Làng sinh đôi và những bí ẩn chưa lời giải đáp

Sự kiện: Nhịp sống 24h

Chỉ trong vòng 20 năm, tại ấp Hưng Hiệp (xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai) đã có hơn 70 cặp sinh đôi.

Chị Trần Thị Hồng Cúc cùng 2 con song sinh trong năm 2018

Chị Trần Thị Hồng Cúc cùng 2 con song sinh trong năm 2018

Câu chuyện bí ẩn về những người phụ nữ uống nước giếng tự đào của làng rồi sinh đôi, sinh ba khiến nhiều cặp vợ chồng hiếm con đã tìm về đây xin nước uống…

Ra ngõ là gặp anh em sinh đôi

“Theo GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng, nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, nếu muốn làm rõ nguyên nhân vì sao có nhiều người song sinh ở ấp Hưng Hiệp, cần phải tiến hành lấy nhiều mẫu nước ở ấp Hưng Hiệp để xét nghiệm lại với nhiều chỉ tiêu hơn. Sau đó so sánh các mẫu nước giếng ở các độ sâu khác nhau. Ngoài ra, cũng cần điều tra về nguồn thức ăn xem có mối liên hệ nào với tình trạng song sinh hay không.”

Từ TP HCM, vượt gần 100km là đến ấp Hưng Hiệp, xã Hưng Lộc, (huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai), nơi được mệnh danh là “làng sinh đôi” bởi ấp có nhiều cặp sinh đôi nhất Việt Nam.

Khi chúng tôi đến trước cổng giáo xứ Hưng Lộc, hỏi người dân xung quanh về “chuyện lạ” những cặp sinh đôi, mọi người đều vui vẻ, niềm nở kể và chỉ đường đến các hộ gia đình có các cặp sinh đôi.

Thấy có người lạ đứng trước cổng, anh Hồ Bạch (SN 1971) đang ở trong nhà xem tivi vồn vã đứng lên hỏi: “Đến xin nước uống hả em trai, can đâu em để anh lấy nước cho”. Dường như, anh Bạch đã quá quen với việc người dân các nơi đến đây xin nước uống với hy vọng... sinh được nhiều con.

Mời khách vào nhà, anh Bạch kể: “Ở khu vực này, chỉ trong vòng bán kính 50m2, đã có tổng cộng 8 cặp sinh đôi. Trong đó, chị ruột tôi đẻ sinh ba, em vợ tôi là cặp sinh đôi thứ 53, còn thằng bạn tôi cách đây 4 năm vợ cũng sinh đôi. Ở đây cứ ra ngõ là thấy có sinh đôi, chúng tôi nhiều lúc còn chẳng nhận ra con cháu mình, đâu là đứa đầu, đâu là đứa sau”.

Nhà ông Bảy Ghe (cách nhà anh Bạch khoảng 200m) có cô con gái vừa lấy chồng, sinh đôi hai bé gái cách đây hơn 1 năm. Vừa tắm xong cho 2 con sinh đôi là cháu Tuệ An và Tuệ Nghi, chị Trần Thị Hồng Cúc (SN 1994) - mẹ của cặp song sinh cho biết: “Em sinh ra và lớn lên tại ấp này, sau đó lên Sài Gòn đi làm và lấy chồng, mới sinh 2 cháu song sinh được khoảng gần 16 tháng. Nhiều năm qua, trong ấp này cũng có rất nhiều cặp sinh đôi, sinh ba, đến lượt mình lấy chồng, sau đó có bầu, kết quả siêu âm sinh đôi, làm vợ chồng em cũng rất ngỡ ngàng và rất vui. Gần nhà em cũng có một chị người địa phương khác lấy chồng ở đây cũng vừa sinh đôi cặp bé trai”.

Bà Nguyễn Thị Hoa (SN 1967, ở ấp Hưng Hiệp) bảo: “Trong dòng họ nhà tôi cũng có nhiều cặp sinh đôi. Bà nội của chàng rể nhà tôi cũng sinh đôi, giờ vợ chồng nó cũng sinh đôi, hai đứa cháu ngoại tôi đang đi học tiểu học. Quanh đây rất nhiều cặp sinh đôi giống nhau như 2 giọt nước, nhìn yêu lắm”.

Cách nhà bà Hoa 100m, là nhà bà Lâm Thị Trung Thu (SN 1959) cũng có cặp sinh đôi. Con gái bà Thu là chị Lê Thị Yến Nhi lấy chồng 5 năm chưa có em bé, gia đình cũng lo lắng, nhưng mới năm rồi, chị Yến Nhi mang thai và sinh đôi 2 cháu gái.

