Lạ kỳ giếng nước ngọt tự nhiên cứ vơi lại đầy ngay giữa cánh đồng khô cháy ở huyện Tri Tôn
Tại vùng Bảy Núi, An Giang, có một giếng nước ngọt tự nhiên giữa cánh đồng quanh năm không bao giờ cạn nước, cứ vơi lại đầy.
Giếng nước ngọt rộng chưa đầy 3m, sâu hơn 1m
Đây là thời điểm mùa khô ở vùng Bảy Núi, An Giang. Tại một số nơi, nước mưa dự trữ đã dần cạn kiệt, nước giếng khoan bị nhiễm phèn không thể sử dụng. Chính vì thế việc bà con nơi đây muốn lấy được nguồn nước để sinh hoạt hay uống là cả một quá trình rất gian nan. Ấy vậy mà giữa cánh đồng khô cháy tại xã Ô Lâm, huyện Tri Tôn bất ngờ có một giếng nước ngọt tự nhiên cho nước ngọt quanh năm.
Mặc dù giếng nước tự nhiên rộng chưa đầy 3m và chỉ sâu hơn 1m, nhưng đây là nơi cung cấp nước ngọt cho bà con trong mùa khô hạn trong suốt nhiều năm qua.
Giếng nước ngọt tự nhiên nằm giữa cánh đồng quanh năm cho nước. Ảnh: M.A.
Thông thường, khi vào cao điểm mùa khô, vùng Bảy Núi, tỉnh An Giang trở nên khô cằn. Đồng ruộng khô cháy, rừng úa lá nên tình trạng thiếu nước là không tránh khỏi.
Bà Nèang Kim Done (ngụ xã Ô Lâm, huyện Tri Tôn), cho hay: "Tôi lấy nước ở giếng nước ngọt tự nhiên khoảng 4-5 năm rồi. Thấy người ta đến lấy thì mình cũng đến lấy nước dùng cho sinh hoạt trong gia đình. Từ khi lấy nước ở đây là khỏi mua nước về uống".
Chẳng ai bảo ai, từ mờ sáng đã có nhiều người đến chiếc giếng trên cánh đồng thuộc xã Ô Lâm để lấy nước, trong đó có cả trẻ em.
Nhiều người dân ở xã Ô Lâm, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang để đến giếng nước ngọt tự nhiên để lấy nước ở mùa khô. Ảnh: M.A.
Trong khi đó, ông Chau Sông (ngụ cùng xã Ô Lâm), cho biết: "Nhiều năm nay, bà con trong vùng cũng lan truyền nhau việc ở đây có nguồn nước ngọt. Cũng nhờ có chiếc giếng nước tự nhiên mà nhiều người dân tại ấp Phước Lộc, xã Ô Lâm cũng đỡ vất vả hơn khi đi lấy nước ngọt, nhất vào những ngày cao điểm mùa khô".
Không cho ai phá hoại, nên giếng nước ngọt được giữ gìn rất tốt
"Lúc trước, để có nước sinh hoạt hằng ngày, tôi phải lên núi. Một người, để lấy được 4 thùng nước thì mất cả ngày. Bà con tập trung vệ sinh cái giếng nước, không cho ai phá hoại, nên được giữ gìn rất tốt", ông Chau Sông chia sẻ.
Cứ như thế, chẳng ai bảo ai, từ mờ sáng đã có nhiều người đến chiếc giếng trên cánh đồng thuộc xã Ô Lâm để lấy nước, trong đó có cả trẻ em. Tuy nhiên, do đây là một chiếc giếng tự nhiên có chiều rộng chưa đầy 3m, chỉ đủ chỗ cho một người ngồi, vì thế để lấy được nguồn nước này cũng rất mất thời gian.
Theo người dân địa phương, để có được nước ngọt, bà con nơi đây phải đợi nước rịn ra rồi múc từng ca một đổ vào thùng. Do miệng giếng nước tự nhiên khá nhỏ, nên để có được một thùng nước 30 lít bà con thường phải mất từ 15-30 phút.
Mặc dù chiếc giếng nước ngọt tự nhiên tại xã Ô Lâm là giếng nằm lộ thiên giữa cánh đồng khô hạn.
Thế nhưng nguồn nước ngọt tại đây chưa bao giờ cạn. Ảnh: M.A.
Điều đặc biệt của chiếc giếng nước tự nhiên tại xã Ô Lâm là mặc dù giếng nước ngọt nằm lộ thiên giữa cánh đồng khô hạn, thế nhưng nguồn nước ngọt tại đây chưa bao giờ cạn, múc hết nước lại tự đầy. Cũng nhờ chiếc giếng, hơn chục năm qua bà con nơi đây cũng đỡ vất vả hơn mỗi khi đi lấy nước. Một số người nhàn rỗi đã tranh thủ lấy về bán lại với giá 10.000 đồng/thùng 30 lít để kiếm thêm thu nhập.
Những người đến lấy nước cứ theo thứ tự, ai đến trước thì lấy trước, ai đến sau lấy sau, chẳng ai bảo ai việc lấy nước diễn ra tuần tự. Thông thường một người lấy đầy khoảng 2-3 thùng thì sẽ đưa lên xe chở về nhà và vô cùng trật tự.
Bà con tại đây cho biết, không ai nhớ rõ chiếc giếng nước ngọt tự nhiên tại xã Ô Lâm xuất hiện từ khi nào, chỉ biết người tìm ra là ông Chau Choi, một người lớn tuổi trong vùng với "biệt tài" tìm nước ngọt. Từ đó đến nay, cứ vào mùa khô là bà con lại đến đây để lấy nước, mùa mưa thì lấp miệng giếng lại… Và cứ như thế suốt mấy chục năm qua.
Khi mùa khô vào cao điểm như hiện nay, ở vùng đất khô cằn không phải nơi nào bà con cũng tìm được nguồn nước ngọt, với chiếc giếng rộng chưa đầy 3m và sâu hơn 1m đã giải được cơn khát nước ngọt cho bà con nơi đây trong suốt thời gian dài.
Hàng loạt tuyến đường dân sinh tại khu vực quận 12 (TP.HCM) đầy rẫy hố sâu, đất đá và ngập nước, gây mất an toàn...
Nguồn: [Link nguồn]