Lạ lùng việc trăm ngàn xe "mất tích" ở cao tốc
Liên quan đến vụ việc mất cả trăm ngàn vé thu phí của cao tốc Nội Bài-Lào Cai, nhiều chuyên gia cho rằng trách nhiệm chính thuộc về đơn vị quản lý.
Từ đầu năm 2018, dù đã áp dụng thẻ từ, hiện tượng mất thẻ trên cao tốc Hà Nội-Lào Cai và một số tuyến cao tốc do VEC quản lý vẫn xảy ra. Tới nay có hơn 1.900 thẻ đầu vào không thu hồi được. Trước đó, vào năm 2015, khi dùng vé giấy thì hiện tượng này xảy ra phổ biến trên cao tốc Hà Nội-Lào Cai và có đến cả trăm ngàn lượt xe không thu phí được.
Ông Nguyễn Văn Nhi, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), thông tin như trên với Pháp Luật TP.HCM chiều 25-10.
Vì sao cả trăm ngàn xe “mất tích”?
Theo các văn bản báo cáo, giải trình của VEC và Công ty Cổ phần Vận hành và Bảo trì đường cao tốc Việt Nam (VEC O&M), công tác tổ chức thu phí dự án đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai bắt đầu từ ngày 1-1-2014. Nhưng chỉ tính riêng từ tháng 1-2015 đến 31-8-2015 đã thất thoát hơn 137.200 vé (chiếm gần 4% số lượng vé phát ra).
Lý giải về điều này, phó tổng giám đốc VEC cho biết nguyên nhân xuất phát từ việc có tới hàng trăm điểm mở khi thi công đường cao tốc dài 245 km để chuyên chở vật liệu, máy móc thi công. Khi dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, những điểm mở này vẫn chưa được đóng hết và VEC mất kiểm soát. Vì vậy, nhiều tài xế đã trốn phí cao tốc qua các điểm mở này và qua các đường gom kết nối với địa phương còn chưa được hoàn thiện.
Bên cạnh đó, dự án đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai (giai đoạn 1), đoạn Yên Bái-Lào Cai chỉ bố trí hai làn xe chạy và không có dải phân cách giữa, vì thế phương tiện có thể quay đầu trên tuyến để trốn phí (!?).
Ngoài những nguyên nhân kể trên, VEC còn đưa ra một số lý do: Nhiều xe miễn phí/ưu tiên lưu thông (tài xế lấy thẻ đầu vào, sau đó trưng bảng ưu tiên và không đưa lại thẻ ở đầu ra), xe cố tình trốn phí, trình độ nghiệp vụ của nhân viên thu phí hạn chế…
Điển hình, trong thông cáo báo chí mới đây, VEC cho rằng: “Nhân viên thu phí phần lớn được tuyển dụng theo chính sách tiếp nhận con em các hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi dự án đường cao tốc đi qua. Do đó, ý thức công việc, đạo đức nghề nghiệp, chuyên môn nghiệp vụ không đồng đều. Một số nhân viên có biểu hiện không tuân thủ các quy định của VEC”.
Cao tốc Nội Bài-Lào Cai được thông xe và đưa vào khai thác toàn tuyến từ quý III-2014. Ảnh: VOV
“VEC lý giải chưa thuyết phục”
Đó là nhận định của nhiều chuyên gia giao thông khi phân tích những lý giải nêu trên của VEC.
“Nếu đơn vị quản lý buông lỏng việc thu phí thì chẳng khác nào để người bán hàng mà không cần thu tiền. Cho nên việc người quản lý phải chịu hoàn toàn trách nhiệm là không cần phải bàn cãi” - ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, thẳng thắn.
Về việc thất thoát ngân sách trên tuyến Nội Bài-Lào Cai, VEC đã phê bình phó giám đốc phụ trách khai thác dự án, kế toán trưởng, trưởng phòng kế hoạch; khiển trách, luân chuyển công việc khác đối với giám đốc và phó giám đốc Trung tâm Điều hành đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai. Bên cạnh đó, khiển trách 25 nhân viên, trưởng, phó ca, giám sát viên thiếu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ; phê bình 79 nhân viên vận hành, thu phí, kế toán, thống kê, báo cáo do thiếu ý thức và trách nhiệm trong công việc. |
Nói về đường cao tốc có nhiều điểm mở chưa đóng khi đã hoàn thiện, ông Liên cũng cho rằng đó là trách nhiệm của nhà quản lý. Lẽ ra đơn vị phải có biện pháp chặn hoặc xử lý các điểm mở này kịp thời để tránh tình trạng trốn phí cũng như đảm bảo an toàn giao thông.
“Công ty quản lý đường cao tốc phải tuyên truyền cho người dân về ý thức lưu thông trên cao tốc. Bên cạnh đó, phải có đề xuất giải pháp với các cơ quan chức năng để được hỗ trợ. Đến khi có chuyện xảy ra thì đổ lỗi không thu được phí và không hoàn vốn là không được. Cần thiết thì nên đề nghị công an điều tra rõ ràng về việc này” - ông Liên phân tích.
Đồng tình, TS Phạm Văn Hùng, Phó Phân viện trưởng Phân viện Khoa học công nghệ phía Nam, Bộ GTVT, đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của công ty quản lý khi để xảy ra tình trạng lái xe trốn phí. “Hành lang đường cao tốc thì phải quản lý một cách chặt chẽ vì còn liên quan đến các vấn đề an toàn giao thông. Vì vậy cần đặt ra trách nhiệm của đơn vị quản lý trên tuyến cao tốc này” - ông Hùng nêu quan điểm.
Một chuyên gia giao thông (đề nghị giấu tên) cho rằng lý giải của VEC chưa thực sự thuyết phục. Ví dụ, việc các xe ưu tiên không thu phí thì VEC đã có danh mục cụ thể các xe nào được ưu tiên chưa? Nếu có thì phải thống kê được số lượng xe ưu tiên và tính toán thì ra ngay con số.
“Còn đổ lỗi cho trình độ, nghiệp vụ của nhân viên là hết sức vô lý. Khác nào VEC làm việc thiếu chuyên nghiệp khi những nhân viên này không có trình độ, lại chưa được đào tạo bài bản đã cho ra làm công việc quan trọng như thế thì trách nhiệm thuộc về ai?” - vị chuyên gia nói.
Vị chuyên gia này đánh giá: Thứ nhất, chủ đầu tư đã buông lỏng quản lý trong một thời gian dài dẫn đến thất thoát ngân sách của Nhà nước. Cứ thử tính, lấy hàng trăm ngàn lượt xe “biến mất” nhân với giá vé thấp nhất một lần lưu thông (300.000 đồng/lượt) thì sẽ thấy số tiền thất thoát không hề nhỏ.
Thứ hai, để xe “trốn” khỏi cao tốc được thì cũng có thể những xe khác lọt vào được, việc này rất nguy hiểm, nhất là gây mất an toàn giao thông.
“Từ những vấn đề không rõ ràng như trên, thiết nghĩ các cơ quan chức năng như công an, kiểm toán, thanh tra… nên vào cuộc để làm rõ đúng sai” - vị chuyên gia đề nghị.
Dự án xây dựng đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai do Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đầu tư, quản lý, được thông xe và đưa vào khai thác toàn tuyến từ 21-9-2014. Sau bốn năm đưa toàn tuyến vào khai thác, đã có hơn 30,5 triệu lượt phương tiện lựa chọn cao tốc này làm lộ trình di chuyển. Mức phí một lượt cao nhất là 1,2 triệu đồng (xe 18 tấn trở lên), thấp nhất 300.000 đồng (xe dưới 12 chỗ). |
Ngày 27-9, UBND huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp) tổ chức buổi tiếp xúc, đối thoại với khoảng 80 người dân ngụ trên địa bàn...