Theo lời bà Thu, sau năm 1975, gia đình bà đến khai hoang và định cư ở ấp Hưng Hiệp cho đến nay. Bà Thu kể vanh vách các cặp vợ chồng trong ấp sinh đôi, sinh ba, lần lượt chào đời. Theo bà Thu, điều lạ chỉ tại ấp Hưng Hiệp mới xảy ra hiện tượng này nhưng qua bên kia đường là các ấp Hưng Thạnh, Hưng Nhơn, lại không có sinh đôi. “Từ trước tới nay, gia đình tôi và nhiều hộ khác trong ấp này đều xài giếng nước đào ở nhà và chứng kiến rất nhiều cặp sinh đôi, sinh ba. Tiếng lành đồn xa nhiều người hiếm muộn đến xin nước uống, người dân đều vui vẻ cho nước miễn phí. Nhiều năm qua, cũng nhiều người hiếm muộn đến xin nước uống sau đó có báo tin vui, nhưng cũng có người đến vài lần xin nước sau đó không thấy quay lại…”, bà Thu chia sẻ.

Bí ẩn mạch “nước ngầm”?

Bà Nguyễn Thị Hoa và 2 cháu ngoại sinh đôi được sinh trong năm 2018

Bà Nguyễn Thị Hoa và 2 cháu ngoại sinh đôi được sinh trong năm 2018

Theo các bậc cao niên sinh sống tại ấp, đã có nhiều đoàn công tác của bệnh viện, chuyên gia nước ngoài về tìm hiểu, lấy mẫu nước của ấp đi phân tích nhưng tính đến nay vẫn chưa có câu trả lời.

Cụ ông Trần Thường (Bảy Thường, 90 tuổi) cho biết: “Ở đây sinh đôi rất nhiều, cháu ngoại tôi cũng sinh đôi. Nhiều người cho rằng có nhiều người sinh đôi là do uống nước giếng trong khu vực. Tôi cũng không dám nói và đảm bảo uống nước giếng nhà tôi phụ nữ sẽ có thai và sinh đôi, nhưng ai đến xin nước thì cho, cũng có người may mắn đậu thai báo tin vui”.

Ông Trần Đình Danh, 57 tuổi, nguyên Trưởng ấp Hưng Hiệp, cũng có 2 con trai sinh đôi, nói: “Theo tôi, không biết có phải nước giếng là nguyên nhân sinh đôi nhiều hay không, nhưng có điều chắc chắn là mạch nước ngầm ở đây rất tốt. Giếng đào hơn chục mét là có nước quanh năm và trong veo, không có bất kỳ chút cặn nhỏ nào, giống như đã được lọc vậy. Nếu để cạnh 1 chai nước đóng chai khác, không thể nhận ra đâu là nước đã qua xử lý, đâu là nước giếng.”.

Ông Danh cho biết, hiện tượng sinh đôi ở Hưng Hiệp bắt đầu rộ lên từ những năm 1995-1998 với hàng loạt gia đình có con song sinh. Có khi cả ba nhà sát vách nhau đều “xếp hàng” lần lượt sinh đôi.

Ông Trần Thường cho nước một người khách đến từ TP HCM

Ông Trần Thường cho nước một người khách đến từ TP HCM

Cũng theo ông Danh, năm 2010, nhà nước cho đầu tư một công trình cung cấp nước máy được lắp đặt ngay tại Hưng Hiệp và công trình này sử dụng nguồn nước ngầm tại chỗ để lọc nước sạch. Kể từ đó, nguồn nước từ ấp Hưng Hiệp được cung cấp cho các ấp lân cận và cũng bắt đầu có vài cặp song sinh ở các ấp khác chào đời. Hiện tại, người dân ấp Hưng Hiệp vẫn dùng nước giếng để ăn uống, sinh hoạt bởi nước rất trong không nhiễm phèn, cặn…

“Toàn xã có hơn 70 cặp sinh đôi, thì hơn 40 cặp ở ấp Hưng Hiệp. Chuyện làng sinh đôi chúng tôi nổi tiếng khắp thế giới, có nhiều đoàn cán bộ trong nước, ngoài nước cũng đến tìm hiểu. Người dân ở đây vẫn nghĩ sinh đôi là do nguồn nước, tuy nhiên câu trả lời chính xác thì vẫn chưa có”, ông Danh nói.

Là người tổ chức đưa các bác sĩ từ TP HCM về “làng sinh đôi” và thường xuyên theo dõi chuyện lạ này, GS.BS. Nguyễn Thị Ngọc Phượng (nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ TP HCM) cho biết, trước đây bà đã từng khám phụ khoa cho khoảng 300-400 phụ nữ đang mang thai và cả không mang thai ở ấp Hưng Hiệp, nhưng thấy cơ địa của họ không có gì lạ so với những người bình thường. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp rất kỳ lạ là trong gia đình, cả mẹ và con gái đều cùng có thai song sinh. “Chúng tôi đã lấy nước ở khu vực có nhiều cặp song sinh về xét nghiệm nhưng chưa phát hiện được gì bất thường. Theo nhận định của tôi, nguyên nhân song sinh có thể là do di truyền. Song để đưa ra kết luận cần phải điều tra lại gia phả tất cả các gia đình có con sinh đôi…”, bác sỹ Phượng nói.

Bi hài ở làng... “chân dài“

Đình Tràng được gọi là “làng khổng lồ” do có rất nhiều người cao nổi trội.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vĩnh Phú ([Tên nguồn])
Nhịp sống 24h Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN