Làng điểm chỉ ở Thái Bình
Không chữ, không đất, không vốn... Còn đó hàng trăm con người vẫn lấy thuyền làm nhà, lấy sông làm chợ, lấy ngón tay thay bút... Tương lai họ sẽ về đâu?
Làng hoa văn - làng điểm chỉ
Nằm rải rác từ ven sông xã Hồng Tiến (huyện Kiến Xương, Thái Bình) kéo dài tới cửa biển Cồn Vành (huyện Tiền Hải, Thái Bình), làng chài Cao Bình còn được gọi là làng hoa văn - làng điểm chỉ bởi khoảng 70 % người dân ở đây mù chữ.
Cái tên làng hoa văn xuất phát từ việc người dân nơi đây chỉ biết điểm chỉ vào các văn bản hành chính như: Giấy đăng ký kết hôn, thủ tục vay vốn ngân hàng, sổ hộ khẩu… Cho đến thời điểm này, mặc dù số người biết chữ đã tăng lên nhưng nhiều người trong số họ vẫn có thói quen sử dụng phương pháp điểm chỉ thay cho chữ ký.
Tìm đến Cồn Vành, nơi đa số thuyền chài của Cao Bình tập trung về sau khi đi biển. Mặc dù kinh tế ở mức trung bình, nhưng với nhiều người dân xóm Cao Bình, việc cho những đứa con nhỏ theo con chữ cũng giống như kiếp mưu sinh theo con nước đầy vơi.
Ngay từ khi sinh ra, trẻ em xóm chài đã phải sống cảnh thuyền nhà, sông chợ.
Xuống thuyền của gia đình anh Trần Quang Sơn và chị Bùi Thị Yến, thứ tài sản đáng giá nhất là đống lờ (tên một loại lưới đánh tôm, cá nhỏ). Ngồi giữa đống lờ khâu lại những vết thủng, giọng chị Yến buồn buồn: “Cưới nhau được 15 năm, có 3 con trai, nhưng cố gắng lắm cũng chỉ cho 2 đứa nhỏ đi học, còn con trai lớn phải đi biển phụ bố mẹ”. Rít hơi thuốc lào dài, anh Sơn chen ngang câu nói của vợ: “Kinh tế thì vẫn đủ cho con đi học nhưng chắc cũng phải tính toán lại thôi. Cho con nó học biết chữ là đủ rồi!”. Anh Sơn cho biết thêm, do không có nhà trên đất liền nên hai con nhỏ anh phải gửi nhà họ hàng ở xóm Cao Bình để ngày ngày theo trẻ con cùng xóm tới trường đi học của xã cách 5km. Dưới sông, đứa con trai lớn hơn 10 tuổi của anh chị vẫn hồn nhiên vui đùa cùng đám bạn cùng xóm mà không để ý đến nỗi niềm của bố mẹ.
Cách đó vài thuyền, Phạm Văn Kiên và Trần Thị Dinh có lẽ là gia đình trẻ nhất khi mới chưa đầy 20 tuổi đã có 2 mặt con. Giống như những người phụ nữ khác của làng chài, công việc của Dinh là ngồi vá lưới những khi nghỉ đi biển. Khi được hỏi về tương lai, như đã hằn sâu trong đầu nên chị Dinh nói như đọc thuộc lòng: “Em muốn lên bờ lắm rồi! Từ bé lớn lên trên sông nước, nhưng từ ngày sinh con, em thường xuyên bị say sóng. Thời gian gần đây, những lần ra biển em chỉ nằm ôm con cho chồng rảnh tay đánh cá chứ không giúp được gì”. Có lẽ đang phải chịu áp lực công việc và hoàn cảnh gia đình nên chồng Dinh gắt: “Lên bờ thì ở đâu? Mà biết làm gì để sống? Từ bé chỉ biết bơi và bắt cá chứ có biết làm gì đâu?”. Một câu nói đầy bế tắc của người thanh niên chưa đầy 20 tuổi có hai mặt con.
Tam đại đồng thuyền
Khác với những thuyền ở cửa biển Cồn Vành, nằm một góc sông nhỏ của xã Lam Phú (huyện Tiền Hải, Thái Bình) có một nhóm thuyền của làng chài Cao Bình. Với những gia đình đang sống theo mô hình “Tam đại đồng thuyền” thì họ thường chọn một góc sâu vào đất liền để tập kết. Đại gia đình ông Phạm Văn Cầm là một ví dụ điển hình.
Năm nay 70 tuổi, ông Cầm có 9 người con. Sinh ra trên sông nước, đến giờ, tất cả những gì ông làm được là cho 5 đứa con trai 5 chiếc thuyền để mưu sinh, những người con cũng theo nghiệp ông bà, hằng ngày lênh đênh sông nước kiếm sống và chưa một lần được cầm bút, nắn nót theo con chữ.
Tờ đăng ký kết hôn được điểm chỉ của vợ chồng Phạm Văn Năm và Trần Thị Dung
Rất vui vẻ, ông nói: “Làm nghề này cũng nhọc lắm. Ngày trước còn chèo thuyền, cứ khô mái chèo là lại hết đồ ăn. Nhưng bây giờ thì khác. Thuyền chạy bằng dầu, mỗi lần ra khơi, chi phí tối thiểu cho một thuyền khoảng 300.000 đồng, trong khi kết quả thu về chỉ đủ chi phí và ăn uống nên cũng không có điều kiện cho con cháu đi học”.
