Lái xe bỏ hàng ngàn bằng lái, trốn nộp phạt

Sự kiện: An toàn giao thông

CSGT các địa phương đang phải bất đắc dĩ lưu giữ hàng ngàn giấy phép lái xe (bằng lái) do các lái xe vi phạm giao thông không đến đóng phạt để nhận lại.

Lái xe bỏ hàng ngàn bằng lái, trốn nộp phạt - 1

Đội CSGT số 2 Công an TP Hà Nội tạm giữ giấy phép lái xe của các chủ phương tiện vi phạm để xử lý (ảnh chụp tại đường Âu Cơ, Tây Hồ, Hà Nội) - Ảnh: Tạ Tôn

7 năm chưa đến nộp phạt

Năm 2014, chị Nguyễn Thúy Vi (Đống Đa, Hà Nội) bị CSGT lập biên bản xử phạt hành chính gần 400 nghìn đồng lỗi đi sai làn đường và tịch thu GPLX. “Tôi đã tới ngân hàng để nộp tiền phạt nhưng do mất phiếu thu nên không được cán bộ CSGT trả lại GPLX. Do bận công việc, gần một năm sau tôi mới trở lại ngân hàng để xin lại phiếu thu nhưng không được giải quyết nên tôi đành bỏ cuộc. Chắc 2 năm nữa sau khi xong nghiên cứu sinh tại nước ngoài về nước tôi sẽ đi thi lại để xin cấp mới”, chị Vi chia sẻ.  

Tương tự, anh N.N.M (Kiến Xương, Thái Bình) chia sẻ: Năm 2016, anh bị CSGT Hà Nội giữ GPLX với lỗi đi quá tốc độ, bảo hiểm xe hết hạn. “Hạn giải quyết để lấy lại bằng lái chỉ trong 1 tháng nhưng tôi là dân công trình, nay đây mai đó nên hết hạn giải quyết lúc nào không hay. Khi nhớ tới thì biên bản giữ bằng lái bị mất. Vậy là đành phải làm đơn trình báo mất bằng rồi thi lại bằng mới”, anh M. kể.

Đây chỉ là hai trong số hàng chục nghìn trường hợp lực lượng CSGT phải bất đắc dĩ lưu giữ GPLX do người vi phạm không đóng phạt để nhận lại. Tại Hà Nội, nhiều đội CSGT phải sắm những chiếc tủ riêng để lưu trữ số lượng biên bản xử phạt, GPLX của các lái xe chưa đến thực hiện quyết định xử lý của CSGT, dù đã gửi thông báo nhiều lần.

Trung tá Nguyễn Trung Thành, Đội trưởng Đội CSGT số 6 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) cho biết, đến nay, số GPLX bị tạm giữ, người vi phạm chưa đến giải quyết là hơn 1.000 chiếc, chủ yếu là GPLX xe máy, mô tô, chiếm 80%. Có những biên bản xử phạt vi phạm hành chính của người vi phạm lập từ năm 2010, đến nay đã 7 năm nhưng người vi phạm vẫn không đến giải quyết.

“Có nhiều lý do mà người vi phạm bỏ luôn GPLX như mức phạt cao hơn chi phí cấp lại GPLX, có một GPLX khác hoặc có GPLX giả, người vi phạm ở các tỉnh, thành khác ngại quay lại đóng phạt nên họ về lại địa phương xin cấp GPLX mới…”, Trung tá Thành nói và cho biết thêm: Các trường hợp người điều khiển phương tiện vi phạm quá thời gian hẹn, CSGT đều gửi giấy mời đến giải quyết vi phạm. Tuy nhiên, thường chỉ khi tiếp tục vi phạm và bị CSGT giữ phương tiện họ mới quay trở lại nơi vi phạm trước đó để giải quyết vi phạm. Còn không người vi phạm cứ giữ biên bản vi phạm tiếp tục điều khiển phương tiện cũng rất nhiều. Hơn nữa, việc cấp GPLX hiện nay rất đơn giản, ở đâu cũng thấy dán quảng cáo của trung tâm đào tạo cấp GPLX”, Trung tá Thành cho biết.

Tương tự, tại Đội CSGT số 14, thống kê từ năm 2011-2016 đang có gần 1.000 trường hợp giấy tờ tồn đọng, trong đó chủ yếu là GPLX mà người vi phạm không đến xử lý. Còn tại Đội CSGT số 2, qua thống kê, hiện số GPLX mô tô, xe máy đang bị tạm giữ tại đội mà người vi phạm chưa đến giải quyết là hơn 2.000 chiếc. Con số này ở Đội CSGT số 4 là hơn 3.369 GPLX.

Tại Hà Tĩnh, từ 2012 - 2016, Phòng CSGT Công an tỉnh Hà Tĩnh còn tồn kho 790 hồ sơ xử lý vi phạm hành chính, trong đó, có 630 trường hợp bị giữ GPLX. Đại úy Diệp Xuân Quyền, Đội trưởng Đội Xử lý, Phòng CSGT Hà Tĩnh cho hay, số lượng hồ sơ tồn kho còn nhiều, ngoài lý do khách quan thì nguyên nhân chủ quan do ý thức của người vi phạm đến cơ quan chức năng để nộp phạt và lấy lại hồ sơ còn thấp. Công tác quản lý nhà nước giữa các đơn vị, địa phương đã có sự kết nối, phối hợp nhưng chưa chặt chẽ và có sự chồng chéo. Công tác cưỡng chế vi phạm vẫn chưa được thực hiện.

Lái xe bỏ hàng ngàn bằng lái, trốn nộp phạt - 2

CSGT Hà Nội lập biên bản tạm giữ GPLX và các giấy tờ khác có liên quan của người điều khiển phương tiện vi phạm giao thông - Ảnh: Tạ Tôn

Cần sớm kết nối thông tin

Nhiều ý kiến cho rằng, việc thiếu liên kết thông tin giữa các cơ quan chức năng đã dẫn đến tình trạng lỏng lẻo trong quản lý. Một lãnh đạo Đội Tuyên truyền, điều tra giải quyết TNGT, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội đề xuất, cần phải siết chặt lại khâu tổ chức thi, sát hạch, cấp GPLX. Bên cạnh đó, đồng bộ hóa cơ sở dữ liệu trong việc quản lý các trường hợp vi phạm TTATGT. Cơ quan chức năng sớm đưa ra quy định có tính răn đe đối với các trường hợp khai báo gian dối trong quá trình làm thủ tục xin cấp lại GPLX. Có như vậy, các trường hợp vi phạm mới không “nhờn” luật.

“Cơ quan quản lý cấp đổi GPLX cần phối hợp một cách đồng bộ giữa trung tâm đào tạo cấp GPLX hoặc Sở GTVT các tỉnh, khi cấp thì cần kiểm tra, cũng như tra cứu xem người đó đã từng có GPLX chưa. Trường hợp đã có GPLX thì lý do vì sao lại phải xin cấp lại hoặc phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an xem GPLX đó bị tạm giữ ở đâu, nếu trường hợp vi phạm không đến xử lý thì không cấp GPLX mới, có như vậy mới đảm bảo hạn chế việc người vi phạm bỏ GPLX và đảm bảo siết chặt trong công tác quản lý đào tạo cấp GPLX”, một lãnh đạo Đội CSGT số 12 (Công an TP Hà Nội) kiến nghị.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Thắng Quân, Vụ trưởng Vụ Phương tiện và Người lái (Tổng cục Đường bộ VN) cho biết, Thông tư liên tịch 01 giữa Bộ GTVT và Bộ Công an quy định chỉ trao đổi thông tin cho ngành GTVT đối với trường hợp người vi phạm bị tước quyền sử dụng GPLX. Sau đó, ngành GTVT mới cập nhật vào cơ sở dữ liệu GPLX tra cứu trên toàn quốc và người vi phạm không được cấp lại GPLX.

“Tổng cục đã xây dựng hệ cơ sở dữ liệu quản lý GPLX từ tháng 7/2012. Phần mềm này giúp lực lượng CSGT có thể cập nhật ngay vi phạm. Tuy nhiên, hiện các quyết định xử phạt chủ yếu được gửi bằng văn bản đến các Sở GTVT hoặc Tổng cục Đường bộ VN cập nhật. Do làm thủ công như vậy nên mất nhiều thời gian. Nhiều khi quyết định xử phạt gửi sang đến nơi thì đã quá thời gian 2 tháng xác minh theo quy định nên phải cấp lại GPLX cho người vi phạm. Bên cạnh đó, từ trước đến nay cũng chỉ mới gửi vi phạm một chiều, chiều ngược lại khi người vi phạm đã giải quyết xong lại không được phản hồi. Có nhiều trường hợp người vi phạm bị mất giấy tờ liên quan đến việc đã giải quyết xong vi phạm, nên ngành giao thông không có cơ sở rằng họ đã giải quyết xong nên không thể cấp lại GPLX”, ông Quân nói.

Cũng theo ông Quân, phía CSGT đã từng đề xuất cập nhật dữ liệu người vi phạm vào phần mềm của họ. Thống nhất phương án này, Tổng cục đã gửi văn bản, dự thảo quy chế đề nghị phối hợp từ đầu năm nhưng đến nay vẫn chưa nhận được câu trả lời. “Nếu không có sự phối hợp liên thông sẽ rất khó quản lý. Trong trường hợp sau 2 tháng không tra cứu được vi phạm, chúng tôi không cách nào khác phải cấp GPLX cho người dân nếu nhận được đề nghị”, ông Quân nói thêm.

Căn cứ nào để CSGT kiến nghị dừng đăng kiểm xe ”dính” phạt nguội?

Cục CSGT khẳng định, việc gửi kiến nghị dừng đăng kiểm với xe ô tô chưa hợp tác giải quyết vi phạm giao thông là có...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nhóm PV (Báo Giao thông)
An toàn giao thông Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN