Lại gặp khó vì giấy đi đường

Sự kiện: Tin tức COVID-19

Mặc dù ngày 6/9, dự kiến có 6 nhóm đối tượng được lực lượng chức năng xét duyệt hồ sơ, cấp giấy đi đường. Thế nhưng do quá gấp gáp,chưa biết xoay xở ra sao, nhiều doanh nghiệp (DN) xác định tạm nghỉ đến khi có hướng dẫn cụ thể.

Kiểm tra lý do người dân ra đường

Kiểm tra lý do người dân ra đường

Không kịp xin giấy đi đường

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, một DN trông giữ phương tiện trên địa bàn quận Hoàn Kiếm cho biết, từ sáng 5/9 khi Công an Hà Nội có thông báo về quy trình xét duyệt, cấp giấy đi đường, thẻ đi mua hàng thiết yếu tại vùng 1 (vùng đỏ) phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19, DN này đã hỏi khắp nơi để xác định mình thuộc nhóm đối tượng nào. Đến chiều cùng ngày, DN cho biết vẫn chưa thực hiện được thủ tục xin cấp giấy đi đường, do đó đến ngày 6/9 chưa biết cho nhân viên đi thực hiện công việc ra sao.

Bà Hoàng Dương (doanh nghiệp sản xuất thực phẩm có trụ sở tại phường Bồ Đề, quận Long Biên) cho biết, đến chiều 5/9, cơ sở sản xuất của bà vẫn chưa biết thủ tục liên quan việc cấp giấy đi đường theo quy định mới của thành phố Hà Nội. Công an phường dù trao đổi thông tin thường xuyên với phía doanh nghiệp nhưng đến nay chưa có hướng dẫn cụ thể nào.

Theo lãnh đạo DN này, đơn vị đang phải xin giấy đi đường theo 2 hướng riêng. Khối thứ nhất là văn phòng, sản xuất. Khối này phải xin xác nhận từ cảnh sát khu vực thuộc Công an phường. Khối thứ hai là các nhân viên giao hàng (shipper), phải xin xác nhận từ Sở Công Thương Hà Nội. Đối với khối shipper, DN đang thực hiện theo mẫu cũ gửi lên Sở Công Thương Hà Nội. Sở này đã có tin nhắn xác nhận hồ sơ và chuyển cho Sở Giao thông Vận tải (GTVT). Tuy nhiên đến nay DN vẫn chưa nhận được phản hồi của Sở GTVT Hà Nội và cũng không có đầu mối của Sở GTVT để kiểm tra tiến độ. “Theo quy trình này thì gần như DN sẽ không được cấp giấy đi đường vào ngày 6/9, chúng tôi đã thông báo cho nhân viên tạm nghỉ để chờ thông tin”, bà Dương nói.

Ông H (đại diện một DN tại quận Đống Đa) cho biết, từ sáng 5/9, ông và cả nhân viên đi hỏi khắp nơi để tìm hiểu về việc xin cấp giấy đi đường. Thực tế, ngay việc nhận định DN ở nhóm 2 hay nhóm 6 để xin phép cũng đã “đau đầu”. Bên cạnh đó, ông H cho biết, chính quyền yêu cầu 3 mẫu đăng ký gồm: Công văn đề nghị; Phương án sử dụng lao động; Phương án phòng chống dịch. Thế nhưng chỉ có 2 mẫu đầu tiên, mẫu phương án phòng chống dịch DN đang... tra google để tìm hiểu. DN này cũng đang xác định tùy tình hình có thể phải đóng cửa cả 3 chuỗi cửa hàng nếu không xin kịp giấy đi đường mẫu mới.

Thiếu hướng dẫn cụ thể

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong về điều kiện di chuyển giữa 3 phân vùng phòng chống dịch ở Hà Nội, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho rằng, nguyên tắc nêu ra là phải thực hiện “vùng nào di chuyển ở vùng đó, không trộn lẫn” để phòng chống dịch COVID-19. “Chỉ 6 nhóm đối tượng đủ điều kiện cấp giấy đi đường được đi xuyên vùng. Các shipper cũng chỉ hoạt động theo vùng, đó mới là làm chặt và đúng để phòng, chống dịch COVID-19”, ông Tuấn nêu. Đại diện lãnh đạo quận Hoàn Kiếm cho biết, quận là địa bàn thuộc “vùng 1”, việc kiểm soát đi lại sẽ thực hiện theo quy định chung của cả phân vùng 1, thực hiện tại các chốt cửa ngõ vùng, trường hợp nào đủ điều kiện qua các chốt trực đồng nghĩa đủ điều kiện hoạt động trên địa bàn quận.

Hiện nay, theo văn bản của Sở GTVT Hà Nội, phương án đưa ra chỉ tổ chức phân luồng giao thông đối với người và phương tiện “được phép mới ra đường” và di chuyển từ vùng 1 (vùng đỏ) ra vào vùng 2 (vùng cam), vùng 3 (vùng xanh) và ngược lại thông qua 21 chốt cứng của liên ngành. Người và phương tiện không thuộc đối tượng được phép ra đường không lưu thông qua các chốt. Cụ thể, người và phương tiện từ vùng 1 muốn ra vào vùng 2 lưu thông qua 6 chốt kiểm soát, gồm: Cầu Thăng Long, Cầu Nhật Tân, Cầu Long Biên, Cầu Chương Dương, Cầu Vĩnh Tuy, Cầu Thanh Trì. Đối với người và phương tiện tham gia giao thông (thuộc đối tượng “được phép mới ra đường”) đi từ vùng 1 ra vào vùng 3 và ngược lại thông qua các chốt: Cống Liên Mạc, cầu Diễn, cầu Xuân Phương, cầu Ngà, cầu sông Đáy, cầu An Lạc, cầu 72II, cầu Cù Sơn, cầu Tân Phú, cầu Mai Lĩnh, Ngã ba đê Tả Đáy, cầu Thạch Bích, cầu Khe Tang, cầu Qua, cầu Quán Gánh, Ngã ba đê Hữu Hồng - trạm bơm Hồng Vân.

Một đại diện lãnh đạo huyện thuộc phân vùng 2 cho biết, Ban Thường vụ huyện ủy chiều 5/9 đã họp, cho ý kiến về các quy định, điều kiện cần thiết đối với người từ các nơi khác vào địa bàn huyện. Riêng với công dân của huyện, những trường hợp đang tạm trú trên địa bàn huyện, đề xuất các chốt trực trên địa bàn chỉ kiểm tra chứng minh thư/căn cước công dân. Với những người liên quan yếu tố dịch bệnh trên địa bàn huyện (nếu có) sẽ có thêm các quy định khác, đảm bảo an toàn cho cộng đồng. “Các DN sẽ được sản xuất, vì thành phố phân vùng để tạo điều kiện cho vùng 2 có thể hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, việc kiểm soát hoạt động thế nào cần tiếp tục bàn bạc, thống nhất”, vị này nêu.

Ghi nhận của phóng viên Tiền Phong chiều 5/9, tại chốt QL32 được bố trí ở khu vực cầu Diễn (Bắc Từ Liêm), trong hàng nghìn người và phương tiện qua lại đây trong thời điểm từ 13 - 16h, chỉ có hơn 30% có giấy tờ ra đường đầy đủ theo quy định, còn lại bị lực lượng làm nhiệm vụ tại chốt trực yêu cầu quay đầu.

Đại diện Công an Hà Nội thông tin, cùng với việc duy trì các lực lượng như ở chốt trực cửa ngõ, gồm CSGT, Thanh tra giao thông, Quân đội, Y tế, Cơ động, tại 21 chốt trực nội đô còn có sự tham gia của Cảnh sát hình sự, lực lượng an ninh.

Trọng Đảng

Khó thực hiện

Lại gặp khó vì giấy đi đường - 2

Từ hôm nay 6/9, Hà Nội tiếp tục siết việc kiểm tra người ra đường để đảm bảo chống dịch hiệu quả. Ảnh: Mạnh Thắng

Chị Phương (lãnh đạo một doanh nghiệp sản xuất thực phẩm tại quận Hoàng Mai) rất lo lắng khi nghe thông tin việc cấp giấy đi đường sẽ do Công an thành phố Hà Nội triển khai cấp cho các đơn vị. Ngay sau khi biết tin, DN đã liên hệ với Công an phường Hoàng Văn Thụ nhưng lại nhận hướng dẫn khá phức tạp khiến DN bị “rối”. Cụ thể, cơ quan chức năng yêu cầu DN bổ sung “Phương án phòng chống dịch” để gửi UBND phường tổng hợp gửi UBND quận phê duyệt. Sau khi có phương án này thì cơ quan công an mới có cơ sở để cấp giấy đi đường. “Với mặt hàng thực phẩm nếu không được lưu thông hàng hóa nhanh thì chi phí tăng rất cao. Quy trình như vậy rất khó có thể cấp được giấy đi đường mới cho cán bộ công nhân viên của công ty”, chị Phương lo lắng.

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng, đối với vấn đề quy định lại về việc cấp giấy đi đường ông cho rằng vẫn chưa hợp lý.

Cụ thể, quy định, hướng dẫn có những nội dung khó hiểu, dẫn đến áp lực cho người dân, doanh nghiệp và quá tải đối với cơ quan chức năng trong việc cấp giấy đi đường. Theo dự kiến, quy trình cấp giấy đi đường chủ yếu có hai cơ quan (2 cấp) có thẩm quyền cấp giấy là Công an phường và Công an thành phố.

Trong khi đó, đối tượng được phép đi lại theo Chỉ thị 16 tại Hà Nội là 6 nhóm, nếu để hai đầu mối này cấp giấy đi đường khả năng sẽ quá tải, chậm trễ dẫn đến khó khăn cho công dân, doanh nghiệp và quá tải về công việc đối với chính cơ quan công an.

Với số lượng người được phép ra đường như hiện nay rất nhiều, khi quá nhiều người gọi điện và liên hệ qua email của cơ quan chức năng, các đầu mối tiếp nhận thông tin và xem xét cấp giấy hiện tượng quá tải hoàn toàn có thể xảy ra.

Theo ông Cường, để giảm thiểu số người ra đường thì đơn giản nhất là hạn chế số người được phép hoạt động trong thời gian thành phố áp dụng Chỉ thị 16 thay vì việc gia tăng các thủ tục hành chính, gây khó khăn, phức tạp cho việc cấp giấy ra đường, ảnh hưởng đến cả cơ quan chức năng và người dân trong việc thực hiện thủ tục này.

Nguồn: [Link nguồn]

Hà Nội chưa xử phạt theo giấy đi đường mới trong 2 ngày đầu tuần

Trong 2 ngày 6/9 và 7/9, lực lượng chức năng của thành phố Hà Nội chỉ kiểm tra, nhắc nhở, chưa xử phạt người chưa có...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hiểu Minh- Trường Phong ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN