Lạ lùng ngôi làng cứ ăn Tết là phải có thịt chuột

Trên bàn thờ 3 ngày Tết nhất định phải có thịt chuột mới thể hiện hết tấm lòng của con cháu đối với tổ tiên.

Anh Lê Văn Tấn – Trưởng thôn Bương (xã Tân Pheo), nơi có tục dùng thịt chuột thờ cúng ngày Tết.

Anh Lê Văn Tấn – Trưởng thôn Bương (xã Tân Pheo), nơi có tục dùng thịt chuột thờ cúng ngày Tết.

Mâm cúng tổ tiên ngày Tết phải có thịt chuột

Chúng tôi tình cờ được một người bạn kể chuyện rằng, người Dao ở thôn Bương (xã Tân Pheo, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình) có một tục lệ rất lạ, đó là ngày Tết bắt buộc phải có thịt chuột trong nhà để thờ cúng ông bà, tổ tiên. Câu chuyện thú vị đó đã thôi thúc chúng tôi tìm đến thôn Bương để tìm hiểu về phong tục kỳ lạ này.

Những ngày giáp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, chúng tôi lên đường đến với thôn Bương. Cách trung tâm thành phố Hòa Bình hơn 70km, thôn Bương là một trong những bản còn nhiều khó khăn của huyện vùng núi Đà Bắc. Dân cư ở đây rất thưa thớt.

Chúng tôi tìm vào nhà anh Lê Văn Tấn – Trưởng thôn Bương (xã Tân Pheo) để nhờ sự giúp đỡ. Theo anh Tấn, dân tộc Dao sống trải rộng khắp nơi ở các tỉnh vùng núi phía Bắc và được chia làm nhiều nhóm như Dao Đỏ, Dao Quần Chẹt, Dao Thanh Y, Dao Áo Dài, Dao Quần Trắng… tuy nhiên, tục dùng chuột thờ cúng ngày Tết thì chỉ có người Dao Tiền mới thực hiện.

Thịt chuột được bắt trước Tết, mổ sạch nội tạng và treo lên gác bếp.

Thịt chuột được bắt trước Tết, mổ sạch nội tạng và treo lên gác bếp.

Anh Tấn chia sẻ, anh không nhớ tục lệ này có từ khi nào, chỉ biết rằng nó đã có từ rất lâu đời mà đến bố anh năm nay đã hơn 90 tuổi cũng không biết được. Tục lệ của làng cứ đời trước truyền đời sau nối tiếp, nó như một quy luật bất thành văn mà gia đình nào cũng thực hiện.

Từ khoảng tháng 9 đến tháng 12 âm lịch, người dân sẽ lên rừng đặt bẫy, đặt cạm bắt chuột. Ngày xưa, họ dùng cạm tre, cạm nứa… giờ thì có cả cạm sắt. Chuột bắt được mang về làm lông, mổ sạch nội tạng, để nguyên phần đầu, chân, đuôi… thui qua lửa và treo lên gác bếp cho khô. Gia đình nào không đi bẫy được có thể mua lại của người khác.

“Đến đêm giao thừa, sau khi làm cơm tất niên xong, có gia đình làm lễ sớm, có gia đình đợi đến khoảnh khắc 0h thì đặt thịt chuột lên bàn thờ làm lễ cúng gia tiên. Mọi người lót một lớp lá rừng xuống và đặt khoảng 2-3 con chuột lên. Thịt chuột gác bếp thì phải rửa sạch và luộc, hấp qua nước.

Đối với người Dao Tiền, thịt chuột trong mâm cỗ ngày Tết là để thể hiện tấm lòng của con cháu đối với tổ tiên”, anh Tấn cho hay.

Chuột là “cứu tinh” của người Dao Tiền

Ông Lê Văn Thìn (55 tuổi) – một người chuyên đi bẫy chuột ở thôn Bương cho biết, chuột ở vùng này khá nhiều thế nhưng, chúng rất ít khi phá hoại mùa màng của người dân. Chúng trú ngụ ở trên núi nên thịt thơm và chắc chẳng kém các loại thú rừng.

Ông Lê Văn Thìn (55 tuổi) – một thợ chuyên săn chuột ở thôn Bương.

Ông Lê Văn Thìn (55 tuổi) – một thợ chuyên săn chuột ở thôn Bương.

Theo ông Thìn, tục thờ cúng thịt chuột của người Dao Tiền ở thôn Bương có từ thời khai hoang lập địa. Thôn Bương khi ấy là một khu rừng hoang vắng, cây cối um tùm, rậm rạp. Những người Dao Tiền đầu tiên khi đến đây khai phá đã phát quang nhiều khu đất để trồng trọt, thế nhưng, để chờ cho lúa, ngô được thu hoạch thì mất vài tháng đến cả năm nên cuộc sống người dân vô cùng thiếu thốn.

Lúc đó, phụ nữ thì ở nhà làm nương rẫy, đàn ông phải vào rừng săn bắt thú rừng. Dân đông, thú rừng khan hiếm nên cái đói vẫn kéo dài triền miên. Nhất là vào những ngày giáp hạt, người Dao Tiền ở thôn Bương phải nhịn đói hoặc ăn rau rừng sống qua ngày. Họ vào rừng gặp cái gì ăn được là lấy, gặp con gì là bắt.

Cuộc sống đang lúc cùng quẫn vì đói thì một ngày nọ, người dân phát hiện xung quanh núi xuất hiện rất nhiều chuột. Trong cơn đói, nhiều người đã bắt chuột về ăn thì thấy giống này thịt ăn thơm ngon, chắc. Từ đó, dân bản đổ xô đi bắt chuột về làm đồ ăn, bắt được nhiều thì làm sạch treo lên gác bếp ăn dần.

Nhờ có thịt chuột, người Dao Tiền đã qua được cơn đói, cuộc sống dần ổn định hơn. Loài vật này trở thành “cứu tinh” đối với người dân trong lúc cái đói bủa vây.

Chuột là “cứu tinh” của người Dao Tiền từ ngày xưa khi bị cái đói bủa vây.

Chuột là “cứu tinh” của người Dao Tiền từ ngày xưa khi bị cái đói bủa vây.

Để tưởng nhớ ông bà tổ tiên khai sinh ra bản làng nên từ đó trở đi, trong những dịp lễ tết, người Dao Tiền đều có món thịt chuột. Họ cho đó là món ăn gắn liền với lịch sử phát triển của người Dao Tiền nên trong mâm cúng ắt phải có thịt chuột.

Cho đến nay người Dao Tiền vẫn còn giữ nguyên tập tục này. Mỗi lần trong nhà có việc lớn gì như: đám ma, đám cưới, lễ cúng ma, tế trời đất… thì thầy mo không thể không nhắc gia chủ chuẩn bị mấy con chuột đặt lên mâm cúng, dâng lên người đã khuất.

-------------------------------

Không chỉ thờ cúng tổ tiên ở nhà, đúng sáng mùng 2 Tết, tất cả các hộ dân ở thôn Bương phải góp 2-3 con chuột cho thầy mo để mang ra ngôi miếu làng làm lễ. Ngôi miếu làng này là thứ tất cả các thôn bản của người Dao Tiền phải có.

Mời quý độc giả đón đọc kỳ 2: Bí ẩn ngôi miếu của người Dao Tiền, cứ mùng 2 Tết là cả bản mang chuột ra làm lễ vào 16h ngày 26/1/2019 trên mục Tin tức trong ngày.

Nguồn: [Link nguồn]

Chuyện lạ ở ngôi làng không cổng: Những phú bà có tấm lòng “bồ tát”

Tại làng Hoàng Xá xưa, có rất nhiều người phụ nữ tài giỏi, giàu có nổi tiếng khắp phủ Ứng Thiên và một số vùng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Triệu Quang ([Tên nguồn])
Nhịp sống 24h Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN