Lái xe 50cc, xe máy điện phải có bằng lái?
Nhiều ý kiến đồng thuận việc phải đào tạo và sát hạch đầy đủ đối với người từ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển xe máy 50 cc hay xe máy điện
Tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ mới đây, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia, đã đề nghị có quy định người từ 16 đến dưới 18 tuổi điều khiển xe máy dưới 50 phân khối (50cc) hoặc xe máy điện, phải có giấy phép lái xe (GPLX) hoặc chứng chỉ lái xe.
Thiếu kỹ năng xử lý tình huống
Dẫn số liệu thống kê năm 2023, ông Khuất Việt Hùng cho biết có khoảng 2.300 người dưới 18 tuổi tử vong và bị thương do tai nạn giao thông, trong đó khoảng 1.000 trẻ em tử vong. Đáng chú ý, 80% nhóm này rơi vào độ tuổi từ 15 đến dưới 18 tuổi, đa số tự điều khiển phương tiện gây tai nạn.
Ông Hùng cho rằng khoản 3, điều 7 của dự thảo Luật Trật tự, ATGT đường bộ quy định trường THPT và cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ trì, phối hợp với lực lượng CSGT hướng dẫn kỹ năng lái xe máy an toàn theo quy định cho học sinh từ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi học tại cơ sở giáo dục đó. Tuy nhiên, ông Khuất Việt Hùng nhận định đây là một "khoảng trống pháp lý" và có nhiều bất cập. "Không rõ hướng dẫn kỹ năng lái xe an toàn ở đây theo quy định nào và ai quy định? Lực lượng CSGT đến hướng dẫn thì có chứng chỉ đào tạo về kỹ năng lái xe an toàn, có đủ điều kiện hay không? Bên cạnh đó, giao cho trường THPT và cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ trì sẽ dẫn đến tình trạng quá tải bởi không có cơ sở vật chất để tổ chức" - ông Hùng đặt vấn đề. Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia đề nghị phải tổ chức sát hạch GPLX cho học sinh như đào tạo, sát hạch (ĐTSH) GPLX hạng A1 và phải đưa vào trung tâm sát hạch chính quy để thực hiện.
Theo ông Hùng, TP Hải Phòng là một trong những địa phương xảy ra rất nhiều tình trạng học sinh đi xe máy dưới 50cc bị tai nạn giao thông. Ngoài những nguyên nhân khách quan thì một phần là do học sinh được trang bị những phương tiện có tốc độ cao như xe đạp điện, xe máy 50cc nhưng lại thiếu kỹ năng xử lý tình huống. Trước tình hình tai nạn giao thông liên quan đến xe máy điện, xe máy dưới 50cc do học sinh điều khiển, năm 2019 lãnh đạo Công an TP Hải Phòng phối hợp với Ban ATGT có văn bản đề nghị cơ quan chức năng sớm ban hành quy định, yêu cầu người điều khiển loại xe này phải trải qua lớp sát hạch để được cấp GPLX hoặc chứng chỉ lái xe để được điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Ông Nguyễn Mạnh Hưng (ngụ quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) cho biết trong quá trình lưu thông trên đường phố Hà Nội, trước cổng các trường THPT, không khó bắt gặp hình ảnh học sinh ngồi trên những xe máy điện, xe máy phóng lạng lách, bạt mạng trên đường phố rất nguy hiểm, nhiều em không đội mũ bảo hiểm. "Do đó cần trang bị kiến thức pháp luật giao thông, ý thức tham gia giao thông; đào tạo kỹ năng và sát hạch cho người đi xe máy điện, xe dưới 50cc để bảo đảm ATGT" - ông Hưng nêu quan điểm.
