Lại bắt được bọ xít hút máu người ở Quy Nhơn
Sáng ngày 15/10, gia đình chị Trần Thị Kim Cúc – ở tổ 42, KV 8, phường Hải Cảng, TP. Quy Nhơn (Bình Định) đã chuyển giao cho Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Quy Nhơn (Bộ Y tế) thêm 1 con bọ xít hút máu người để tiếp tục nghiên cứu.
Trước đó, vào lúc 18h20 ngày 14/10, bà Nguyễn Thị Kim Liên là mẹ ruột của chị Cúc đang ngồi trên ghế nệm tại phòng khách xem tivi thì phát hiện có con bọ xít bay lòng vòng trong nhà rồi đậu tại cửa sổ. Đây là con bọ xít thứ hai trong vòng chưa đến nửa tháng qua và là con thứ 5 nhà chị Cúc bắt được bọ xít hút máu người trong vòng hơn 1 tháng rưỡi qua, khiến gia đình chị Cúc rất hoang mang.
Theo quan sát, con bọ xít nhà chị Cúc bắt được lần này cũng đã trưởng thành, bụng đói và có hình dáng, kích cỡ giống hệt những con bọ xít hút máu người mà nhà chị Cúc đã bắt được trước đó. Con bọ xít có 3 đôi chân, vòi chích dài, cứng và nhọn, sau lớp cánh mỏng trên lưng có những vạch ngang màu vàng nâu, phần bụng dẹt và to, rìa bụng có 5 viền màu vàng, toàn thân màu nâu đen.
Bọ xít hút máu người ở Quy Nhơn
Trước đó, từ tối ngày 26/8 đến tối ngày 1/9, nhà chị Cúc liên tiếp bắt được 3 con bọ xít hút máu người. Ngay sau đó, tối ngày 4/9 và sáng ngày 5/9, đoàn cán bộ Khoa Côn trùng, Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Quy Nhơn đã xuống nhà chị Cúc kiểm tra, phát hiện ổ bọ xít hút máu người nằm trong tủ quần áo và nền nhà, bắt có 5 con bọ xít, trong đó có 3 con trưởng thành và 2 con mới lớn. Đoàn đã phun hóa chất bao vây ổ bọ xít. Đến ngày 2/10, gia đình chị Cúc lại bắt thêm 1 con bọ xít hút máu người đã trưởng thành.
Tiến sỹ Nguyễn Xuân Quang, Trưởng khoa Côn trùng, Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Quy Nhơn cho biết: “Kết quả nghiên cứu ban đầu cho thấy, những con bọ xít hút máu người mới được người dân phát hiện tại TP. Quy Nhơn đều thuộc giống Triatoma Laporte 1832. Những con bọ xít mới phát hiện này giống hệt 27 con bọ xít hút máu người từng phát hiện ở khu vực miền Trung – Tây nguyên năm 2010. Giống bọ xít này có nguồn gốc Nam Mỹ nhưng các nhà khoa học xác định là đã có mặt tại Việt Nam hơn 20 năm trước”.
Theo lời thạc sỹ Hồ Việt Hiếu, Khoa Côn trùng, Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Quy Nhơn (Bộ Y tế): “Việc phun hóa chất chỉ bao vây tại ổ bọ xít phát hiện nhằm tiêu diệt những con bọ xít còn sót hoặc ổ trứng của chúng. Còn bọ xít lại xuất hiện sau khi phun hóa chất có rất nhiều yếu tố, ví dụ như những ổ bọ xít ở các vùng, khu vực khác trong nhà chị Cúc, hoặc có thể ở các nhà dân khác chúng ta chưa thể phát hiện được, nên bọ xít có thể phát tán ra cộng đồng. Để đảm bảo sức khỏe của gia đình, khi đi ngủ nên mắc màng cẩn thận, dùng đèn pin rọi xung quanh nếu phát hiện thì bắt chúng nhằm hạn chế tình trạng bọ xít chích hút máu. Bên cạnh đó, nhà cửa thường xuyên vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng không cho bọ xít ẩn nấp, đẻ trứng nở ra tạo thành ổ.…”.