Làng làm “áo giáp” che trời
Áo tơi trong sáng tác của nhạc sĩ An Thuyên chẳng phải áo mưa mà ngày nay chúng ta vẫn mặc, mà đó là một loại “áo giáp” che trời.
Người dân mặc áo tơi đi cấy
Nhiều người trong chúng ta đã từng nghe ca khúc “Ca dao em và tôi” của nhạc sĩ An Thuyên, trong đó có câu: “Cùng em khoác chiếc áo tơi ra đồng/Dù trời đổ nắng chang chang vẫn quàng”. Nhưng có lẽ ít ai biết được, áo tơi chẳng phải áo mưa mà ngày nay chúng ta vẫn mặc, mà đó là một loại “áo giáp” che trời - thứ đã giúp biết bao người con vùng đất Hà Tĩnh chống chọi lại sự khắc nghiệt của thời tiết.
Cầu kỳ như chằm tơi
Theo những cụ cao niên, trước đây có nhiều làng quê ở Hà Tĩnh làm nghề chằm tơi. Nhưng rồi nghề cứ mai một dần, chỉ còn làng Yên Lạc (thuộc xã Quang Lộc, huyện Can Lộc) là gìn giữ được đến ngày hôm nay.
Hỏi người Yên Lạc thì không ai biết chính xác nghề chằm tơi ở làng có từ bao giờ. Họ chỉ biết rằng, từ khi sinh ra đã thấy ông bà lên rừng hái lá về chằm. Để rồi đời này qua đời khác, người già, trẻ nhỏ, con trai, con gái trong làng đều khoác trên mình chiếc áo tơi mỗi khi ra đồng.
Cũng chính chiếc áo đơn sơ, mộc mạc ấy đã đi vào cao dao, tục ngữ, thơ ca và trở thành một đặc điểm nhận diện văn hóa của vùng quê Yên Lạc.
Nói về quy trình làm áo tơi, các cụ cao niên ở Yên Lạc chia sẻ, nghề làm áo tơi không kỳ công như nghề làm nón, nhưng để chằm được một cái tơi hoàn chỉnh phải trải qua rất nhiều công đoạn. Và mỗi công đoạn đều có những nét riêng đòi hỏi người thợ phải có sự khéo léo, kiên trì, tỉ mỉ… mà đầu tiên là công đoạn làm lá.
Ngay từ khi mặt trời còn đỏ rực như hòn than ở phía Đông, người dân Yên Lạc đã chuẩn bị cơm đùm mắm muối lên vùng rừng rú hẻo lánh ở huyện miền núi Hương Khê, Vũ Quang (cách thôn khoảng 50 - 60km) để lấy lá tơi.
Lá tơi được tuyển chọn kỹ lưỡng từ những chiếc lá lành nhất, vừa đủ độ (không quá già mà cũng không quá non). Sau đó, lá được đem hơ sấy trên khói lửa cho héo, rồi đem về nhà tiếp tục phơi nắng cho đến lúc khô, chuyển màu trắng đều. Chưa hết, trước khi chằm, người thợ phải đem lá ra phơi dưới sương một đêm cho lá nở ra, dai và bền hơn.
Trước khi chằm tơi, người thợ sẽ vuốt dây mây, tách thành từng sợi nhỏ để sợi mây được dẻo, khi may vào tơi sẽ mềm và bền, ít bị đứt hơn. Ngoài ra, người thợ còn bện hai sợi mây mỏng lại với nhau để làm chiềng tơi nhằm tăng độ chắc chắn cho chiếc tơi. Về sau, dây mây ngày càng khan hiếm, người ta mua dây thừng cỡ nhỏ về tách ra làm thay thế.
Để chằm tơi, người thợ xếp lá tơi lên một chiếc khuôn gỗ với diện tích 1m2, dùng 4 chiếc thước kẻ dài 1m để nẹp cho ngay ngắn. Lớp lá tơi này được chồng lên lớp lá khác như lợp mái nhà tranh ngày xưa, sau đó bẻ gập phần cuống xuống rồi được may cố định bằng dây mây vuốt mỏng.
Lớp lá tơi già được đặt ngoài cùng, bên trong lót thêm nhiều lớp lá nữa để áo tơi được bền chặt. Khi đủ độ dài theo quy định, chiếc tơi sẽ được bẻ cho cổ “khum” lại, rồi buộc một dây thừng có độ rộng đủ vòng qua đầu để khi mang có dây giữ lại không cho tơi rơi xuống.
Vang bóng một thời
Giữa những ngày nắng cháy da hay mưa thối đất, áo tơi trở thành vật hữu dụng của người dân Hà Tĩnh. Ảnh Đ.H
Theo tìm hiểu, trước đây khi các loại áo mưa chưa thịnh hành, người nông dân dùng áo tơi để che nắng, che mưa mỗi khi đi làm đồng. Câu ca “Cùng em khoác chiếc áo tơi ra đồng/Dù trời đổ nắng chang chang vẫn quàng” trong bài hát “Ca dao em và tôi” của nhạc sĩ An Thuyên cũng bắt nguồn từ đó.
Ngày nay, người dân ở nhiều vùng Hà Tĩnh, Nghệ An vẫn sử dụng áo tơi để che mưa, che nắng. Tuy nhiên, do sự ra đời ngày càng nhiều của các loại áo mưa tiện lợi, rẻ tiền nên số lượng người dùng áo tơi không nhiều như trước. Nhiều người hoài niệm thì mua áo tơi về treo trong nhà để làm kỷ niệm, lưu giữ như một kỷ vật của ông cha.
Cũng có công ty du lịch lữ hành tìm mua áo tơi ở Yên Lạc để bán cho các du khách đưa đi Lào, Campuchia, thậm chí là tận các nước châu Âu.
Nhu cầu là thế, nhưng vì nhiều lý do, nghề chằm tơi ở Quang Lộc lại ngày càng mai một dần. Trước đây, ở Quang Lộc có nhiều làng cùng làm, đến nay chỉ còn tập trung mỗi làng Yên Lạc.
Chính ngay trong làng Yên Lạc, số người còn chằm tơi cũng thưa dần theo năm tháng, chỉ những người trung niên, cao tuổi còn làm. Chưa hết, ngày trước, người dân nơi đây chằm tơi cả hai mùa nắng và mưa thì bây giờ chỉ làm vào mùa nắng, mà cụ thể là bắt đầu vào tháng 3 và kết thúc vào tháng 7.
Ông Nguyễn Đăng Quế hoàn thiện chiếc áo tơi mới
Vừa ngồi se dây thừng ra thành những sợi nhỏ, ông Nguyễn Đăng Quế (70 tuổi) vừa kể: Trong gia đình, tính đến ông là đời thứ tư theo nghề chằm tơi.
“Vùng Yên Lạc này thấp trũng, hễ mưa thì nước ngập đến ngang nhà. Dù có đến 8 sào ruộng nhưng năm được mùa, gia đình tôi cũng chỉ được hơn 1,4 tạ lúa. Tôi từng làm cán bộ thống kê ở xã nhưng lương ba cọc ba đồng. Ấy thế là tiền học của 5 người con và chi tiêu của cả gia đình đều phụ thuộc vào nghề chằm tơi. Chính nhờ chằm tơi mà trước đây gia đình tôi đã dựng được một căn nhà gỗ lim ba gian. Không riêng gì gia đình tôi, nhiều gia đình khác dựng được nhà gỗ, con cái ăn học đàng hoàng cũng đều nhờ nghề chăm tơi”, ông Quế nhớ lại.
Cũng theo ông Quế, trước đây nhà nhà, người người cùng làm tơi, nhưng giờ số gia đình còn chằm tơi chỉ đếm trên đầu ngón tay. Một phần vì nguyên liệu để chằm tơi ngày một khan hiếm, cùng với đó các loại áo mưa tiện lợi có giá thành rất rẻ ra đời... Mặt khác, cùng với sự phát triển của xã hội, giới trẻ tìm đến những ngành nghề có thu nhập cao hơn.
“Hiện nay, mỗi cái tơi có giá dao động từ 45 - 80 nghìn đồng. Bình thường, mỗi ngày như tôi làm được 6 cái, người giỏi thì làm được khoảng 10 cái. Làm ra cái nào thì có người đến tận nhà mua cái đó, thậm chí là còn đặt hàng từ trước... vậy mà, giới trẻ vẫn thờ ơ, không mặn mà. Gái, trai đều đổ xô đi lên thành phố làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp hay xuất khẩu lao động”, ông Quế trăn trở.
Ông Đặng Hồng Kiệm, Phó bí thư thường trực Đảng ủy xã Quang Lộc cho biết, trong nhiều năm qua, địa phương cũng có nhiều chính sách hỗ trợ, kêu gọi các đầu mối nhập hàng để nghề truyền thống chằm tơi ngày một phát triển. Thế nhưng, do nguồn nguyên liệu ngày càng giảm, giới trẻ lại đi ra ngoài làm các ngành nghề khác có thu nhập cao hơn nên số người theo nghề ông cha tuy vẫn được duy trì nhưng ngày một ít đi.
Những kết quả từ xuất khẩu lao động mang lại góp phần làm thay đổi diện mạo cuộc sống cho những người lao động...
Nguồn: [Link nguồn]