Về khó khăn trong công việc, ông Cầm cũng cho biết thêm, với các thuyền lớn, được trang bị hòm đông lạnh, người ta đi một chuyến hàng tháng, được bao nhiêu cá thì bảo quản trong hòm nên về vẫn bán được. Còn với người dân làng chài, cứ bắt được mẻ cá nào là phải vòng vào bờ bán luôn, mà mỗi lần vòng đi vòng về tốn càng thêm tốn, nghèo lại càng nghèo thêm.
Nhìn bà Cầm thoăn thoắn nhảy từ thuyền nọ sang thuyền kia để về lấy tập giấy tờ của gia đình cho chúng tôi xem, không ai nghĩ là bà đã gần 70 tuổi. Giở gói nylon cũ được gấp qua loa đựng toàn bộ giấy tờ “sinh mạng” của đại gia đình, chúng tôi nhìn thấy tờ giấy đăng ký kết hôn của cậu con trai thứ 6 bên chồng là điểm chỉ còn bên vợ là chữ ký có viết đầy đủ họ tên. Nhưng ở sổ vay vốn ngân hàng thì người vợ lại điểm chỉ. Khi được hỏi thì cô gái Trần Thị Dung (23 tuổi) tủm tỉm: “Em có biết ít chữ nhưng bây giờ tìm bút để ký mất thời gian lắm, cứ chấm tay điểm chỉ cho nhanh!”. Nụ cười an phận của một người vợ trẻ.
Ngoài đại gia đình ông Cầm thì vẫn còn rất nhiều đại gia đình khác cũng đang phải sinh sống trong hoàn cảnh tương tự.
Làm gì trên bờ?
Do cả điều kiện khách quan lẫn chủ quan, cuộc di dân của Cao Bình từ thuyền lên đất liền còn lắm trở ngại và gian nan. Trao đổi với chúng tôi, Bí thư xã Hồng Tiến (huyện Kiến Xương) Trần Văn Luyến nói: “Cao Bình hiện có 171 hộ với gần 800 nhân khẩu, dù hết sức cố gắng nhưng chính quyền địa phương mới chỉ cấp được đất cho 80 hộ để lên bờ xây nhà. Hơn nữa, chính bản thân người dân làng chài cũng rất hoang mang về sinh kế khi lên bờ nên chúng tôi vẫn chưa vận động triệt để được!”.
Cán bộ địa phương đang hướng dẫn ông bà Cầm các thủ tục hành chính
Trưởng thôn Nguyễn Văn Thiệu cho biết, trong số 80 hộ được cấp đất nhưng không phải ai cũng đủ tiền để xây nhà, hơn nữa, có những hộ xây được nhà xong thì lại bỏ không, quay lại thuyền sinh sống vì ở trên bờ họ cũng chẳng biết làm gì. “Muốn lên bờ lắm, nhưng cũng chưa biết làm gì để sống! Nếu có học được nghề đan lưới thì dưới thuyền chồng lại đi biển một mình!”- chị Bùi Thị Yến phân vân.
Ngay đối với những hộ đã được cấp đất để lên bờ cũng đang gặp khó trong việc xóa mù chữ cho con cái. Trường học duy nhất của xã Hồng Tiến cách xóm Cao Bình khoảng 5km đường đê. Thế nên khi bố mẹ đi biển các bé phải tự đi bộ từ nhà đến trường. Những ngày nước lớn, người trong thôn thường đưa các cháu lên thuyền và chở đến gần trường để rút ngắn quãng đường đi bộ. Nhưng những ngày nước kiệt thì các cháu rất ngại đi.
“Thôn đã đề xuất xin một giáo viên về dạy tại thôn Cao Bình nhưng vẫn chưa được duyệt. Còn Đồn biên phòng Cồn Vành thì cho mượn phòng và tổ chức cán bộ dạy ngay tại nơi tập kết thuyền nhưng cũng không được mấy người theo học”- anh Thiệu cho biết thêm.
Họ vẫn thế, ngày qua ngày lênh đênh trên sông nước. Mong ước lên bờ rồi vẫn phải quay về cuộc sống “Đi cá, về đồ”. Cố gắng cho con cái đi học xóa mù chữ rồi lại phải quay về đi biển phụ gia đình… Tương lai của Làng hoa văn sẽ tươi đẹp như cái tên hoa văn hay mãi luẩn quẩn vẫn chỉ là Làng điểm chỉ?
Trưởng thôn Nguyễn Văn Thiệu khái quát cho chúng tôi nghe về những nguy cơ người dân Cao Bình thường gặp: - Phụ nữ phải sinh con khi thuyền đang ngoài biển, người mẹ và đứa bé phải chịu tiếng máy nổ, mùi dầu tối thiểu phải gần 1 ngày trên biển. - Do thường xuyên say sóng nên phụ nữ thần kinh yếu sẽ mắc bệnh rối loạn tuần hoàn não. - Lênh đênh trên biển nên các thuyền cứ gặp nhau là đàn ông lại mang rượu ra uống, hiện nay trên các thuyền, rượu nhiều hơn gạo. - Việc phải phụ thuộc vào mức nước để thả lưới nên người đi biển thường bị loạn đồng hồ sinh học. |