Lần đầu tiên Việt Nam công bố "bức tranh" cảnh báo nguy cơ dịch bệnh Covid-19 toàn cầu
Hệ thống cảnh báo nguy cơ dịch bệnh Covid-19 toàn cầu của các nhà khoa học Việt Nam, cung cấp các thông tin phân tích về nguy cơ dịch bệnh và khả năng đáp ứng của các quốc gia.
PGS-TS Trần Xuân Bách, Trường ĐH Y Hà Nội - Trưởng nhóm chuyên gia của Dự án phát triển hệ thống cảnh báo sớm Covid-19 toàn cầu (epiNEWS) - cho biết, ngày 1-3, dự án chính thức giới thiệu Hệ thống cảnh báo nguy cơ dịch bệnh Covid-19 toàn cầu, tại địa chỉ website http://covid19global.net/ nhằm cung cấp các thông tin phân tích về nguy cơ dịch bệnh và khả năng đáp ứng của các quốc gia.
Hệ thống dựa trên các kết quả nghiên cứu được mạng lưới chuyên gia kỹ thuật quốc tế của Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng (Trường ĐH Y Hà Nội) tiến hành liên tục trên các số liệu cập nhật hằng ngày từ hệ thống ghi nhận ca bệnh và các cơ sở dữ liệu quốc tế.
"Bức tranh" dịch Covid được mô tả trên hệ thống cảnh báo dịch toàn cầu
GS-TS Lê Thị Hương, Viện trưởng Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng, cho biết: "Ngay từ khi có các ca bệnh mới được ghi nhận ở Trung Quốc, các cán bộ nghiên cứu dày dặn kinh nghiệm của Viện đã có những phân tích chuyên sâu, tham gia cố vấn chuyên môn kỹ thuật cho các tổ chức và cá nhân trong nước và trên thế giới. Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, chúng tôi mong muốn được hòa chung với tâm huyết và trí tuệ của lãnh đạo và nhân dân cả nước cũng như toàn thế giới trong cuộc chiến này". Viện đã có những thuận lợi bước đầu khi nhận được một phần hỗ trợ cho Dự án này từ Quỹ Đổi mới sáng tạo của Viện Nghiên cứu dữ liệu lớn (Vingroup) để khởi động dự án nghiên cứu ở quy mô toàn cầu.
PGS-TS Trần Xuân Bách, Trường ĐH Y Hà Nội - trưởng nhóm nghiên cứu
PGS-TS Trần Xuân Bách, "kiến trúc sư" của epiNEWS, cho biết, hệ thống dựa trên các kết quả nghiên cứu được mạng lưới chuyên gia quốc tế về Dịch tễ học và Kiểm soát dịch bệnh tiến hành liên tục trên các số liệu cập nhật hằng ngày bằng các kỹ thuật phân tích chuyên sâu về khoa học dữ liệu.
Hệ thống có ưu điểm là so với các bản đồ ca bệnh trước đây chỉ thuần túy ghi nhận các sự kiện mắc, tử vong và hồi phục, thì hệ thống này có sự phân tích, đánh giá các nguy cơ có thể phát triển dịch ở mỗi địa bàn trên toàn thế giới. "Nguy cơ này được tổng hợp từ nhiều yếu tố: Số người hiện được khẳng định tại mỗi địa bàn, mức độ tương tác, di biến động tại mỗi quốc gia trong mạng lưới giao thông hàng không thế giới, các yếu tố mật độ và di biến động dân số, thời tiết, khả năng đáp ứng và năng lực kiểm soát dịch bệnh của mỗi quốc gia. Nhờ đó, có thể lượng hóa nguy cơ xảy ra sự lan truyền và tốc độ và mức độ lan truyền bệnh.
Ví dụ: Trong giai đoạn tới hệ thống cho thấy ở nhiều nơi, nguy cơ bên ngoài Trung Quốc đã cao hơn nguy cơ lây nhiễm xuất phát từ các địa bàn tại lục địa Trung Quốc"- PGS Bách giải thích.
Căn cứ vào hệ thống này, PGS Bách cho biết, nhận định sơ bộ trong tháng 3 này, Việt Nam vẫn có nguy cơ xuất hiện ca bệnh mới do cả các nguồn lây từ Trung Quốc và các nước khác. Các thành phố du lịch có đường bay quốc tế có nguy cơ lớn là Đà Nẵng, Hà Nội, TP HCM, Nha Trang. Theo đó, trên hệ thống bản đồ nguy cơ dịch bệnh thể hiện ở màu đỏ là có nguy cơ có ca bệnh mới trong tháng 3-2020; màu cam là số ca còn đang mắc; vòng tròn 3 lớp (trong vàng ngoài trắng) thể hiện nguy cơ có dịch của quốc gia trong tháng 3-2020. Với ngôi sao màu xanh, khi click vào sẽ cung cấp cho người xem thông tin về thấy khả năng lây lan dịch bệnh trong nước và khả năng đáp ứng của mỗi quốc gia.
Tính chung nguy cơ cả nước, khoảng 21% khả năng Việt Nam sẽ xuất hiện ca bệnh mới, trong đó 13% từ các nguy cơ ngoài Trung Quốc. Do đó, kịch bản ứng phó sẽ phải cân nhắc ở nhiều điểm rải rác, nghiên cứu các phương án điều phối và phối hợp con người, phương tiện và trang thiết bị, cùng với các kịch bản ứng phó có sự tham gia của toàn dân, ở các quy mô linh hoạt như tổ dân phố, khu chung cư, thôn xóm,… để chủ động giảm thiểu hậu quả của dịch bệnh.
Người dân có thể cung cấp thông tin tại địa phương về dịch cho nhóm nghiên cứu
"Thông tin về dịch bệnh này sẽ cập hàng ngày khi có sự thay đổi trên toàn cầu của tất cả các lớp dữ liệu. Đặc biệt, người dân và cộng đồng có thể cung cấp thông tin phản hồi về những nguy cơ dịch bệnh của địa phương mình tại địa chỉ http://info.covid19global.net để nhóm nghiên cứu hoàn thiện hệ thống trở lên thông minh hơn và đưa ra các phân tích xác thực hơn"- PGS Bách nói.
Theo hệ thống giám sát dịch của Bộ Y tế đến tính đến 11 giờ ngày 1-3, thế giới đã ghi nhận 86.980 người mắc Covid-19, 2.979 người tử vong. Trong đó, lục địa Trung Quốc: 2.870 người tử vong; Hồng Kông: 2 người tử vong; Đài Loan (Trung Quốc): 1 người tử vong; Phillippines: 1 người tử vong; Nhật Bản: 6 người tử vong; Pháp: 2 người tử vong; Tàu Diamond Princess: 6 người tử vong; Iran: 43 người tử vong; Hàn Quốc: 17 người tử vong; Ý: 29 người tử vong; Mỹ: 1 người tử vong; Úc: 1 người tử vong. |
Liên quan chuyện 20 du khách Daegu đến Đà Nẵng và 2 trong số họ đã chỉ trích cơ quan chức năng Việt Nam, một Vlogger Hàn...
Nguồn: [Link nguồn]