Một học sinh trên địa bàn TP Hà Nội không đội mũ bảo hiểm khi điều khiển xe máy điện Ảnh: Tuấn Lương
Đào tạo, sát hạch là cần thiết
Đồng tình với ông Khuất Việt Hùng, bà Lý Thị Lan, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang, cũng kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành xem xét ban hành quy định về ĐTSH, sử dụng xe máy dưới 50cc để bảo đảm người dân khi tham gia giao thông đều nhận thức đầy đủ ATGT. Theo bà Lan, hiện học sinh THPT, người trên 16 tuổi sử dụng xe dưới 50cc tham gia giao thông nhiều, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn bởi người điều khiển chưa được ĐTSH, thậm chí nhận thức chưa đầy đủ về pháp luật giao thông.
TS Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông, bày tỏ quan điểm đồng tình với đề xuất của ông Khuất Việt Hùng. Ông Thủy còn cho rằng việc ĐTSH GPLX đối với người điều khiển xe máy dưới 50 cc đáng ra phải được làm từ nhiều năm trước. Theo chuyên gia này, xe máy dưới 50 cc dù tốc độ không cao nhưng với tình hình giao thông hiện nay, nhất là giao thông ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM, thì khi tham gia giao thông vẫn có nguy cơ gây tai nạn giao thông. Tuy nhiên, ông Thủy đề xuất với người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi, phương thức thực hiện có thể cân nhắc, chỉ cần trải qua khóa ĐTSH về kiến thức giao thông cũng như kỹ năng điều khiển phương tiện. Còn việc cấp GPLX hay chứng chỉ thì các cơ quan thực hiện có thể cân nhắc, xem hình thức áp dụng phù hợp.
TS Phan Lê Bình, chuyên gia giao thông cũng cho rằng cần thiết phải tổ chức ĐTSH đối với người điều khiển xe máy dưới 50 cc và việc này nên giao cho các trung tâm ĐTSH chuyên nghiệp thay vì để các trường học với đội ngũ giáo viên không phải là những người có chuyên môn trong giảng dạy kỹ năng lái xe. Ông Bình phân tích xe có dung tích dưới 50cc với tốc độ 40-50 km/giờ, có thể gây thương tích nghiêm trọng, thậm chí tử vong. "Nhiều gia đình giao xe cho con em tham gia giao thông nhưng ít gia đình hướng dẫn kỹ năng lái xe an toàn. Do đó, để cấp GPLX đơn giản, hoặc chứng chỉ điều khiển phương tiện sẽ đem lại an toàn hơn trong lái xe và cần có giáo trình giảng dạy phù hợp" - ông Bình nói.
90% số vụ tai nạn nghiêm trọng thuộc nhóm tự đi xe đến trường TS Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia, cho rằng một số nghiên cứu gần đây tại Hà Nội và TP HCM chỉ ra 90% số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng liên quan trẻ em thuộc nhóm tự đi xe đến trường. Theo dữ liệu tai nạn giao thông của Phòng CSGT Hà Nội, tai nạn của trẻ em do đi sai phần đường quy định chiếm 34%; vi phạm tốc độ 30% và thiếu quan sát 26%. Ông Trần Hữu Minh phân tích các nguyên nhân gây tai nạn này cho thấy học sinh thiếu kỹ năng và kiến thức giao thông. "Đề xuất người từ 16 đến dưới 18 tuổi khi điều khiển xe máy điện có công suất nhỏ hơn 4 KW, xe máy dưới 50cc phải có GPLX là rất đúng đắn" - ông Minh nói. |
Nhiều nước quy định GPLX dưới 50cc Tại Thái Lan, chỉ những cá nhân từ 15 tuổi trở lên và có GPLX mới được sử dụng xe máy, bao gồm xe dưới 50cc. Luật pháp Thái Lan cho phép học sinh từ 15 tuổi trở lên nộp đơn xin cấp GPLX dưới 110cc. Tại Trung Quốc, với những phương tiện chạy bằng động cơ diesel hoặc xăng, người điều khiển cần có bằng lái và phải từ 18 tuổi trở lên (bằng F đối với xe dưới 50cc). Tuy nhiên, quy định bằng lái không được áp dụng đối với xe điện, vốn được phân loại là xe đạp nhằm khuyến khích người dân sử dụng phương tiện "thân thiện với môi trường". Vào tháng 8 -2023, Bộ trưởng Nội vụ Campuchia Sar Sokha đề xuất cấp bằng lái cho các loại xe máy từ 60cc đến 125cc nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông trong nước. Hiện Campuchia vẫn cho phép người dân lái xe máy dưới 125cc mà không cần bằng. Tại Philippines, độ tuổi tối thiểu để thi bằng lái xe máy là 17 tuổi. Philippines sử dụng mã bằng để phân loại phương tiện mà người đứng tên được phép điều khiển. Chẳng hạn, những người được cấp bằng A có thể lái phương tiện thuộc nhóm L1 và L3 (xe 2 bánh, tốc độ không quá 50 km/giờ), L2 (xe 3 bánh, tốc độ không quá 50 km/giờ). Luật pháp Nhật Bản yêu cầu người sử dụng phương tiện 2 bánh dưới 50cc phải có bằng lái. Để được cấp bằng, người đăng ký phải từ 16 tuổi trở lên và phải hoàn thành một bài thi viết gồm 50 câu hỏi được đánh giá là "không quá khó". Vượt qua bài kiểm tra này, thí sinh sẽ phải tham gia khóa học lái xe an toàn kéo dài 3 giờ để được hướng dẫn cách khởi động xe và bóp thắng. Thí sinh sẽ được cấp GPLX dưới 50cc nếu họ không làm tổn thương bản thân hoặc người khác. Tại Mỹ, 44 trong 50 bang yêu cầu người sử dụng phương tiện dưới 50cc phải có bằng lái, trong khi 6 bang còn lại không yêu cầu. Chẳng hạn như tại bang Alabama, những người muốn lái xe dưới 50cc phải có bằng B và phải từ 14 tuổi trở lên. Tại bang Arizona, chỉ những người từ 16 tuổi trở lên và có bằng lái xe máy mới được phép điều khiển phương tiện dưới 50cc. Các bang Arkansas, Colorado, Florida, Bắc Carolina, Virginia và Wyoming không yêu cầu bằng lái đối với những người sử dụng xe máy dưới 50cc. Luật pháp Liên minh châu Âu (EU), quy định độ tuổi tối thiểu để lái xe máy dưới 50cc là 16 tuổi, song một số nước thành viên được phép nâng độ tuổi này lên 18 hoặc hạ xuống 14. Ví dụ như ở Cyrus và Đan Mạch, độ tuổi tối thiểu để sử dụng phương tiện dưới 50cc lần lượt là 17 và 18 tuổi. Trong khi đó, ở Đan Mạch, người dân từ 15 tuổi trở lên đã được phép lái "xe gắn máy nhỏ" có tốc độ tối đa không quá 30 km/giờ. Tại Vương quốc Anh, để lái xe bao gồm xe dưới 50cc trên đường phố, cần phải có giấy phép lái xe tạm thời và sau đó hoàn thành khóa đào tạo cơ bản bắt buộc (CBT). Sau khi hoàn thành CBT, người từ 16 tuổi trở lên được phép điều khiển xe dưới 50cc. Trong vòng 2 năm kể từ ngày được cấp chứng chỉ CBT, phải vượt qua bài kiểm tra thực hành nếu không muốn thi lại CBT hoặc bị cấm điều khiển xe máy. Những trường hợp lái xe máy, kể cả xe dưới 50cc, khi chưa được cấp hoặc đã bị tước chứng chỉ CBT có thể bị phạt lên đến 1.270 USD, theo trang web của chính phủ Vương quốc Anh. C.Lực |
Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, đề nghị người từ 16 đến dưới 18 tuổi điều khiển xe máy dưới 50cc phải có giấy phép lái xe hoặc chứng chỉ lái xe
Nguồn: [Link nguồn]