Làm gì để không bị "móc túi" khi đổ xăng?

Một số kinh nghiệm sau đây sẽ giúp khách hàng tránh bị lợi dụng "móc túi" khi đổ xăng.

Tối 25.10, anh Hoàng Văn Vượng (26 tuổi, phường Cổ Nhuế, quận Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội) lái xe ô tô KIA Cerato 4 chỗ vào đổ xăng tại cây xăng trên đường Trần Cung. Sau khi đổ xăng xong, nhân viên bơm xăng tên T thông báo đổ hết 56,6 lít, tổng số tiền 1.020.000 đồng.

Anh Vượng cho rằng, bình xăng xe ô tô của anh chỉ chứa được 50 lít, không thể đổ được 56,6 lít. Nghi ngờ có sự gian lận, anh Vượng đã phản ứng lại với nhân viên đổ xăng tên T. Trong lúc nóng giận, anh Vượng đã tát nhân viên này.

Ngay sau đó, ông Trịnh Đức Hiệp - quản lý cây xăng trên đường Trần Cung - cho hay, nhân viên đổ xăng đã làm đúng quy trình và khẳng định không có chuyện nhân viên đổ xăng bơm nối số để gian lận.

Mặc dù chưa có bằng chứng khẳng định có sự gian lận ở cây xăng trên, tuy nhiên nhiều người lo ngại bị “móc túi” khi đổ xăng… Trao đổi với PV, ông Nguyễn Nam Hải - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng - đã chia sẻ những kinh nghiệm, lưu ý đối với người dân khi đổ xăng.

Làm gì để không bị "móc túi" khi đổ xăng? - 1

Khi khách hàng đổ xăng nghi gian lận, cần khiếu nại tới cơ quan chức năng (ảnh minh họa).

Không để nhân viên bơm nối số

Theo quy định, nhân viên bán xăng phải đưa cần vòi về cây (gạt về more) trước khi bơm xăng cho khách. Tuy nhiên, vẫn có thể xảy ra trường hợp nhân viên đổ xăng không đưa vòi về cây trước khi bơm cho khách mà thực hiện luôn việc bơm nối số.

Ví dụ, nhân viên đổ xăng đang bơm xăng cho khách A 50.000 đồng, xong lại tiếp tục bơm cho khách B thêm 60.000 đồng. Nếu như khách hàng B không để ý, rất dễ bị nhân viên tính “nhầm” là 110.000 đồng.

Do vậy, khi thấy nhân viên bơm xăng không đưa vòi về cây (gạt về more) thì phải thắc mắc, có ý kiến ngay để đảm bảo việc mua xăng không bị gian lận.

Luôn nhìn vào cây bơm xăng

Khi đổ xăng, người dân quan sát kỹ để phát hiện những biểu hiện bất minh, khả nghi của nhân viên trạm xăng. Đồng thời, theo dõi luôn số lượng xăng nhân viên bơm xem đã đủ hay chưa. Nếu thấy nhân viên bơm xăng bơm thiếu, cần phải ý kiến ngay với quản lý cây xăng.

Xem cột xăng có dán tem hay không

Các cột bơm xăng bao giờ cũng phải thực hiện việc kiểm định đo lường, do vậy, nếu đạt tiêu chuẩn chất lượng thì cây xăng đó phải có kẹp chì, tem kiểm định dán ở trên cột. Đấy là dấu hiệu để người dân biết là cây xăng tuân thủ pháp luật, đáng tin cậy.

Không trả tiền trước khi đổ xăng

Tại các cây xăng luôn có đông khách vào bơm xăng, nên nhân viên đổ xăng phải hoạt động liên tục. Do vậy, khách hàng không nên trả tiền trước để tránh chuyện nhầm lẫn, mất tiền “oan”.

Nghi gian lận, khiếu nại lên cơ quan thẩm quyền

Trong trường người dân phát hiện cây xăng có biểu hiện gian lận thì nên phản ánh đến cơ quan quản lý nhà nước về đo lường chất lượng ở địa phương (chi cục); hội người bảo vệ tiêu dùng ở địa phương; sở khoa học và công nghệ ở địa phương; Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng. Những đơn vị này sẽ có trách nhiệm tiếp nhận và xử lý theo quy định.

Ngoài ra, ông Vương Ngọc Tuấn - Phó tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam - cũng có thêm những lưu ý với khách hàng mua xăng:

Bơm xăng theo lít

Khi vào mua xăng, người dân thường yêu cầu nhân viên đổ xăng theo số tiền 30.000; 50.000  hoặc 70.000 đồng. Tuy nhiên, nếu mua xăng theo cách này, khách hàng không để ý thì số tiền có thể bị “nhảy” hoặc có thể bị bơm thiếu xăng.

Các chương trình ăn cắp thường lập trình theo số tiền. Vì vậy, cách tốt nhất người dân nên mua xăng theo số lít: 3 lít, 5 lít, 6 lít...

Chọn thời điểm đổ xăng vào lúc mát

Xăng dãn nở theo nhiệt độ, khi lạnh xăng co lại, còn lúc nóng xăng nở ra. Do vậy, người dân nên chọn thời điểm đổ xăng vào lúc trời mát sẽ có lợi hơn.

Trong lúc đổ xăng, nếu cùng một cột bơm mà có tới 2 nhân viên (một người bơm, một người ấn số) thì khả năng cây xăng đó có gian lận rất cao. Bởi thông thường, một cây xăng chỉ cần một nhân viên, nếu là hai thì có thể họ đang thao tác “móc túi” khách hàng.

Chọn cây xăng uy tín, lớn

Những cây xăng nhỏ lẻ thì nguy cơ người dân bị “móc túi” khá cao. Do vậy, người dân nên chọn những cây xăng uy tín, lớn.

Không đổ đầy bình xăng

Anh Trần Xuân Hiếu (36 tuổi, nhân viên kỹ thuật cửa hàng bán ô tô trên đường Nguyễn Xiển, Hà Nội) cho biết, đối với từng loại xe ô tô, nhà sản xuất bao giờ cũng thông tin tới người mua về bình xăng có dung tích bao nhiêu lít, đây được xem là ngưỡng an toàn đối với người sử dụng. Đơn cử, xe ô tô Vios, bình xăng có dung tích 50 lít. Tuy nhiên, nếu đổ đầy bình (xăng lên tới nắp), có thể chứa được 55 lít.

Anh Hiếu khuyến cáo, người dân không nên đổ đầy bình xăng, bởi vì nếu đổ đầy bình, xăng tràn ra ngoài gây hư hại sơn xe, thậm chí có thể gây cháy nổ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Đức ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN