Làng đèn dầu giữa “thủ phủ” thủy điện
Đã có hàng chục hộ dân rời bỏ nhà cửa ra đi vì hoàn cảnh mưu sinh khó khăn.
Do chưa có điện nên 28 năm qua, chiếc radio là “báu vật” của cụ Lưu, để nắm bắt thông tin
Nà Ven nằm giữa Thủy điện Sêrêpốk 3, 4 và 4A, nhưng suốt 28 năm qua, người dân nơi đây vẫn sống trong cảnh không có điện. Đã có hàng chục hộ dân rời bỏ nhà cửa ra đi vì hoàn cảnh mưu sinh khó khăn.
Dân “đói” điện, mù thông tin
Từ trung tâm huyện Buôn Đôn, chúng tôi theo Tỉnh lộ 1, rồi rẽ trái vào đường đất độc đạo dẫn vào khu làng Nà Ven (xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) nằm cạnh bờ suối Đục. Người dẫn đường cho hay: “Vượt qua kênh dẫn dòng của Thủy điện Sêrêpốk 4A này là đến Nà Ven rồi. Các chú thấy đó, Nà Ven nằm cạnh thủy điện suốt 28 năm qua nhưng bà con vẫn thắp đèn dầu sinh hoạt, muốn mua chiếc máy bơm nước hay chiếc tivi về xem tin tức nhưng cũng không thể”.
Ông Nguyễn Đức Giang, Trưởng thôn Nà Ven cho biết: “Theo thống kê, hiện thôn Nà Ven chỉ còn 41 hộ với 136 nhân khẩu, trong đó có đến 36 gia đình là hộ nghèo. Đất Nà Ven cằn cỗi, đường sá đi lại khó khăn nên người dân lam lũ quanh năm chỉ trông chờ vào cây mì (sắn), bắp (ngô)... nhưng mùa được, mùa mất. Trước đây, dân số Nà Ven đông hơn nhưng vì đất cằn cỗi, mưu sinh khó khăn, cộng với đường sá cách trở và điện không có nên bà con đã bỏ làng đi hơn nửa. Năm 2012, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ghé vào thăm Nà Ven và yêu cầu chính quyền địa phương nhanh chóng kéo điện để bà con cải thiện cuộc sống. Tuy nhiên, đến nay đã bốn năm trôi qua, Nà Ven vẫn “đói” điện, dân trông chờ mỏi mòn”.
Người dân Nà Ven đời sống vật chất đã nghèo, nhưng đời sống tinh thần còn nghèo hơn. Ban ngày, bà con lam lũ, “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, tối về chỉ đốt ngọn đèn dầu để ăn cơm, rồi tắt vội đi ngủ. Gia đình nào khá giả thì mua bình ắc-quy, hay tấm năng lượng mặt trời tích điện rồi thắp một, hai bóng điện sáng cho mấy cháu nhỏ học bài. “Bà con “đói” điện nên như người mù với mọi thông tin, xã hội bên ngoài. Gia đình nào có cái đài radio, coi như là kênh thông tin quý báu của thôn Nà Ven”, vị trưởng thôn nói trong tiếng thở dài...
Không có điện, trẻ khó theo được con chữ
Không có điện, nhiều hộ gia đình đã bỏ Nà Ven ra đi, để lại những căn nhà hoang um tùm cỏ cây
Ngồi đối diện chúng tôi trong căn nhà gỗ tuềnh toàng chừng 20m2 là cụ Nguyễn Thế Lưu (73 tuổi, người đầu tiên đặt chân đến đất Nà Ven). Cụ loay hoay chỉnh chiếc đài radio, dò tìm kênh nghe thời sự buổi trưa và chia sẻ: “Bao nhiêu khổ cực bà con đã vượt qua nhưng khổ nhất là chừng ấy năm dân vẫn không có điện, hết sống cảnh đốt đèn dầu đến ánh đèn bình ắc-quy rồi đèn năng lượng mặt trời. Cụ đã trót ở Nà Ven rồi, người thân của cụ được chôn cất ở đất này thì cụ ở, chứ không cụ muốn bỏ về quê. Quê Thái Bình giờ đã giàu có lắm, một năm làm hai vụ lúa và điện rực rỡ khắp cả xóm”.
Cách nhà cụ Lưu một khoảng đất trống là nhà của vợ chồng anh Nguyễn Văn Sự và chị Nguyễn Thị Kim Dung. Anh Sự cho biết: “Dùng bình ắc-quy cứ hai ba ngày lại tốn 30 - 40 nghìn đồng để sạc bình. Mua được bình ắc-quy xịn xài được vài tháng, không sạc vài lần đành bỏ đi, mất tiền triệu. Mùa mì vừa rồi, gia đình dành dụm được 20 triệu đồng, lắp tấm năng lượng mặt trời để mùa nắng dùng thêm quạt cho mấy đứa nhỏ và nấu cơm. Tuy nhiên, mùa mưa điện rất yếu, gia đình phải dùng lại đèn dầu, bình ắc-quy”.
Ngoài “đói” điện, bà con Nà Ven còn "đói" cả nước sinh hoạt, vì nguồn nước giếng tại đây đã bị nhiễm phèn. Người dân phải đi mua nước bình về nấu ăn, hoặc xây bể chứa, làm hệ thống máng dẫn nước mưa từ mái nhà xuống, dự trữ để nấu ăn. “Gia đình muốn mua máy bơm về bơm nước trồng rau nhưng không có điện cũng đành ngậm ngùi”, chị Dung nói.
Trên đường rời Nà Ven, qua cầu dẫn dòng của Thủy điện Sêrêpốk 4A, chúng tôi bắt gặp em Bùi Thọ An (học sinh lớp 10, trường THPT Buôn Đôn), đang ngồi nghỉ dưới tán cây bên đường. An tâm sự rằng: Đa số các bạn cùng trang lứa đều nghỉ học, phần vì hoàn cảnh khó khăn, phần vì đường sá đi học vất vả và khó khăn gấp bội khi không có điện học bài. “Ở thôn em, sau bữa cơm chiều, cả thôn đều chìm nghỉm trong bóng tối. Trừ nhà nào có học sinh thì còn thấy ánh điện tờ mờ của bình ắc-quy. Nhiều lúc em đang học bài, bình điện hết đành phải gấp sách vở. Vào mùa thi, không có điện ắc-quy phải thắp đèn dầu lên học bài, chuẩn bị bài đến lớp”, An cho biết
Bao giờ điện về Nà Ven? “Mới đây, UBND tỉnh đã giao cho chính quyền địa phương phối hợp với Ban Quản lý dự án điện nông thôn miền Trung thực hiện triển khai kéo điện và cải tạo một số đường điện về thôn, buôn. Riêng thôn Nà Ven đến năm 2017 mới triển khai kéo điện được”, ông Tạ Văn Hợp, Chánh văn phòng UBND huyện Buôn Đôn cho biết. |