Lái xe Camry đâm chết 3 người đối mặt hình phạt nào?
Người điều khiển xe Camry gây ra vụ tai nạn kinh hoàng ở Ái Mộ (Long Biên, Hà Nội) có thể sẽ phải nhận hình phạt từ 7-15 năm tù.
Hiện trường vụ tai nạn khiến 3 người tử vong
Khoảng 7h30 ngày 29/2, xe ô tô Camry BKS 29A-866.23 lưu thông trên phố Ái Mộ (phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội) đã bất ngờ tăng tốc đâm vào nhiều xe máy phía trước khiến 3 người tử vong. Danh tính tài xế gây tai nạn được xác định là Nguyễn Quang Vinh (SN 1977), tổ 15, phường Thượng Thanh, Long Biên, Hà Nội).
Tối 29/2, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Long Biên đã ra quyết định khởi tố vụ án "vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ". Ông Nguyễn Quang Vinh bị khởi tố bị can và bắt tạm giam.
Trao đổi với phóng viên, Luật sư Trần Tuấn Anh, Công ty Luật Hợp danh Thiên Thanh, (đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, theo Điều 202 Bộ luật Hình sự năm 1999, hành vi vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, mức án cao nhất đối với trường hợp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng sẽ bị phạt tù từ 7-15 năm.
Ngoài ra, người bị phạt tù có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung như, cấm đảm nhiệm chức vụ, hành nghề hoặc cấm làm công việc nhất định từ 1-5 năm.
Về bồi thường dân sự, theo Luật sư Tuấn Anh phải phụ thuộc vào mức độ và yếu tố lỗi của các bên, ở đây có thể xem xét đến yếu tố lỗi của chủ phương tiện (người sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ) sẽ quyết định là ai phải bồi thường; ai là người có trách nhiệm liên đới phải bồi thường trong trường hợp gây ra tai nạn.
Trong trường hợp chứng minh được chủ sở hữu xe đã giao xe cho người lái khác mà biết người đấy không có bằng lái xe nhưng vẫn giao xe thì cần phải xem xét dấu hiệu theo quy định điều 205, Bộ luật hình sự 1999 xử phạt về tội điều động hoặc giao cho người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Với tội quy định tại điều này mà gây hậu quả đặc nghiêm trọng thì sẽ bị phạt tù từ 5-12 năm.
Trường hợp chủ phương tiện không giao xe cho lái xe mà người lái tự mở cửa xe lên ô tô điều khiển xe thì việc bồi thường sẽ xác định là người có lỗi, tức là người trực tiếp điều khiển xe. Theo Điều 202 Bộ luật Hình sự năm 1999, người trực tiếp điều khiển gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng sẽ bị phạt tù cao nhất là 15 năm.
3 người tử vong gồm bà Nguyễn Thị Trúc (SN 1969, ở số nhà 58 phố Ái Mộ); ông Trần Việt Tiến (SN 1952, ở tổ 7 phường Bồ Đề); cháu Trần Gia Hân (6 tuổi, học trường Tiểu học Ngọc Lâm). Ông Tiến đang chở cháu Hân đi học thì gặp nạn, còn bà Trúc đang đi bộ dọc đường. |