Kỳ vọng vào cải cách tiền lương

Sự kiện: Tin ngắn

Chính sách cải cách tiền lương thực hiện từ ngày 1-7-2024 được kỳ vọng sẽ giúp người làm việc trong khu vực công, nhất là 2 ngành giáo dục và y tế, "sống được bằng lương"

Chính phủ đã dành được khoảng 680.000 tỉ đồng để thực hiện chính sách tiền lương mới. Đây là lần thứ 5 Việt Nam thực hiện cải cách tiền lương (năm 1960, 1985, 1993, 2003 và 2024). Cải cách lần này được nhìn nhận có nhiều điểm đột phá, khắc phục những hạn chế, bất cập của chính sách tiền lương trước đây.

Hưởng lương tương xứng với công sức làm việc

Theo Nghị quyết số 27-NQ/TW, từ ngày 1-7-2024, chính sách tiền lương mới quy định 5 bảng lương theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo, gồm: 1 bảng lương chức vụ, chức danh lãnh đạo trong hệ thống chính trị, bao gồm cả các đơn vị sự nghiệp công lập từ trung ương đến cấp xã; 1 bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ theo nguyên tắc cùng mức độ phức tạp công việc thì mức lương như nhau; 3 bảng lương đối với lực lượng vũ trang. Các bảng lương được thiết kế mức lương cơ bản bằng số tiền cụ thể và mở rộng quan hệ tiền lương từ 1 - 2,34 - 10 hiện nay lên mức cao hơn để từng bước tiệm cận với tiền lương khu vực doanh nghiệp.

Nghị quyết số 27-NQ/TW cũng nêu rõ: "Xây dựng, ban hành hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thay thế hệ thống bảng lương hiện hành". Theo đó, mỗi ngành sẽ có một số vị trí việc làm, mỗi vị trí việc làm có mức lương riêng cụ thể theo mức độ phức tạp của công việc, không "cào bằng" giữa mọi ngành như hiện nay. Trả lương theo vị trí việc làm cũng có nghĩa là người dù mới được tuyển dụng/bổ nhiệm nếu đáp ứng được yêu cầu công việc tại vị trí việc làm đó sẽ được hưởng lương tương xứng với công sức và kết quả làm việc, thay vì phụ thuộc vào thâm niên công tác, bằng cấp như hiện tại.

Giáo viên kỳ vọng cải cách tiền lương lần này giúp họ cải thiện thu nhập, để dành toàn bộ thời gian, tâm trí cho nghề. Trong ảnh: Cô và trò Trường THPT Trưng Vương (quận 1, TP HCM) Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Giáo viên kỳ vọng cải cách tiền lương lần này giúp họ cải thiện thu nhập, để dành toàn bộ thời gian, tâm trí cho nghề. Trong ảnh: Cô và trò Trường THPT Trưng Vương (quận 1, TP HCM) Ảnh: HOÀNG TRIỀU

TS Đinh Duy Hòa, nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính (Bộ Nội vụ), cho rằng về mặt nguyên tắc, Nghị quyết Trung ương và các bước chuẩn bị đều khẳng định cải cách tiền lương lần này lương sẽ tăng lên 32% và thu gọn lại các chế độ phụ cấp. Lương lần này được thiết kế: 70% là lương cơ bản, 30% phụ cấp và 10% thưởng. "Tôi theo dõi các đợt cải cách tiền lương từ trước đến nay thì thấy không có chuyện với cải cách mới mà người đang hưởng lương lại bị thụt đi" - ông Hòa nói.

Băn khoăn với phụ cấp thâm niên

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, một điểm đáng chú ý khi thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW là lương viên chức, nhất là viên chức giáo dục và y tế, sẽ cao hơn so với mặt bằng chung của đội ngũ công chức và viên chức khác.

Để cập đến vấn đề này, ông Lương Văn Minh, Phó Chủ tịch Công đoàn ngành Y tế TP HCM, bày tỏ băn khoăn khi hiện nay vẫn chưa có được văn bản hướng dẫn cụ thể. Tuy nhiên, ông Minh kỳ vọng sau cải cách tiền lương, đội ngũ y - bác sĩ, lao động ngành y sẽ tăng thêm thu nhập, đủ trang trải cuộc sống và có tiền tích lũy.

