Theo đó, ô tô 4 chỗ ngồi trở lên bắt buộc phải trang bị bình cứu hỏa... Phương tiện không trang bị hoặc trang bị không đầy đủ sẽ bị xử phạt thấp nhất là 300 nghìn đồng.
Sau khi Thông tư 57 có hiệu lực, thị trường bình cứu hỏa hiện đang rất “nóng”. Giá bình cứu hỏa cho ô tô đội giá nhiều lần, thậm chí có nơi “cháy” hàng. Lực lượng chức năng cũng phát hiện bình cứu hỏa nhập lậu chưa qua kiểm định số lượng lớn...
Hiện có nhiều ý kiến trái chiều về Thông tư 57 như, có nhất thiết trang bị bình cứu hỏa vì nếu cháy ô tô đã có bảo hiểm chi trả, hay chưa thể mua bình cứu hỏa vì “cháy” hàng thì có bị xử phạt hay không…
Để giải đáp thắc mắc của độc giả, PV đã có cuộc trao đổi với đại tá Đoàn Hữu Thắng – Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và Cứu nạn, cứu hộ xung quanh vấn đề này.
Đại tá Đoàn Hữu Thắng khuyến cáo người dân không nên mua bình cứu hỏa chỉ để chống chế lực lượng chức năng
Thưa đại tá, một số ý kiến cho rằng, việc cháy xe ô tô là rất hi hữu, hơn nữa khi ô tô bị cháy thì đã có bảo hiểm lo nên không nhất thiết phải trang bị bình chữa cháy. Ông có đánh giá thế nào về điều này?
Đại tá Đoàn Hữu Thắng: Tôi không đồng tình với ý kiến cho rằng, việc cháy xe ô tô là hi hữu. Chúng tôi vừa tổng kết công tác PCCC, trong năm vừa qua (từ 21.11.2014 – 20.11.2015) xảy ra 182 vụ cháy ô tô và xe máy. Trong thời gian từ năm 2011 đến 2015 cả nước xảy ra hơn 600 vụ cháy phương tiện ô tô, bình quân mỗi năm xảy ra 122 vụ cháy ô tô. Ô tô hiện cháy nhiều hơn xe máy.
Thực tế, đã xảy ra nhiều vụ cháy nổ phương tiện giao thông cơ giới rất thương tâm, nhiều người chết hoặc gây nguy hiểm như vụ cháy nổ ở Đại Bái… Gần đây nhất là vụ cháy xe taxi nghiêm trọng trong hầm đèo Hải Vân.
Nếu như ngọn lửa mới phát sinh, tài xế kịp thời phát hiện và dùng bình cứu hỏa trang bị sẵn dập ngay thì rất hiệu quả, trước hết là bảo vệ được con người và thứ hai là tài sản. Bình chữa cháy chỉ có giá trên dưới 100 nghìn đồng nhưng giá ô tô thì từ vài trăm triệu đến vài tỷ đồng.
Nếu nói cháy xe có bảo hiểm lo rồi cần gì bình cứu hỏa thì chúng ta phải xem xét mục đích của Thông tư.
Thông tư 57 có 2 mục đích, trong đó mục đích lớn nhất là nhằm bảo vệ an toàn, tính mạng cho người dân khi ngồi trên xe ô tô, bảo vệ tài sản của chủ phương tiện. Đây là mục đích cao cả nhất của thông tư này.
Thứ hai, thông tư nhằm tăng cường công tác quản lý Nhà nước về PCCC đã được luật pháp quy định. Trong các văn bản quy phạm pháp luật, có giao trách nhiệm cho Bộ Công an hướng dẫn quy định trang bị phương tiện PCCC cho các phương tiện giao thông cơ giới.
Lực lượng chức năng trước mắt sẽ tập trung tuyên truyền, nhắc nhở và chưa xử phạt chủ phương tiện không trang bị bình chữa cháy.
Sau khi thông tư có hiệu lực, có nhiều tài xế không “mặn mà” với việc trang bị bình chữa cháy, mua bình chỉ để chống chế khi bị kiểm tra, đại tá có ý kiến gì về vấn đề này?
Chúng tôi khuyến cáo người dân khi đứng trước một chính sách mới nên bình tĩnh xem xét. Trên thị trường có nhiều nơi bán hàng không đảm bảo chất lượng, không dán tem kiểm định thì không nên vội mua.
Chúng ta mua bình là để chấp hành quy định nhưng trên hết là bảo vệ cho những người ngồi trên xe và tài sản lớn của mình, đó là chiếc xe ô tô. Vì vậy, chúng ta không nên tìm cách mua bình để chống chế việc xử phạt. Rất mong người dân nhận thức được điều này.
Hiện thị trường bán bình cứu hỏa đang rất “nóng”, bình cứu hỏa đội giá gấp nhiều lần, thậm chí “cháy” hàng, vậy nên nhiều chủ xe vẫn chưa thể mua được bình chữa cháy, họ lo lắng nếu bị lực lượng chức năng xử lý trong giai đoạn này họ sẽ chịu nhiều thiệt thòi. Với tình hình như vậy, Cục có nên điều chỉnh lại thời gian có hiệu lực của Thông tư 57 không, thưa đại tá?
Như tôi đã nói, mục đích cao nhất của Thông tư 57 là bảo vệ an toàn, tính mạng cho người dân khi ngồi trên xe ô tô, bảo vệ tài sản của chủ phương tiện. Tại sao chúng ta phải dừng thông tư khi mục tiêu của nó mang lại lợi ích cho xã hội và người dân.
Giống như quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm trước đây, ban đầu cũng có nhiều thông tin trái chiều, thị trường mũ bảo hiểm xuất hiện nhiều loại mũ rởm. Nhưng sau một thời gian thực hiện, quy định mũ bảo hiểm đã đi vào cuộc sống. Giờ việc đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn để bảo vệ an toàn tính mạng trước khi ra đường đã trở thành thói quen của hầu hết người dân.
Điều đó đem lại hiệu quả rất lớn cho xã hội trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, bảo vệ tính mạng cho chính người dân.
Tôi hy vọng và tự tin nhận định, Thông tư 57 rồi sẽ đi vào cuộc sống và mang lại lợi ích xã hội tích cực.
Đại tá Đoàn Hữu Thắng – Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và Cứu nạn, cứu hộ tin quy định bắt buộc trang bị phương tiện cứu hỏa cho ô tô 4 chỗ trở lên sẽ đi vào cuộc sống mang lại hiệu quả.
Vậy, đại tá có thể cho biết, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH có giải pháp nào để đảm bảo lợi ích cho người dân khi thị trường bình cứu hỏa vẫn còn khá hỗn loạn. Lực lượng chức năng hiện có xử phạt vào lúc này không?
Về vấn đề xử phạt, Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đã lưu ý với chúng tôi về việc triển khai thông tư cần có lộ trình. Lãnh đạo Bộ Công an cũng chỉ đạo, trước mắt, các đơn vị tập trung tuyên truyền, phố biến, nhắc nhở nâng cao ý thức chấp hành quy định và không xử phạt.
Ngoài ra, Cục sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát việc sản xuất, buôn bán phương tiện cứu hỏa, đảm bảo người dân mua đúng bình đạt tiêu chuẩn.
Xin cảm ơn đại tá.