Lai lịch bí ẩn của người khổng lồ ở miền Tây

Sự kiện: Thời sự

Câu chuyện về người đàn ông ở miền Tây có thân hình khổng lồ, cao hơn 2m, sức lực kinh khủng và có thể ăn hết cùng lúc 50 viên chè trôi nước khiến nhiều người phải tò mò.

Lai lịch bí ẩn của người khổng lồ ở miền Tây - 1

Người “khổng lồ” Nguyễn Văn Y

Ăn một lúc 50 viên chè trôi nước

Con đường nhựa từ trung tâm huyện Phong Điền dẫn về ấp Trường Trung A, xã Tân Thới mùa này khá mát mẻ. Những vườn trái cây hai bên đường đang trổ hoa ra trái. Hỏi thăm nhà của “người khổng lồ” Nguyễn Văn Y (61 tuổi) thì ai cũng biết, bởi ông là người có chiều cao và cân nặng “khủng” nhất nơi đây.

Ông Y sống một mình trong căn nhà lụp xụp nhỏ xíu ven đường. Bên cạnh là nhà của cô Nguyễn Thị Hồng Phượng - người em gái thứ sáu của ông Y, phía sau nhà của ông Nguyễn Văn Hoá (87 tuổi) – cha của “người khổng lồ” này. Ông Hoá cho biết, ông Y thực ra không phải là con ruột của cụ. Trước đây, vợ chồng ông Hoá sinh được 3 người con nhưng nuôi không được. Đến năm 1956, vợ chồng đến nhà bảo sanh Cần Thơ nhận ông Y làm con nuôi.

Lai lịch bí ẩn của người khổng lồ ở miền Tây - 2

Ông Nguyễn Văn Hoá và con nuôi Nguyễn Văn Y

“Khi đó, thằng Y mới được 3 ngày tuổi nhưng lớn hơn rất nhiều so với những đứa trẻ sơ sinh cùng trang lứa. Mẹ ruột của Y quê ở Đồng Tháp và có thể cha ruột của nó là người ngoại quốc. Lúc đất nước giải phóng, mẹ ruột của Y có đến thăm con trai một lần. Khi đó, tôi hỏi: “người ta đồn cha ruột thằng Y là người nước ngoài có đúng không?”. Nghe xong bà ấy nói không phải rồi bỏ về, từ đó đến nay chưa quay lại thăm thằng Y lần nào nữa. Không ai biết thằng Y là người nước nào”, ông Hoá cho biết, sau khi xin ông Y về, vợ ông sinh một lèo 8 người con nữa.

Ông Hoá nói tiếp, Y lúc nhỏ lớn nhanh như thổi tuy nhiên nói chuyện chậm, thần kinh có vấn đề. “Từ lúc thằng Y còn nhỏ vợ chồng tôi đã biết thần kinh của nó không ổn rồi, nhưng vẫn yêu thương nó như con ruột. Thời bao cấp mua vải may quần áo phải có tem phiếu. Nhà tôi đông người nên được 10 suất. Nhưng hễ may quần áo cho thằng Y thì 5 người khác phải “nhịn” để nhường vải cho nó”, ông Hóa tâm sự.

Dù ngờ nghệch nhưng ông Y rất hiếu thảo với cha mẹ. Thời trai trẻ, ông đi làm thuê, làm mướn khắp xã để kiếm tiền nuôi gia đình. “Thời trẻ anh trai tôi đi khắp nơi làm mướn nuôi mẹ, nuôi em. Trong xã hễ ai có việc nặng nhọc như đốn cây, đào đất, xây nhà… đều gọi anh ấy đến làm. Lúc không có việc thì anh ấy đi chài khắp các kênh rạch để kiếm cá về cho cha, mẹ. Anh ấy hiếu thảo lắm, khổ nỗi do trí óc, nói năng không bình thường nên hay bị người ta lừa, làm 3 ngày có khi chỉ nhận được 1 ngày công”, cô Nguyễn Thị Hồng Phượng – em ruột ông Y nói.

Theo cô Phượng, lúc trưởng thành ông Y cao đến 2m18, nặng gần 100 kg và có sức vóc gấp nhiều lần người bình thường: “Bao lúa mấy chục kg anh Y tự bốc lên vai rồi bước đi băng băng. Khi vét mương, anh ấy quăng cục đất xa cả chục mét".

Ông Y ăn rất khoẻ, mỗi ngày ăn hơn 1kg gạo. Đặc biệt, ông Y rất thích ăn chè trôi nước, có thể ăn cùng lúc mấy chục viên mà không ngán. “Ngày trước anh Y ăn một lúc hết 50 viên chè trôi nước khiến ai nhìn cũng phải sợ. Khi đó, nấu chè xong, tôi múc 25 chén chè, mỗi chén 2 viên, thế là anh ấy ăn sạch. Bây giờ, lớn tuổi, sức khoẻ yếu nên anh Y chỉ ăn được 15 viên thôi”, cô Phượng nói về người anh “khổng lồ”.

Lai lịch bí ẩn của người khổng lồ ở miền Tây - 3

Bàn chân khổng lồ của ông Y

Ngoài sức khỏe và sức ăn tốt, điều dễ nhận biết nữa ở ông Y là bàn chân khổng lồ, dép ở cửa hàng bán không đôi nào ông mang vừa. Trước đây, thấy con trai đi chân không bị vật nhỏ đâm, cắt chảy máu chân, ông Hoá thấy tội nghiệp nên thuê thợ đến nhà cắt vỏ máy cày làm dép nhưng chỉ mang được vài ngày là hư.

“Chân anh Y lớn hơn người bình thường nên dép bán ngoài chợ mang không vừa nên cha tôi thuê thợ đến làm dép. Mà dép làm xong mang vô lúc thiếu chiều ngang, lúc chật chiều dài nên rất mau hư vì vậy anh Y phải đi chân không”, cô Phượng nói.

Cuộc sống khó khăn của người “khổng lồ”

Ông Y sống trong căn nhà tình thương, mái lợp bằng fibro- ximăng, hai bên vách lại làm bằng tôn nên lúc nào cũng nóng hầm hập như lò bánh mì. Nhà chỉ có một cái giường bằng xi măng và một cái ti vi nhỏ. Ông Y bị bệnh nằm co ro, ho sù sụ. Ông cố ngồi dậy húp xì xụp tô mì ăn liền mà người em gái vừa nấu cho. “Mấy bữa nay tôi bị sốt, nằm ở nhà không có đi ra ngoài đường”, ông Y nói với giọng nói tiếng được tiếng mất.

Theo ông Hoá, dù có thân hình lực lưỡng khác người, nhưng xấu trai, lại ngờ nghệch, nên đến giờ ông Y vẫn là “trai tân”. Gần đây, do đau bệnh triền miên, đôi mắt gần như mù, đi lại khó khăn, bàn tay phải do vô tình chặt trúng bị gãy cong nên ông Y chẳng còn sức đi làm mướn.

“Giờ không đi làm mướn nữa, nó đi lang thang suốt, ai cho gạo, đồ ăn thì mang về. Có lần người ta thương cho bao gạo, chân nó yếu nhưng ráng vác về nhà, đi liêu xiêu giữa đường, chút nữa là bị xe tông. Có bữa, thấy nó đi tới 10h đêm không về tôi kêu mấy đứa cháu chạy xe đi kiếm vì biết mắt nó không thấy đường, không về nhà được”, ông Hóa xúc động nói về người con trai nuôi.

Nói về tin đồn, ông Y từng trúng số độc đắc, ông Hoá cười xoà rồi bảo: “Ngày trước nó nói có mua 1 tờ vé số. Sau đó người bán vé số dạo nói tờ vé số đó trúng 200 nghìn đồng, kêu nó đổi. Nó không biết chữ lại khờ nên đổi luôn. Mà thời điểm đó, trong xóm có người trúng số độc đắc, còn sự việc như thế nào thì tôi không rõ”.

Theo chính quyền địa phương, Hiện nay mỗi tháng ông Y được nhận bảo trợ xã hội 540.000 đồng. Ngoài ra, khi có các chương trình từ thiện tặng quà vào các dịp lễ tết, địa phương đều quan tâm ưu tiên cho ông Y.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Oanh Kiều ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN