Hối hả lo phòng chống, bão nhẹ nhàng lướt qua
Cơn bão số 4 ban đầu được dự đoán có sức gió mạnh, đường đi phức tạp đổ bộ trực tiếp vào các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa.
Tàu thuyền tại Hải Phòng vào bờ trú tránh trước khi bão số 4 đổ bộ
Các tỉnh khu vực Đông Bắc bộ đã phải hoãn toàn bộ các cuộc họp, cấm biển tập trung mọi nguồn lực chống bão nhưng thực tế ảnh hưởng của bão khác nhiều thông tin dự báo.
Hối hả phòng chống, bão nhẹ lướt qua
Trước diễn biến của cơn bão số 4, ngày 16/8, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Trưởng Ban chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai (PCTT) đã đi kiểm tra và chỉ đạo công tác ứng phó tại Quảng Ninh, Hải Phòng và Thái Bình. Chiều cùng ngày, đích thân Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng trực tiếp đi kiểm tra công tác ứng phó bão số 4 tại Thanh Hóa.
Tại Hải Phòng, Ban chỉ huy PCLB&TKCN Hải Phòng liên tiếp ra 5 công điện, 3 thông báo về việc chỉ đạo các đơn vị, địa phương tập trung nguồn lực ứng phó bão số 4. Địa phương này đã huy động 4 xe thiết giáp lội nước, hơn 42.000 người xung kích hộ đê; 1.000 ô tô các loại, 264 tàu, xuồng, 199 máy phát điện, 1.300 tấn lương thực, 41.000 thùng mì tôm, 15.000 thùng nước đóng chai, 1 triệu bao tải và nhiều phương tiện, vật tư khác để triển khai phương án phòng chống bão số 4.
"Kinh phí phòng chống lụt bão được các cấp chính quyền từ địa phương tới T.Ư xây dựng theo kế hoạch hằng năm dựa trên quỹ ngân sách dự phòng. Dùng kinh phí cấp nào thì phải báo cáo với HĐND cấp đó. Nếu số chi vượt quá kế hoạch thì địa phương có thể báo cáo lên T.Ư để bổ sung”. Ông Nguyễn Đức QuangCục trưởng Cục Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai |
Tại Thái Bình, Nam Định, hàng chục nghìn phương tiện, tàu thuyền của ngư dân đã được yêu cầu vào nơi tránh trú bão an toàn; chính quyền cũng đã thực hiện di dời hàng chục nghìn người trước thời điểm bão đổ bộ.
Trưa 16/8, trong các bản tin phát đi trên các phương tiện thông tin đại chúng vẫn khẳng định: Bão số 4 đã mạnh thêm, hiện đang ở ngay trên khu vực đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/h), giật cấp 12 uy hiếp trực tiếp Hải Phòng. Tuy nhiên chiều 16/8 khi PV liên lạc, ông Trần Quang Tường, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Bạch Long Vĩ cho biết: Khoảng 10h30 ngày 16/8, bão số 4 bắt đầu ảnh hưởng đến huyện đảo, toàn bộ khu vực có mưa to. Từ 13h30 đến 15h cùng ngày, bắt đầu có gió mạnh cấp 8, cấp 9.
Chiều 16/8, bão số 4 đã đi qua đảo Bạch Long Vĩ, mọi công việc, sinh hoạt của quân và dân trên đảo đã trở lại bình thường. Đảo Bạch Long Vĩ không bị thiệt hại gì về người và tài sản trong cơn bão số 4.
Ông Nguyễn Văn Vinh, một người dân trên đảo Bạch Long Vĩ cho biết: “Với chúng tôi, khi chẳng có bão thì gió mạnh cấp 7, cấp 8 là chuyện bình thường. Cơn bão số 4 đi qua đảo chẳng qua gió chỉ mạnh hơn ngày thường một chút kèm theo mưa mà thôi”. Ghi nhận từ các địa phương khu vực Đông Bắc bộ như Quảng Ninh, Hải Dương, Thái Bình, ảnh hưởng lớn nhất của cơn bão cũng chỉ là vài cơn mưa nặng hạt kèm theo gió mạnh hơn ngày thường đôi chút.
“Không đâu dự báo được tuyệt đối”
Trước thông tin cho rằng Hải Phòng “tự ý chuẩn bị quá chu đáo” về việc ứng phó bão số 4, đại diện lãnh đạo UBND TP Hải Phòng bức xúc: “Chúng tôi không thể tự nghĩ ra dự báo bão, đó là nhiệm vụ của cơ quan khí tượng thủy văn T.Ư. Toàn bộ những chỉ đạo của chúng tôi phải căn cứ trên sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo T.Ư về PCTT và dự báo của cơ quan chuyên môn”.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Đức Quang, Cục trưởng Cục Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai, Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ NN&PTNT cho biết: Cấp độ rủi ro thiên tai được xác định cho từng loại thiên tai và công bố cùng nội dung bản tin dự báo, cảnh báo về thiên tai, làm cơ sở cho việc phân công, phân cấp trách nhiệm và phối hợp trong ứng phó với thiên tai. Theo đó, cấp độ rủi ro thiên tai do áp thấp nhiệt đới, bão có 3 cấp, thấp nhất là cấp 3 và cao nhất là cấp 5 (mức thảm họa). Cụ thể, theo bản tin dự báo cơn bão số 4 vừa qua, bão hình thành trên biển Đông mạnh cấp 8, cấp 9, có lúc lên cấp 10 giật cấp 11, thuộc rủi ro thiên tai cấp độ 3. Trước câu hỏi liệu chính quyền địa phương có “làm quá” gây lãng phí ngân sách dự phòng cho PCTT, ông Quang khẳng định: “Tôi chưa từng nhận được bất kỳ phản ánh nào về trường hợp như vậy, nếu có thì cũng hết sức cá biệt. PCTT là hoạt động mang tính chất xã hội nhân đạo, có thể có chuyện nơi này nơi khác chính quyền còn lơ là, chưa làm hết trách nhiệm để giảm thiểu thiệt hại, chứ còn tranh thủ hoạt động để cầu lợi thì tôi chưa từng nghe thấy đơn vị nào”.
Ông Quang cũng nhận định: “Đây không phải lần đầu dư luận băn khoăn cho rằng, cơ quan chức năng phòng chống rầm rộ quyết liệt nhưng thực tế thiên tai lại diễn ra không như thế. Tuy nhiên, đây là câu chuyện dự báo khí tượng chứ không phải do tổ chức ứng phó thiên tai tại địa phương”.
Cụ thể, ông Quang phân tích: Dự báo bão số 4 về hướng đi, thời điểm phạm vi ảnh hưởng tương đối sát nhưng cường độ bão và lượng mưa hoàn lưu sau bão so với thực tế diễn ra thì nhận định có vẻ lớn hơn. Cụ thể, cường độ bão số 4 khi vào đất liền suy yếu rất nhanh, vào gần bờ cũng chỉ cấp độ 6-7 nên người dân ở nơi dự báo bão đi qua hầu như không cảm nhận được. “Tuy nhiên, về phía cơ quan chức năng, nếu không chuẩn bị ứng phó tốt, thiên tai xảy ra đúng như dự báo hoặc nhích lớn hơn chẳng hạn như bão số 10 năm 2017, chắc chắn hậu quả sẽ khôn lường. Do vậy, PCTT bao giờ cũng phải đưa ra nhiều kịch bản, lên phương án trường hợp xấu nhất, để phòng ngừa, đảm bảo an toàn.
Thừa nhận dự báo thiên tai chưa chính xác, không chỉ ảnh hưởng tới sản xuất kinh tế mà còn gây tâm lý chủ quan cho người dân, song ông Quang cho rằng đây là hạn chế không chỉ của ngành khí tượng Việt Nam. Nêu ví dụ Nhật là quốc gia có trình độ PCTT rất tốt song đợt mưa lũ vừa rồi đã làm chết hơn 200 người, ông Quang cho biết, nguyên nhân một phần do những dự báo trước đó chưa chính xác nên khi thiên tai tới người dân không nghe theo hiệu lệnh di dời trong đêm. “Khác biệt thực tế với dự báo là khoảng cách khó có thể tránh khỏi. Việc rút kinh nghiệm nâng cao năng lực dự báo là yêu cầu thường trực của cơ quan khí tượng để rút ngắn khoảng cách này. Không ở đâu dự báo tuyệt đối được”, ông Quang nói.
Trước nhận định trên, chiều 19/8, ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư cho biết, đơn vị vẫn đang chuẩn bị cho những bản tin dự báo mưa lũ, chưa có thời gian tổng kết đánh giá bản tin dự báo cơn bão số 4.
Bão số 4 với sức gió giật cấp 10 sẽ đi vào đất liền Thanh Hóa. Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, ven biển các tỉnh từ...