Lạ kỳ chị chồng - em dâu lấy chung chồng
Có lẽ không ai ngờ, hai người đàn bà này lại có thể ở vào tình thế lạ lùng đến vậy. Ban đầu là vai trò chị chồng - em dâu, sau này lại trở thành bà cả - bà hai khi quyết định lấy chung một ông chồng.
Ngôi nhà ấy luôn rộn rã tiếng cười mỗi khi có cỗ bàn, hội họp. Hai bà mẹ chỉ ngồi chuyện trò, mặc các con chia nhau chuẩn bị, người ở dưới bếp, đứa ngoài sân giếng... Câu chuyện của hai bà lúc nào cũng rôm rả, người ngoài cứ ngỡ họ là đôi chị em gái nhiều năm mới gặp lại. Dân trong thôn xóm biết chuyện vẫn thường kháo nhau "họ thân nhau con chấy cắn đôi". Đấy là hai bà vợ của một lão nông đã 75 tuổi ở miền quê Tam Nông, tỉnh Phú Thọ.
Bấm bụng đi hỏi vợ cho chồng...
Câu chuyện mà chúng tôi sắp gửi tới bạn đọc bắt đầu từ nụ cười móm mém của người phụ nữ đã chạm mốc 70 tuổi, bà Hoàng Thị Thủy (vợ cả ông Cao Hữu Như, lão nông 75 tuổi ở huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ). Hất mái tóc bạc lên chiếc khăn mỏ quạ, miệng vẫn nhai miếng trầu bỏm bẻm, bà cười bảo: "Ghen lắm chứ, có ai lại không ghen khi chồng mình có thêm một người đàn bà khác. Nhưng cái số nó thế rồi, phải chịu thôi". Và từ đây, những ký ức của 30 năm trước trở về...
Bà Hoàng Thị Thủy và ông Cao Hữu Như lấy nhau được hơn 20 năm, đẻ liền tù tì 8 người con, đặt tên lần lượt là: Lẫm, Đại, Xuyên, Tầm, Lâm, Kiên, Nhẫn, Nhường. Ông Như là người tháo vát, rất giỏi kinh doanh, vì vậy gia đình thuộc diện giàu có trong khu. Từ cái thời mà phần lớn người làng vẫn còng lưng cấy cày, ông đã biết bỏ ruộng đất làm gạch. Mỗi ngày đốt được vài vạn gạch, bán cho làng trên xóm dưới mà vẫn cung vẫn chưa đủ cầu. Ông cứ miệt mài làm và tích cóp để cùng bà nuôi con cho đến khi một cơn "bão giông" đổ ập lên đầu gia đình. Đó là năm 1965…
Ông Cao Hữu Như (Ảnh T.G)
Năm ấy, người con trai của ông bà 15 tuổi, đang ở tuổi có thể giúp bố mẹ trông các em gái trong nhà thì vướng phải một căn bệnh nan y. Bao nhiêu của cải, công sức đã ra đi theo những đợt chạy chữa triền miên. Ông bà gần như đã đưa con đi "vái tứ phương" nhưng vẫn không thể cứu được. 4 tháng sau khi phát hiện ra bệnh thì đứa con bỏ ông bà ra đi. Ngôi nhà vốn hạnh phúc rơi vào tình cảnh ai oán. Đêm nào ông cũng nằm suy nghĩ, vừa buồn cho phận bạc của đứa con, vừa thương hoàn cảnh của mình. Thời đó quan niệm ở làng xã còn nặng nề, cổ hủ lắm, không được văn minh, tiến bộ như bây giờ, họ mạc buộc ông phải có con trai "nối dõi"...
Ông Như bàn với bà Thủy rằng, ông sẽ cố gắng nuôi các con lớn, sau khoảng 10 năm nữa, ông sẽ lấy thêm một người vợ, sinh con trai để chiều lòng họ mạc. Bà không đồng ý, gạt đi với lý lẽ, con nào cũng là con, 7 đứa con gái chẳng lẽ không phụng dưỡng nổi cha mẹ ư? Ông lấy thêm vợ lẽ thì gia đình sẽ ra sao? Trước sự cương quyết của bà Thủy, ông Như đành chịu. Cho tới một ngày, hai ông bà gặp một… thầy bói. Ông "thầy" này phán rằng: "Nếu ông không… lấy thêm vợ thì ông sẽ phải "ra đi" ở tuổi 47". Người phụ nữ nào cũng hết lòng vì chồng con, nghe "thầy" phán thế, bà Thủy hoảng hồn bấm bụng đi tìm vợ cho chồng.
Lạ lùng thay, bà giới thiệu hết người này đến người khác nhưng ông không ưng. Ông Như bảo, chỉ ưng một cô gái làng trên, có chồng là liệt sĩ, mới 29 tuổi. Ông Như đưa vợ đến gặp người đàn bà thứ hai của mình, bà Thủy như "chết đứng", không tin ở mắt mình bởi người này là em dâu họ của bà. Bà Thủy kể lại: "Lúc bấy giờ, tôi không ưng đâu. Tôi bảo với ông, ông lấy ai cũng được, dứt khoát không được lấy đám ấy vì nó là em dâu họ của tôi, sao giờ lại có thể chung chồng với tôi được?".
Thuyết phục bà Thủy không được, ông Như bèn đưa bà đến gặp người chú họ để nhờ chú "nói đỡ cho vài câu". Ông chú họ này lại… xem sách rồi phán với bà: "Phải lấy người này. Nếu không lấy người này để nhờ vía của người ta thì chồng mày sẽ chết sớm". Bà Thủy nhớ lại lời phán của thầy bói dạo trước mà giật mình, vậy là đành đi hỏi cô em dâu họ cho chồng mình. Năm ấy, ông Như 45 tuổi.
Hạnh phúc “một ông hai bà” của ông Cao Hữu Như (Ảnh T.G)
Sóng gió nổi lên...
Dân làng xã Hương Nha hồi ấy không thể tin được chuyện bà cả đi cưới vợ hai cho chồng mình bằng một đám cưới khá linh đình. Đích thân bà Thủy xuống đặt vấn đề với em dâu mình, bà Trần Thị Tự, để mong em về làm lẽ. Bà Tự nhớ lại: "Ngày xuống hỏi, bà Thủy dỗ ngon ngọt lắm, bà ấy bảo với tôi: "Coi như chị em mình có duyên với nhau. Em họ tôi hy sinh cho đất nước rồi thì bây giờ cô đi bước nữa cũng vẫn tốt hơn. Hoàn cảnh nhà tôi thì cô cũng rõ rồi. Nay cưới cô về, thì con cô cũng như con tôi, con tôi cũng như con cô". Nghĩ lại hồi đó, tôi cũng thấy mình quá liều, ai lại dám về làm lẽ nhà có tới 7 đứa con bao giờ, người đời vẫn e sợ nhất mối quan hệ mẹ ghẻ con chồng mà…".
Nhưng điều bà Tự không ngờ khi "dũng cảm" đồng ý về làm lẽ nhà ông Như là sóng gió nổi lên lại chẳng bắt đầu từ lo ngại này. Lấy ông Như chừng một năm, bà Tự hạ sinh đứa con trai đầu lòng. Cũng chính lúc này, mâu thuẫn muôn thở "vợ cả - vợ hai" bắt đầu bùng nổ…
Bà Trần Thị Tự nhớ lại: "Khi ấy, tôi mới sinh con trai được 7 ngày thì bà cả từ nhà của ông bà ấy lên nhà tôi cà khịa". Nói đến đây bà Tự dừng lại, liếc mắt nhìn bà Thủy và đùa: "Chị kể tiếp đi, chị kể xem tại sao hồi ấy chị lại hung dữ thế?".
Người đàn bà với mái tóc đã bạc gần hết, hàm răng đen như hạt na tiếp lời: "Sao lại không hung dữ được cơ chứ, ai ở vào hoàn cảnh của tôi cũng sẽ như vậy thôi". Rồi bà Thủy cười hiền, khẽ vỗ về bảo với bà Tự: "Thôi, tôi biết ngày ấy tôi hung dữ rồi, ai lại tự kể cái hung dữ của mình bao giờ". Nói xong, bà đứng lên xoay cái quạt điện về hướng "người em" đang mướt mồ hôi của mình.
Bà Tự tiếp câu chuyện: "Ngày ấy, tôi mới sinh, vẫn còn phải nằm nhà trong để tránh tiếp xúc với người làng, tránh cho đứa bé bị quở, thế mà bà ấy lên đến cổng đã bù lu bù loa lên rằng, không cưới xin gì nữa, không vợ hai vợ ba gì cả, ông ấy chết thì mặc ông ấy... Rồi chưa hả, bà ấy làm loạn lên, giằng xé ông ấy, bắt ông ấy phải bỏ tôi ngay lập tức. Ngày nào cũng vậy, bà ấy cứ đi bộ một cây rưỡi lên để mắng tôi, chửi tôi và đòi chồng về. Tôi phận làm em, lại làm lẽ nên cắn răng không nói lại lời nào. Bà ấy tự nhiên nổi cơn tam bành như thế, nên cũng không cho các con bà qua lại nhà tôi từ ngày ấy".
Kể đến đây, bà Tự lại quay sang nhìn bà Thủy, cười rất tươi và bảo: "Bà này bây giờ hiền như cục đất thế thôi chứ ngày xưa thâm hiểm lắm!". Như thấy sự ngóng đợi câu chuyện của tôi, bà Tự trở lại mạch chuyện: "Bà ấy ròng rã đi bộ từ đây (nhà bà cả - PV) lên nhà tôi hết ngày này đến ngày khác, mỗi ngày một cây rưỡi nên mệt. Sau vài ngày không thấy bà lên nhà mắng mỏ, quát tháo nữa thì tôi nhận được lời nhắn xuống nhà của bà từ con bé lớn. Trong lòng tôi mừng thầm vì nghĩ, bà ấy chắc đã nghĩ lại, chị em chúng tôi sẽ trở lại thân thiết như trước đấy. Ai ngờ đâu...".
Bà Tự dừng lời, liếc sang bà Thủy để nghe ngóng thái độ rồi quay sang hỏi tôi: "Cô có biết bà ấy nhắn tôi xuống làm gì không ?". Rồi chưa kịp để tôi có câu trả lời, giọng bà Tự hào hứng hẳn lên: "Thâm hiểm lắm. Chắc vì bà ấy đi bộ nhiều quá, mỏi chân nên thay vì chạy qua nhà thì bà ấy nhắn tôi xuống để… chửi tiếp cho thỏa cơn ghen". Ngôi nhà đang chìm trong im lặng bỗng nhiên ào ào tiếng cười trước "tiết lộ" bất ngờ của bà Tự. Bà Thủy tay đưa lên miệng lau vài giọt trầu vương ra ngoài, mỉm cười tiếp lời: "Ngày ấy, tôi không biết đi xe đạp, ngày nào cũng đi bộ lên nhà cô thì rạc cẳng, mà cơn ghen thì cứ âm ỉ trong lòng, khó chịu lắm, không mắng cô thì tôi xả vào đâu"...
Bị mắng nhiều quá, bà Tự bàn lùi với ông Như: "Thôi, coi như tôi đẻ hộ ông, ông nuôi con cũng được, tôi nuôi cũng được nhưng nó vẫn là con ông, lớn lên nó vẫn về với ông. Từ bây giờ, ông đừng lên đây nữa, đừng làm khổ tôi nữa. Nhưng ông Như vỗ về bảo, bà Thủy nóng hết cơn là lại lành, ông ấy sẽ giải quyết được"".
Nghe bùi tai, bà Tự lại yên lòng. Nhưng bà không ngờ, cái gọi là "hết cơn" của bà Thủy lại kéo dài từ đứa con đầu lòng của bà cho đến đứa sau vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu. Chuyện hạnh phúc một ông - hai bà, bởi thế cũng đứng trước nguy cơ đổ vỡ bất kỳ lúc nào, cho đến khi một "biến cố" dị thường đột ngột xảy ra...
(Còn nữa...)