Lãnh đạo CSGT TP HCM nói về việc kiểm tra, xử lý nồng độ cồn đêm giao thừa
Bạn đọc quan tâm dịp nghỉ Tết Nguyên đán, nhất là đêm giao thừa, CSGT TP HCM tổ chức kiểm tra nồng độ cồn thế nào? Phóng viên Báo Người Lao Động đã trao đổi nhanh với thượng tá Nguyễn Văn Bình, Phó Trưởng Phòng CSGT Công an TP HCM.
- Thưa Thượng tá Nguyễn Văn Bình, Phó Trưởng Phòng CSGT Công an TP HCM, dịp nghỉ Tết Nguyên đán này, Phòng CSGT Công an TP HCM có kế hoạch kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển phương tiện trên địa bàn không?
+ Thượng tá Nguyễn Văn Bình:
Trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán, các tổ công tác xử lý nồng độ của Phòng CSGT Công an TP HCM triển khai nhiệm vụ bình thường. Đêm giao thừa, bên cạnh các tổ CSGT đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại khu vực bắn pháo hoa, khu trung tâm TP HCM... thì các tổ CSGT kiểm tra nồng độ cồn vẫn thực hiện nhiệm vụ của mình.
Từ trước Tết Nguyên đán, Phòng CSGT đã có kế hoạch phối hợp cùng công an 21 quận, huyện và TP Thủ Đức triển khai quyết liệt kế hoạch kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn, bảo đảm trật tự an toàn giao thông dịp Tết Nguyên đán cho đến hết ngày 29-2 (20 tháng Giêng). Nội dung này nằm trong kế hoạch cao điểm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, trật tự xã hội trên các tuyến giao thông dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và các Lễ hội đầu Xuân 2024 do Bộ Công an, Công an TP HCM chỉ đạo.
Thượng tá Nguyễn Văn Bình giải đáp thắc mắc của người dân về kế hoạch kiểm tra nồng độ cồn dịp nghỉ Tết Nguyên đán
Điểm mới là Công an TP HCM giao công an cấp quận/huyện chủ động tham mưu, xây dựng kế hoạch để triển khai đến công an cấp xã về việc thực hiện tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về nồng độ cồn. Công an phường/xã trên địa bàn gần nhau sẽ phối hợp cùng Công an cấp quận/huyện thực hiện tuần tra kiểm soát theo chuyên đề, kế hoạch. Các tổ này sẽ tuần tra, kiểm soát trong những ngõ hẻm, tuyến đường nhánh tiếp giáp giữa các địa bàn.
Giải pháp này nhằm tạo tính nghiêm minh, răn đe với người điều khiển xe mà sử dụng rượu bia chất kích thích khi tham gia giao thông. Không để xảy ra tình trạng người điều khiển phương tiện sau khi sử dụng rượu, bia tìm cách đối phó với lực lượng CSGT bằng cách di chuyển vào các đường hẻm, đường nhánh.
Quá trình xử lý người vi phạm nồng độ cồn, CSGT còn kết hợp kiểm soát tội phạm thông qua việc kiểm tra nhanh thông tin về phương tiện và chủ phương tiện thông qua cơ quan đăng ký xe và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm đấu tranh với các loại tội phạm hình sự, kinh tế, ma túy.
- Kế hoạch cụ thể của CSGT TP HCM trong đêm giao thừa như thế nào, thưa Thượng tá?
+ Thực hiện chỉ đạo của Công an TP HCM, trong đêm giao thừa, CSGT TP sẽ ứng trực 100% quân số.
CSGT thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an toàn tuyệt đối các sự kiện, lễ hội được tổ chức nhằm bảo đảm an toàn, sức khoẻ, tài sản cho nhân dân nhất là các khu vực tổ chức bắn pháo hoa ở đầu đường hầm sông Sài Gòn, công viên văn hóa Đầm Sen… và khu vực tổ chức chương trình countdown đón chào năm mới 2024 tại Công viên Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đường Nguyễn Huệ….
Tại khu vực trung tâm thành phố, CSGT cùng các lực lượng công an trực tiếp chiến đấu như Cảnh sát cơ động, Cảnh sát hình sự, Cảnh sát kinh tế… tổ chức tuần tra khép kín nhằm phòng ngừa, ngăn chặn các loại tội phạm, đảm bảo an toàn giao thông.
Trong đó, CSGT sẽ tăng cường phối hợp với các lực lượng để điều tiết, phân luồng giao thông từ xa, không để ùn tắc giao thông kéo dài, ảnh hưởng đến việc lưu thông của người dân. Bên cạnh đó, CSGT TP HCM cũng đã có kế hoạch nhằm ngăn chặn, xử lý nghiêm tình trạng tụ tập lưu thông thành đoàn, chạy xe gây rối trật tự công cộng, đua xe trái phép…
Xin cảm ơn ông!
Thủ tướng biểu dương những thành tích của lực lượng và nhấn mạnh CSGT cần chuyển trạng thái từ kiểm soát sang hướng dẫn, giúp đỡ, tạo điều kiện cho người dân tham gia giao thông an toàn, thuận lợi.
Nguồn: [Link nguồn]