Sau 11 năm đi dạy, cô Lê Thị Ngần - giáo viên một trường THCS ở quận Gò Vấp, TP HCM - đang hưởng mức lương 7,6 triệu đồng/tháng. Khi nghe tin giáo viên thuộc nhóm được tăng lương cao so với mặt bằng chung các nghề nghiệp khác khi thực hiện cải cách tiền lương, cô Ngần và đồng nghiệp rất vui, hy vọng sẽ sống được bằng lương để tập trung thời gian, tâm trí cho nghề.

Cô Lê Thị Kiều Diễm, giáo viên Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân (quận 1, TP HCM), nhận định việc cải cách sẽ giúp giáo viên trẻ an tâm gắn bó với nghề và có động lực phấn đấu lên vị trí cao hơn. "Tuy nhiên, nếu cắt thâm niên nghề thì có thể mức lương của những người công tác lâu năm sẽ bằng với giáo viên mới ra trường. Những thầy cô có trên 30 năm đi dạy, nếu bị cắt phụ cấp thâm niên sẽ hụt hẫng. Phụ cấp thâm niên không chỉ là một khoản thu nhập mà còn là ghi nhận sự đóng góp của thầy cô với nghề" - cô Diễm trăn trở.

Luật sư Nguyễn Hải Nam (Đoàn Luật sư tỉnh Bình Phước) nhận định việc cải cách tiền lương tính theo mức tiền cụ thể hay tính theo hệ số không quan trọng bằng việc tính sao cho công bằng mà vẫn cải thiện được mức lương. Vì vậy, để tránh xáo trộn nhiều thì Bộ Nội vụ nên tính toán để nâng hệ số cao hơn hiện tại thay vì thay đổi toàn bộ cách tính bằng mức lương cố định cho từng vị trí.

Trường hợp phải tính bằng mức lương cố định cho từng vị trí và bỏ cách tính hệ số thì vẫn nên duy trì mức lương thâm niên bằng cách tăng một số lương cụ thể cho mỗi giai đoạn 3 hoặc 5 năm công tác (như cách mà khối tư nhân vẫn áp dụng). "Nếu bỏ toàn bộ thâm niên để tính cào bằng sẽ dẫn đến sự thiếu gắn bó và tình trạng người cũ bỏ việc là điều dễ xảy ra" - luật sư Nam nói. 

Mong sớm có thang, bảng lương

Đại biểu Quốc hội Hoàng Quốc Khánh (đoàn Lai Châu) đề nghị Chính phủ sớm công bố phương án cải cách tiền lương để các địa phương có cơ sở xây dựng các văn bản sửa đổi các chính sách hiện hành. Việc sớm có thang, bảng lương mới sẽ giúp hoàn thiện các văn bản hướng dẫn liên quan chế độ, chính sách cho người hưởng lương, bảo đảm thực hiện đồng bộ từ ngày 1-7-2024.

Ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội (nay là Ủy ban Xã hội) của Quốc hội, cho rằng nếu các văn bản, thông tư hướng dẫn cải cách tiền lương chưa được ban hành thì quá trình cải cách tiền lương có thể bị chậm lại. "Nhưng đã công bố cải cách tiền lương từ ngày 1-7 thì vẫn phải tiến hành. Nếu chưa áp dụng vào tháng 7-2024 thì tháng 8-2024 áp dụng. Trường hợp chậm áp dụng thì người lao động có thể được truy lĩnh mức lương mới vào các tháng tiếp theo" - ông Lợi nói.

Nguồn: [Link nguồn]

Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, chi chuyển nguồn cao chủ yếu do các nguồn lực được chuyển theo quy định pháp luật, đặc biệt là nguồn tích lũy qua các năm để thực hiện cải cách tiền lương rất cao.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo NHÓM PHÓNG VIÊN ([Tên nguồn])
Tin ngắn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN