Lạ lùng làng có nhiều đàn ông bỗng dưng tâm thần
Gần đây, bỗng rộ chuyện tại một làng nhỏ thuần nông của xã Lai Hạ (Lương Tài, Bắc Ninh) chỉ có những người đàn ông mắc chứng tâm thần. Những người này trước đây vốn dĩ khỏe mạnh bình thường, nhưng đột nhiên mắc phải căn bệnh quái ác.
Hai cựu binh đồng bệnh
Vượt qua quãng đường đất dài trơn trượt bởi cơn mưa dai dẳng, tôi đến thôn Thanh Khê, xã Lai Hạ để tìm hiểu sự việc. Tới đầu làng, tôi thấy một người đàn ông nét mặt ngơ ngẩn, râu lởm chởm, để đầu trần lững thững đi dưới cơn mưa.
Dừng xe để bắt chuyện, nhưng hỏi mấy câu người đàn ông nọ chẳng buồn trả lời mà chỉ trừng trừng nhìn tôi. Được một quãng, gặp một phụ nữ bế đứa cháu nhỏ, tôi hỏi đường đến nhà ông Phạm Văn Hạnh, Trưởng thôn Thanh Khê. “Ông ấy ở cạnh nhà tôi. Chú đèo bà cháu tôi thêm một quãng, tôi chỉ đường cho”- người phụ nữ này nói.
Tới nhà ông Hạnh, khi nghe tôi đặt vấn đề, ông Trưởng thôn thở dài: “Thanh Khê là thôn thuần nông nghèo với số dân ít nhất của xã, chỉ khoảng 120 hộ. Vậy mà nơi đây có ngót chục người mắc chứng tâm thần”. Rồi ông Hạnh nhìn ra cổng chỉ tay: “Kia kìa, đó là anh Thu, một người bệnh của thôn tôi”.
Vợ chồng anh Nguyễn Hữu Thu và cháu. Ảnh: K.N
Người mà ông Hạnh chỉ chính là người đàn ông mà tôi vừa gặp khi mới vào làng. Đến nhà anh Thu khi vợ anh mời tôi vào nhà thì anh đã chạy xuống gian buồng phía dưới. Vợ anh phải lấy mấy chiếc bánh quy dụ chồng ra ngồi cùng. Vợ anh cho biết: Sau khi cưới và có với nhau hai mặt con, anh Thu vẫn khỏe mạnh. Từng là lính thông tin, nên khi xuất ngũ anh còn tham gia công việc phát thanh của địa phương.
Nhưng sau khi sinh người con út ít lâu, bỗng một hôm anh Thu kêu đau đầu, rồi đột ngột thay đổi tính nết. Anh thường xuyên bỏ nhà đi lang thang, lúc về lại đánh vợ con. “Đến giờ, sau nhiều năm tôi vẫn không hiểu vì sao từ một thanh niên khỏe mạnh chồng tôi lại ra nông nỗi này” chị nói.
Trở lại nhà Trưởng thôn Phạm Văn Hạnh, tôi được ông đưa đến nhà anh Phạm Văn Khôi, một người anh họ của ông cũng mắc bệnh tâm thần. Vừa bước vào nhà, tôi thấy một người phụ nữ lớn tuổi với gương mặt khắc khổ đang ngồi trước một quyển sách dày, miệng lẩm bẩm khẩn cầu điều gì đó. Đó là chị cả của anh, hơn em ruột của mình gần hai chục tuổi.
Bà Thành (tên người phụ nữ) cho biết, bà thường xuyên cầu nguyện cho em trai mình thoát khỏi chứng tâm thần bỗng nhiên mắc phải. Bà kể, trước đây anh Khôi từng đi bộ đội, sau đó được cho đi học trường sĩ quan tại Đà Lạt. Trong quá trình học, anh phát bệnh, nói lảm nhảm nên được nhà trường cho về địa phương để điều trị.
Tuy nhiên, bệnh của anh Khôi chẳng những không đỡ mà chuyển nặng rất nhanh. Thấy chồng bị tâm thần, người vợ mới cưới bỏ đi khiến bệnh của anh càng thêm trầm trọng. “Nhà không ai bị tâm thần, chẳng hiểu sao trước đây đang là thanh niên khỏe mạnh em tôi lại mắc căn bệnh quái ác này”- bà Thành cho biết.
Bỗng dưng tâm thần
Đến nhà người phụ nữ từng là hoa khôi của thôn Thanh Khê trước đây, ấn tượng đầu tiên với tôi là thấy chiếc khay đựng kim tiêm lẫn thuốc tiêm để trên bàn. Chị chủ nhà giao hẹn, sẵn sàng tiếp chuyện, nhưng đề nghị không nêu tên vì sợ ảnh hưởng chuyện lập gia đình của các con. Chỉ khay thuốc tiêm trên bàn, chị cho biết: “Chồng tôi dùng thuốc này chữa bệnh”.
Chị kể, hai vợ chồng trước đây từng là một trong những cặp đôi đẹp nhất làng. Anh cao to khoẻ mạnh, chị đẹp gái, cả hai đều chăm chỉ làm ăn nên cuộc sống khá sung túc. Nhưng bỗng nhiên anh phát bệnh tâm thần, đánh vợ tàn tệ khiến nhiều lần chị ra đường phải bịt mặt cho đỡ tủi. Có lần, đang đêm anh kéo chị dậy, dùng vật nặng chẹn lên cổ vợ rồi đánh túi bụi. May hàng xóm kịp thời phát hiện chuyện này, nếu không hậu quả thật khó lường.
Thuốc và kim tiêm tại nhà một bệnh nhân tâm thần
Tuy nhiên, dù đánh vợ như thế, nhưng người chồng tâm thần không ý thức được việc mình làm. Có lần, lựa lúc anh tỉnh táo, chị hỏi: “Vì sao đánh vợ nhiều thế, ngộ nhỡ tôi nằm đấy thì ai chăm sóc mình?”. Khi đó anh chỉ biết gãi đầu: “Tôi không muốn như vậy, nhưng không hiểu sao lúc ấy trong đầu cứ nghĩ cần phải làm thế”.
Gần nơi tôi vừa trò chuyện là nhà anh Nền, một người mắc bệnh tâm thần khác của thôn. Nhiều năm về trước, sau khi lập gia đình bệnh thần kinh của Nền đột nhiên bùng phát khiến anh thường xuyên đánh vợ. Gần đây, Nền hay đi lang thang trong làng để trêu gẹo, chửi mọi người. Có lần Nền đẩy cả phụ nữ xuống ao rồi đứng trên bờ cười, vào ngày mùa dân phơi rơm rạ bị anh ta châm lửa đốt sạch.
Nói về việc phát bệnh sau khi lấy vợ, người dân Thanh Khê còn kể tôi nghe câu chuyện đặc biệt khác về anh Vũ Hữu H. Anh H. trước đây đẹp trai nổi tiếng trong làng, lại có tài ăn nói nên được nhiều cô gái mê. Sau khi lập gia đình một thời gian, H. bỗng đâm lẩn thẩn khiến vợ ôm con bỏ về nhà bố mẹ đẻ. Từ đó, H. thường ở một mình trong nhà, la hét, đập phá đồ đạc.
Được gia đình đưa đi bệnh viện, nhưng một thời gian H. lại bỏ về vì cho rằng mình không có bệnh. Sau đó, H. lấy vợ khác, nhưng được một thời gian họ đường ai nấy đi vì người vợ không chịu được chứng thần kinh của chồng. Cách đây vài năm, H. lại cưới tiếp người vợ thứ 3, hiện có con trai 3 tuổi. “Những lúc không lên cơn, H. vẫn nói như sách. Khi đó nói anh bị tâm thần chắc những người mới gặp lần đầu chẳng mấy ai tin”- một người dân Thanh Khê cho biết.
Không có chuyện chạm “long mạch”!
Tiếp xúc với gia đình những người mắc bệnh, đa phần họ chỉ biết người thân của mình bị tâm thần phân liệt sau khi đưa đi khám trên bệnh viện tỉnh, còn nguyên nhân thì chưa rõ. Trong khi đó, việc những người đàn ông đang khỏe mạnh bỗng mắc chứng tâm thần khiến không ít người dân Thanh Khê hoang mang và có những cách lý giải khác nhau.
Người thì cho rằng do cuộc sống nghèo khó nên có trường hợp sinh lẩn thẩn. Có ý kiến lại cho rằng, một số người bị bệnh do nhiễm chất độc trong quá trình phục vụ trong quân ngũ. Thậm chí, gần đây lại có lời đồn đất Thanh Khê bị chạm “long mạch” do người dân ồ ạt đào ao thả cá, dẫn đến đàn ông bị phạt. Tuy nhiên, khi được hỏi về việc chạm “long mạch”, Trưởng thôn Phạm Văn Hạnh không tin chuyện này.
Hiện tượng những người đàn ông thôn Thanh Khê đang khỏe mạnh lại mắc bệnh tâm thần rất cần sự lý giải thấu đáo từ phía các cơ quan có trách nhiệm, tránh để nảy sinh những suy diễn không hay.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Phạm Văn Tuyên, Bí thư Đảng ủy xã Lai Hạ cũng bác bỏ chuyện chạm “long mạch”. Còn việc những người mắc bệnh tâm thần tại thôn Thanh Khê toàn là đàn ông cũng chỉ do sự trùng hợp ngẫu nhiên. “Hiện nay những người mắc bệnh tâm thần tại Thanh Khê đều được nhận trợ cấp, người nhẹ được 180.000 đồng/tháng, người nặng hưởng 270.000 đồng/tháng”- ông Tuyên cho biết. |