Lại có bệnh nhân tử vong vì ăn tiết canh dịp Tết
Đầu năm mới, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương đã có bệnh nhân tử vong sau khi ăn tiết canh.
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, sáng mùng 1 Tết, bệnh nhân nam 48 tuổi ở Thái Bình tử vong do nhiễm liên cầu lợn.
Trước đó, bệnh nhân được chuyển đến BV trong tình trạng tụt huyết áp, sốc; bác sĩ đã dùng thuốc vận mạch nhưng huyết áp không hồi phục nên bệnh nhân đã tử vong.
Được biết, vào ngày 28 Tết, bệnh nhân ăn tiết canh tất niên. Ngày Tết gia đình mổ heo nhà tự nuôi để làm món tiết canh. Trong khi có 5 người cùng ăn nhưng chỉ bệnh nhân 48 tuổi bị nhiễm liên cầu lợn.
Bác sĩ Cấp cho biết, một ngày sau ăn tiết canh, bệnh nhân sốt cao, người lạnh run, rối loạn tiêu hóa nhưng không đến BV. Sau một ngày sốt, chiều 30 Tết, thấy bệnh nhân mệt lả, tụt huyết áp nên người nhà đã đưa đến trạm xá khám, sau đó chuyển lên BV tỉnh rồi đến BV Bệnh Nhiệt đới trung ương.
Bệnh nhân nhiễm liên cầu lợn điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương
Trong dịp Tết này, BV đã tiếp nhận gần chục ca nghi ngờ nhiễm liên cầu lợn, tất cả đều có tiền sử ăn tiết canh. Ngoài bệnh nhân này, còn 6-7 trường hợp khác cũng nhập viện do ăn tiết canh.
BS Nguyễn Trung Cấp cảnh báo, đến nay, tại bệnh viện, nhiều bệnh nhân nhiễm liên cầu lợn bị hoại tử phải cắt bỏ chân, tay thậm chí có bệnh nhân nặng đã tử vong. Hầu hết tất cả bệnh nhân nhiễm liên cầu lợn đều tiếp xúc trực tiếp với lợn hoặc ăn tiết canh lợn.
BS Cấp cho biết, tại các địa phương, vào dịp Tết Nguyên đán, người dân thường có thói quen mổ lợn và đánh tiết canh để liên hoan và nghĩ rằng tiết canh do nhà làm sẽ an toàn. Họ không biết rằng, trong tiết canh sống tiềm ẩn rất nhiều mầm bệnh nguy hiểm, từ tiêu chảy, tả lị, liên cầu khuẩn…Ngoài ra, quá trình cắt tiết, vi khuẩn ở da, lông dễ dàng xâm nhập vào máu.
Trong dịp tết dương lịch 2014, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương đã phải cấp cứu cho 2 trường hợp mắc bệnh liên cầu lợn do ăn tiết canh. Đó là, trường hợp bệnh nhân Nguyễn Văn T. (31 tuổi, ngụ Từ Liêm, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, sốc tụt huyết áp, xuất hiện các ban hoại tử trên da, nguy hiểm đến tính mạng.
Ngoài ra còn có trường hợp của bệnh nhân Trần Văn X. (32 tuổi, ngụ Ba Đình, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng sốt cao, tri giác lơ mơ, li bì hôn mê, sốc, tụt huyết áp. Trước đó, đi công tác Ninh Bình, bệnh nhân này đã ăn nhậu tất niên với bạn và ăn hai bát tiết canh dê để lấy may.
Theo BS Cấp, khi mắc liên cầu lợn, bệnh nhân thường sốt cao, tri giác lơ mơ, li bì hôn mê, sốc tụt huyết áp, xuất hiện các ban hoại tử trên da. Bệnh liên cầu khuẩn diễn biến rất nhanh, nhiễm trùng máu, suy đa phủ tạng, nếu không được cấp cứu kịp thời, nguy cơ tử vong rất lớn.
Bệnh viêm cầu lợn lây từ người sang người có diễn biến nhanh và rất phức tạp. Dấu hiệu ban đầu của bệnh rất khó nhận biết ngoài việc sốt cao, rét run. Nếu bệnh nhân nhập viện muộn nguy cơ tử vong là rất lớn. Nếu không may mắc bệnh thì bệnh nhân sẽ phải điều trị dài ngày và chi phí vô cùng tốn kém.
Theo thống kê của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư, từ đầu năm tới nay, 80% số bệnh nhân nhập viện đều trong tình trạng bệnh nặng hoặc đã bị biến chứng. Trong số đó có nhiều ca ở thể viêm màng não nặng, sốc, hoại tử, suy đa phủ tạng. Đáng chú ý là hầu hết bệnh nhân nhập viện muộn đều đã tử vong.
Các chuyên gia khuyến cáo, để phòng bệnh viêm cầu lợn, người dân tuyệt đối không lựa chọn thịt lợn ốm, thịt không có nguồn gốc, khi sử dụng cần phải đun chín, tuyệt đối không ăn tiết canh. Khi giết mổ phải có các thiết bị phòng hộ như khẩu trang, găng tay. Nếu thấy thịt lợn có dấu hiệu lạ như xuất huyết hoặc phù nề thì tuyệt đối không sử dụng. Nếu bệnh nhân có những biểu hiện như sốt cao, đau đầu, nôn, khó thở, nổi ban hoại tử trên người… cần tới ngay các cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời.