Lạ kỳ chuyện đầu năm ăn thịt chó… cầu may
Trong khi phần lớn người dân kiêng thịt chó đầu năm vì sợ “xui xẻo” thì vẫn có những làng ăn thịt chó ngay từ những ngày đầu năm. Thậm chí, theo quan niệm của họ, ăn thịt chó đầu năm mới “hên”, làm ăn trong năm mới “thuận buồm, xuôi gió”.
Thịt chó, món không thể thiếu trong mâm cỗ người làng Yên Trường ngày mùng 4 Tết. Ảnh: TL
Ăn thịt chó để “hên cả năm”
Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày mồng 4 Tết Nguyên đán, dân làng Yên Trường, xã Trường Yên, Chương Mỹ, Hà Nội lại cùng nhau đi tảo mộ, rồi mua thịt chó về làm cỗ. Theo nhiều người trong làng này kể lại thì ngày mùng 4 Tết ở làng như có hội, vui hơn cả 3 ngày đầu Tết và điều đặc biệt là hôm đó cả làng đều ăn thịt chó.
Khi được hỏi về nguồn gốc của lệ ăn thịt chó đầu năm này, người dân nào trong làng cũng trả lời rằng không biết tập tục có từ bao giờ mà ngay cả những cụ ông, cụ bà 80 – 90 tuổi đều trả lời từ khi sinh ra đã như thế và duy trì đến ngày nay.
Trả lời câu hỏi của chúng tôi về việc ăn thịt chó đầu năm có thể “xui xẻo”, ông Vũ Văn Bằng, làng Yên Trường, xã Trường Yên cho biết: “Ở đây nhà nào cũng thịt chó vào ngày mùng 4 Tết. Từ người lao động cho đến cán bộ, người làm kinh doanh, chẳng ai kiêng khem gì cả. Công việc làm ăn trong năm vẫn tốt, bằng chứng là người dân trong làng ngày càng giàu có, hầu hết các hộ trong làng đều có nhà kiên cố, phương tiện sinh hoạt tiện nghi, hiện đại. Thịt chó đơn thuần là món ăn ngon, nhiều đạm và lạ miệng ngày đầu năm. Quan trọng hơn, nó là lệ làng từ xưa đến nay vẫn được người dân duy trì. Nếu ai đó không thích có thể không ăn vì không ai bắt ép, nhưng thực tế thì nhà nào cũng vui vẻ được ăn thịt chó từ ngày này. Thậm chí với chúng tôi được ăn thịt chó là điều may mắn, hên cả năm”.
Cũng theo ông Bằng thì gia đình ông kinh doanh đồ nội thất, được coi là hộ có cuộc sống tốt từ nghề kinh doanh này và năm nào cả nhà cũng ăn thịt chó. Thậm chí, để có thịt chó ăn trong ngày mùng 4 Tết gia đình ông thường phải đặt từ trước Tết.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, thịt chó ngày đầu năm giá cao gấp đôi, gấp ba giá thịt lợn, nhưng không vì thế mà người trong làng này không ăn thịt chó. Thậm chí, với người dân ở đây thì đầu năm, giá thịt chó đắt đến mấy cũng ăn. Nhiều gia đình sợ thịt chó đầu năm giá cao đã mua chó từ trong năm để ra Tết thịt.
Bà Phạm Thị Hằng, người làng Yên Trường, có thâm niên buôn bán chó thịt hàng chục năm, chia sẻ: “Để có thịt chó bán đầu năm, cuối năm tôi phải tích trữ hàng. Ngày cuối năm thịt chó bán không được nhiều, dân ít ăn hơn nhưng đầu năm, nhất là ngày mùng 4 Tết là dịp tôi bán được nhiều nhất. Ngày bình thường, giá thịt chó dao động 120.000 – 130.000 đồng/kg, ngày Tết là 170.000 – 180.000 đồng/kg”.
Không chỉ riêng làng Yên Trường mà tại xã Hà Toại, huyện Hà Trung, Thanh Hóa cũng có lệ ăn thịt cho từ những ngày đầu năm. Thậm chí, người dân ở đây còn ăn sớm hơn ở làng Yên Trường với đủ món thịt chó được bày trên mâm cỗ ngày Tết.
Khi nghe chúng tôi nói về chuyện kiêng thịt chó vào những ngày đầu năm, đầu tháng vì sợ “xui xẻo”, chị Nguyễn Mai Anh, xóm 6, xã Hà Toại, huyện Hà Trung bày tỏ: “Quan niệm quá lạc hậu! Thịt chó cũng như nhiều món thịt khác không có gì phải phân biệt cả. Tất cả đều do quan niệm, tục lệ do con người đặt ra như người Hồi giáo không ăn thịt lợn trong khi đây là món ăn phổ biến của người dân Việt Nam. Tôi cũng nghe có những nơi kiêng ăn thịt chó. Nhưng thịt chó ăn ngon tuyệt”.
Ông Trần Quang Công, 65 tuổi, xóm 7, xã Hà Toại cũng cho rằng: “Bây giờ ở quê tôi nhà nào cũng có thể ăn thịt chó vào ngày Tết để được may mắn. Trước đây, dân chúng tôi quan niệm nhà nào không có thịt chó ăn trong ngày Tết là nhà nghèo. Vì thịt chó đắt hơn thịt lợn, thịt gà. Chúng tôi ăn thịt chó bất kể ngày nào trong năm nhưng trong làng, trong xã vẫn rất nhiều người đỗ đạt, giàu có, vì vậy chuyện kiêng khem thịt chó đầu năm với chúng tôi là chuyện nực cười”.
Kiêng thịt chó bắt nguồn từ tích cổ của người Mường
Chị Quách Thị Yến từng nghĩ mình suýt chết vì ăn thịt chó. Ảnh: ĐA
Theo PV tìm hiểu thì chuyện kiêng thịt chó có nguồn gốc từ câu chuyện của dòng họ Quách, dân tộc Mường. Theo quan niệm của họ Quách thì ăn thịt chó là “chết người”(?).
Theo ông Quách Văn Bách, xã Thành Công, huyện Thạch Thành (Thanh Hóa), người dòng họ Quách không ăn thịt chó vì lời thề độc của người xưa trong dòng họ. Ông cũng chỉ nghe cụ ông kể lại chuyện ngày xưa khi giặc phương Bắc kéo sang sát hại người dân vô tội ở trong Mường. Có gia đình chết cả nhà, khi bọn giặc rút đi, một số người còn sống quay trở về thì nghe thấy tiếng khóc ở trong bếp. Đó là tiếng khóc của một đứa trẻ duy nhất của dòng họ Quách còn sống sót nhờ được một con chó nuôi sống bằng sữa của nó. Cảm động trước sự trung thành của chó họ đã thề độc với nhau rằng: nếu ai ăn thịt chó thì sẽ bị tổ tiên quở phạt… Theo đó, không chỉ mình dòng họ Quách không ăn thịt chó mà nhiều họ khác trong Mường cũng không ăn thịt con vật trung thành này. Bởi họ cho rằng chó là linh vật để đuổi thú dữ, trừ “tà ma”, “tà khí”...
Chị Quách Thị Yến, xã Thành Công, huyện Thạch Thành cũng cho hay: “Tôi họ Quách nhưng lấy chồng người Thái, gia đình chồng hay ăn thịt chó nên có lần tôi cũng nếm thử nhưng vừa nuốt miếng thịt chó vào bụng thì buồn nôn, trong người rất khó chịu. Nhiều người nói tôi bị tổ tiên trách phạt phải chết(?). Sau đó, tôi ốm liệt giường không đi lại được phải nhờ thầy về làm lễ mới khỏi. Từ đó trở đi thì cạch không bao giờ dám ăn thử thịt chó nữa”.
Đến thời điểm này, có rất nhiều người vẫn kiêng ăn thịt chó vì quan niệm sợ đen đủi, nhưng ít ai biết được tích cổ từ câu chuyện kiêng thịt chó này. Theo chúng tôi tìm hiểu “việc ăn thịt chó đầu tháng, đầu năm sẽ mang tới đen đủi” chỉ là quan niệm dân gian.
Những người cần tránh ăn thịt chó Theo Đông y, thịt chó thuộc tính nhiệt và có tác dụng bổ dưỡng mạnh. Do vậy sau khi ăn nhiều, người lớn tuổi hoặc những người mắc bệnh huyết áp dễ bị tăng huyết áp, thậm chí dẫn tới tai biến, vỡ mạch máu não. Do đó, người có bệnh liên quan mạch máu não không nên ăn thịt chó. Ngoài ra, phụ nữ đang mang thai nếu ăn thịt chó có thể khiến axit uric tăng lên dẫn đến nguy hiểm cho thai nhi. |