"Lang vườn" chữa bệnh: Người cắn nhau, phải lấy… nọc độc
Chó dại cắn, mèo cắn, chuột cắn, thậm chí người cắn cũng chữa bệnh bằng phương cách hãi hùng: Cắt, lể cho chảy máu bằng lưỡi lam rồi đắp bằng thuốc lạ.
Thầy lang Năm Ngoa đang chuẩn bị thuốc cho phóng viên. Ảnh: H.Nam
Do thiếu hiểu biết nên nhiều người dân vùng sâu, xa ở khu vực Đồng Tháp Mười vẫn còn cả tin vào kiểu trị bệnh nguy hiểm.
Trẻ con cắn nhau, phải đi lấy… nọc độc
Theo sự chỉ dẫn của người dân, chúng tôi đến khu vực chợ Thiên Hộ thuộc xã Hậu Mỹ Bắc A (Cái Bè, Tiền Giang) để tìm cơ sở trị bá bệnh khá nổi tiếng của “thầy Tư Vui” cách UBND xã khoảng 1 cây số.
Cơ sở chữa bệnh này là một căn nhà cấp 4, hoàn toàn không có bảng hiệu. Khi chúng tôi đến, một phụ nữ dắt theo bé trai khoảng sáu tuổi cũng đang ngồi chờ đến lượt được trị bệnh.
‘‘Hai anh em nó giỡn với nhau, thằng này bị thằng anh nó cắn nên tui dắt cháu đi... lấy nọc. Thầy chữa hiệu quả lắm, hai lần trước thằng này bị anh nó cắn tui cũng đưa tới đây, chứ đi chích ngừa không an tâm (?)’’ - người phụ nữ là cô ruột của bé trai nói.
Chúng tôi thắc mắc sao con nít cắn nhau cũng phải chữa thì một phụ nữ khoảng 40 tuổi tự xưng là thầy giải thích: “Ông già chồng tui làm nghề này mười mấy năm, nổi tiếng khắp vùng, sau đó ổng truyền lại cho tui và chồng tui. Kinh nghiệm của tui là chó, mèo, chuột, rắn cắn hay ong chích đều có nọc độc nên phải cắt và đắp thuốc. Con nít cắn nhau cũng có... nọc độc, không đi lấy nọc thì chúng chậm lớn, bệnh thường xuyên. Lúc trước đông khách lắm nhưng sau này Bộ Y tế yêu cầu giấy phép dữ quá nên giờ bình quân mỗi ngày tui làm khoảng 10 ca bệnh”.
Nói xong, bà đem viên thuốc màu đen bỏ vô ly nước trà, đưa cho đứa bé uống. Sau đó, mặc cho đứa bé sợ, khóc la hét, van xin, bà này dùng một mảnh lưỡi lam đè đứa bé, cắt liên tiếp ba nhát phía sau cổ đến rướm máu, rồi cắt thêm một nhát nữa tại chỗ đứa bé bị vết răng cắn. Xong bà vô nhà, lát sau đem ra một loại thuốc lạ trông như đất sét có mùi hôi (do cơ sở này tự bào chế - PV) bọc vô mảnh vải rồi cột lên chỗ các nhát cắt, dặn sau 25 phút tháo ra, sau đó về nhà đắp thêm ba lần nữa là chắc ăn khỏi bệnh.
Đã có người tử vong
Tại xã Nhơn Hòa Lập (Tân Thạnh, Long An), trong vai người bệnh, chúng tôi tiếp tục đến cơ sở trị bệnh không phép của thầy lang Năm Ngoa nằm cặp tỉnh lộ 837, nức tiếng là “thần y” trị chó, rắn cắn theo đồn đại của người dân. Cơ sở này cũng đã tồn tại cả chục năm qua tại địa phương.
Tiếp chúng tôi là một phụ nữ 70 tuổi tự xưng là thầy Năm Ngoa, bà cho biết sáng giờ đã có bốn ca đến lấy nọc rắn, chó cắn.
“Chú yên tâm, giá mỗi lần cắt, đắp khoảng 100.000 đồng. Có ngày đông đến cả chục ca bệnh, có người ở tận Bình Dương, TP.HCM, Đồng Tháp cũng đến trị. Có ca bị rắn hổ cắn trào đờm, bệnh viện chạy nhưng tới đây tui đổ thuốc là hết liền” - bà thầy lang nói.
Khi chúng tôi nói bị rắn cắn, bà Năm Ngoa liền ra sau nhà lấy mấy lá trầu, vài củ tỏi. Xong bà để tỏi ngay trên nền gạch dơ bẩn rồi đập dập, sau đó bỏ lá trầu và tỏi vô chiếc cối bằng gỗ rồi giã đều, sau đó đổ rượu vô. Xong, bà tiếp tục lấy đồ nghề là một cái chén sành sứt mẻ, một cái dĩa đã mốc meo rồi bỏ vô một loại thuốc giống như muối. Sau đó đổ nước nóng vô, rồi lục trong một cái lon sắt lấy ra một miếng lưỡi lam rỉ sét bỏ vào.
“Sau khi cắt đắp tại chỗ, về nhà đắp, uống thuốc thêm bốn ngày nữa khỏi sợ bị ngộp nước (lên cơn dại)” - bà thầy quả quyết.
Trước đó, tại thị trấn Tân Thạnh, huyện Tân Thạnh, Long An, chị Nguyễn Thị Ngọc Giàu, 21 tuổi, nạn nhân đã tử vong hồi cuối năm 2015 do cả tin vào thầy lang vườn.
Theo gia đình cho biết, khoảng giữa năm 2015, chị Giàu cùng con trai và cha chồng bị chó dại cắn nhưng không đi tiêm ngừa mà đến một cơ sở thầy lang tại Tiền Giang trị bệnh bằng cách… chích máu đầu ngón tay, cắt, đắp thuốc, uống thuốc.
Sau đó, chị Giàu có biểu hiện bệnh dại và được đưa đi cấp cứu, chuyển đến BV Bệnh nhiệt đới nhưng đã quá muộn.
Các thầy lang nói chung đều không có kiến thức về ngành y, không được cấp phép nên cách chữa bệnh của họ là hoàn toàn phản khoa học. Việc cắt, chích, lể, nặn, bóp vết thương là phản khoa học vì sẽ làm nọc độc càng vào cơ thể nhanh hơn, bệnh tình sẽ nặng thêm. Mặt khác, việc đắp các loại thuốc lạ có thể gây nguy cơ nhiễm trùng, các dụng cụ như lưỡi lam có thể tiềm ẩn nguy cơ lây bệnh truyền nhiễm qua đường máu, người dân không nên cả tin. Với bệnh dại, sau khi bệnh nhân đã phát bệnh, lên cơn dại thì tỉ lệ tử vong là 100%. Khi bị động vật có khả năng mang virus dại như chó, mèo cắn hay loài có nọc độc như rắn cắn, người dân nên đến cơ sở y tế gần nhất càng sớm càng tốt để được điều trị đúng cách. BS TRỊNH ĐÌNH TÔN ______________________________________ Tại xã Hậu Mỹ Bắc A có hai cơ sở chữa chó cắn và rắn cắn, trong đó có cơ sở “thầy Tư Vui”. Cả hai cơ sở này đều không có giấy phép hành nghề, người chữa bệnh cũng không có kiến thức về y khoa. Chúng tôi đã nhiều lần nhắc nhở không được tái diễn hoạt động chữa bệnh trái phép nhưng họ vẫn không chấp hành. Sắp tới, chúng tôi sẽ đề xuất huyện ra quyết định xử phạt để chấn chỉnh việc này. Ông NGUYỄN VĂN VIỆT |